Giải mã xác ướp 8 nghìn năm tuổi

Các nhà khảo cổ đã tìm thấy bằng chứng về xác ướp lâu đời nhất thế giới khi nghiên cứu những hài cốt ở miền Nam Bồ Đào Nha.

Xác ướp được chôn trong tư thế đặc biệt.

Xác ướp được chôn trong tư thế đặc biệt.

Viết lại lịch sử

Cách đây 60 năm, nhà khảo cổ học người Bồ Đào Nha, Manuel Farinha dos Santos đã chụp ảnh một số bộ xương được chôn cất trong những ngôi mộ 8 nghìn năm tuổi qua cuộc khai quật ở thung lũng Sado của Bồ Đào Nha.

Cho đến khi ông qua đời vào năm 2001, bộ ảnh vẫn chưa được công bố, mặc dù có một số tài liệu và bản đồ vẽ tay về di chỉ ở thung lũng Sado được lưu giữ trong Bảo tàng Khảo cổ học quốc gia tại Lisbon.

Qua phân tích những ảnh này, các nhà khoa học cho rằng, châu Âu mới là nơi có xác ướp cổ nhất chứ không phải Ai Cập hay Chile. Họ đã tái tạo các vị trí mà hài cốt được chôn cất, mang đến cơ hội tìm hiểu sâu hơn về các nghi lễ an táng diễn ra cách đây 8 thiên niên kỷ.

Trong một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Khảo cổ học châu Âu, các nhà khoa học cho biết những thi hài ở thung lũng Sado có dấu vết được ướp xác trước khi chôn cất. Họ đã xem xét một số yếu tố để khẳng định điều này. Tuy nhiên, do các mô mềm trên cơ thể không còn khiến cho việc tìm kiếm các dấu hiệu của việc bảo quản trở nên khó khăn.

Các chuyên gia đã sử dụng một phương pháp gọi là Archaeothanatology để lập hồ sơ và phân tích các bộ hài cốt, đồng thời cũng xem xét kết quả các thí nghiệm phân hủy do Cơ sở Nghiên cứu Nhân chủng học Pháp y tại Đại học bang Texas (Mỹ) thực hiện.

Trước hết, các nhà nghiên cứu nhận thấy, bộ xương người chết “siêu linh hoạt”, tức là các chi đã được di chuyển vượt quá giới hạn tự nhiên, cho thấy thi thể đã bị buộc bằng những sợi dây liên kết nhưng giờ đã mục nát.

Thứ hai, các xương vẫn còn ở vị trí cố định, nghĩa là chúng không rời khỏi khớp nối, đặc biệt là các xương rất nhỏ của bàn chân, thường bị vỡ ra hoàn toàn khi cơ thể phân hủy. Điều này cho thấy, thi thể được chôn cất dưới dạng xác ướp, chứ không phải là xác bình thường.

Đất xung quanh ngôi mộ hầu như còn nguyên vẹn. Nếu thi thể được chôn cất mà không ướp xác, các mô mềm bị phân hủy sẽ tạo ra những khoảng trống được lấp đầy bởi trầm tích. Vì lớp đất này có vẻ không thay đổi, cho thấy cơ thể không bị phân hủy nên khả năng xác đã được ướp khi chôn cất.

Ảnh minh họa cho thấy cách người cổ đại ở Bồ Đào Nha ướp xác trước đi đem chôn.

Ảnh minh họa cho thấy cách người cổ đại ở Bồ Đào Nha ướp xác trước đi đem chôn.

Quy trình ướp xác

Dựa trên các thí nghiệm phân hủy, các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết, người cổ đại có cách chuẩn bị xác ướp theo cách đặc biệt. Họ buộc thi hài người chết, đặt trên một bệ cao để chất lỏng phân hủy chảy ra và dùng lửa để làm khô xác, rồi thắt chặt dần các dây buộc, giữ được sự toàn vẹn về mặt giải phẫu, đồng thời tăng độ uốn dẻo của các chi.

Một số thi thể được chôn ở những tư thế cực kỳ linh hoạt, với hai chân gập ở đầu gối và đặt trước ngực.

Tại sao lại phải qua các bước này? Trong nghiên cứu, các nhà khảo cổ đưa ra giả thuyết, người cổ đại thực hiện tiến trình trên để dễ bảo quản, vận chuyển thi hài đến chôn cất tại một địa điểm quan trọng đã định trước.

Trong trường hợp này, việc xử lý trước khi chôn cất sẽ giúp thi thể được bảo quản, kiểm soát tốt trong một thời gian, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển mà vẫn bảo đảm được tính toàn vẹn về mặt giải phẫu khi chôn cất.

Những bức ảnh do nhà khảo cổ Manuel Farinha dos Santos chụp cách nay 60 năm.

Những bức ảnh do nhà khảo cổ Manuel Farinha dos Santos chụp cách nay 60 năm.

Xác ướp lâu nhất trước đây, được phát hiện ở sa mạc Atacama của Chile, trẻ hơn 1 nghìn năm so với xác ướp của người Bồ Đào Nha. Còn xác ướp Ai Cập cổ nhất tồn tại được biết đến nay có niên đại khoảng 4 nghìn năm trước, mặc dù có bằng chứng cho thấy người Ai Cập đã bắt đầu ướp xác cách nay 5.700 năm.

Các nhà khoa học nhận định: “Những nghi thức trên cũng cho thấy tầm quan trọng của nơi người chết an nghỉ, đồng thời vẫn tuân theo các nguyên tắc đã được quy định về mặt văn hóa”.

Rita Peyroteo-Stjerna, nhà khảo cổ sinh học tại Đại học Uppsala ở Thụy Điển, đồng thời là tác giả chính của cuộc nghiên cứu nói, họ đã kiểm tra kỹ lưỡng các bức ảnh chụp vào những năm 1960 để tái hiện quá trình ướp xác.

Bà cho biết, có thể nhiều người cổ đại đã sử dụng phương pháp ướp xác để bảo quản hài cốt ở châu Âu. Nhưng không giống như Ai Cập hay Chile, cả hai đều nổi tiếng có xác ướp, điều kiện ẩm ướt hơn ở châu Âu khiến xác ướp cổ đại không thể tồn tại được lâu.

Tuy nhiên, các phương pháp được Peyroteo-Stjerna và nhóm của bà sử dụng có thể giúp tìm ra manh mối của quá trình ướp xác, bất kể xác ướp còn nguyên vẹn hay không, nhằm xác định một số hài cốt được bảo tồn lâu đời nhất trên thế giới.

Nếu giả thuyết của các nhà khảo cổ học hợp lý, xác ướp ở thung lũng Sado có tuổi đời 8 nghìn năm sẽ là xác ướp lâu đời nhất từng được tìm thấy. Điều này có thể làm tăng sự hiểu biết của chúng ta về các hệ thống tín ngưỡng thời kỳ đồ đá cũ, đặc biệt liên quan đến cái chết và chôn cất.

Theo Allthatsinteresting

Lê Du

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/giai-ma-xac-uop-8-nghin-nam-tuoi-faRRw9y7g.html