Giải pháp cắt giảm phát thải và sản xuất bền vững cho ngành gỗ

Tín hiệu tích cực là trong ngành gỗ, nhiều doanh nghiệp đã chủ động triển khai kiểm kê khí nhà kính để sẵn sàng đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường trong ESG, hướng tới phát triển bền vững.

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Xuân Anh - TTXVN

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Xuân Anh - TTXVN

Trong bối cảnh thị trường yêu cầu ngày càng cao về ESG, làm thế nào để cắt giảm phát thải khí nhà kính và sản xuất bền vững trong ngành gỗ là chủ đề được nhiều chuyên gia, doanh nghiệp thảo luận tại hội thảo "Doanh nghiệp ngành gỗ sẵn sàng đáp ứng yêu cầu giảm phát thải khí nhà kính và sản xuất bền vững" do Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Tp. Hồ Chí Minh (Hawa) phối hợp các đối tác tổ chức ngày 29/11.

Bà Nguyễn Thị Truyền, Chuyên gia cao cấp Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thông tin, theo quy định, tất cả các cơ sở sản xuất có phát thải hàng năm lớn hơn hoặc bằng 3.000 tấn CO2 tương đương phải kiểm kê khí nhà kính. Qua kiểm kê khí nhà kính ở hơn 10 doanh nghiệp chế biến đồ gỗ, lượng phát thải khí nhà kính từ tiêu thụ điện năng chiếm đến 90% tổng phát thải, các phát thải trực tiếp chiếm chưa đến 10%. Ngoài phát thải trong quá trình sản xuất, còn có các loại phát thải khác theo chuỗi. Do đó, việc tiết kiệm điện năng tiêu thụ sẽ giúp cắt giảm khi nhà kính hiệu quả nhất. Để tiết kiệm điện, cần thực hiện đồng bộ giải pháp quản lý, giải pháp kỹ thuật và tiến đến thay thế năng lượng.

Theo bà Nguyễn Thị Truyền, qua khảo sát các nhà máy sản xuất, còn rất nhiều dư địa để doanh nghiệp tối ưu hóa năng lượng nhằm cắt giảm khí nhà kính. Tùy điều kiện thực tế, doanh nghiệp có thể áp dụng các giải pháp đầu tư lớn như tăng cường quản lý nội vi nâng cao hiệu quả hệ thống giám sát điện; thay dần động cơ hiệu suất cáo cho các máy cưa, đầu tư máy nén tích hợp, lò sấy gỗ năng lượng mặt trời, đầu tư máy CNC tự động, lắp hệ thống điện mặt trời lên công suất 200 kWp, …

Với các doanh nghiệp có nguồn lực tài chính hạn chế vẫn có thể cải thiện hiệu suất sử dụng năng lượng bằng các giải pháp đơn giản, ít tốn kém như thay đèn huỳnh quang, đèn cao áp thành đèn led, tận dụng chiếu sáng tự nhiên, tắt đèn chiếu sáng không cần thiết ở khu vực không sản xuất, lắp biến tần cho hệ thống quạt hút bụi, cài đặt nhiệt độ máy lạnh từ 25oC trở lên. Đối với dây chuyền sản xuất, doanh nghiệp nên tận dụng gỗ vụn cho lò hơi, thu hồi nước hơi nước ngưng tụ, nếu có điều kiện có thể phơi gỗ để giảm thời gian sấy.

Tín hiệu tích cực là trong ngành gỗ, nhiều doanh nghiệp đã chủ động triển khai kiểm kê khí nhà kính để sẵn sàng đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường trong ESG, hướng tới phát triển bền vững. Không chỉ doanh nghiệp lớn mà đã có cả doanh nghiệp nhỏ, quy mô 40 lao động đầu tư kiểm kê khí nhà kính để đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Việc kiểm kê khí nhà kính là cơ sở để các công ty nắm bắt được các nguồn phát thải khí nhà kính hiện hữu trong văn phòng, nhà máy, từ đó xác định được khu vực/nguồn thải nào phát thải nhiều nhất, cũng như khu vực nào có tiềm năng giảm phát thải nhiều nhất. Thiết lập mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính cho công ty thông qua các giải pháp đã được đề xuất nhằm tuân thủ các qui định môi trường, phát triển xanh từ đó mang lại hiệu quả kinh tế và nâng cao hình ảnh công ty với đối tác, khách hàng.

Ông Phạm Duy Doanh, Giám đốc Mua hàng Công ty Mộc Phát chia sẻ, chuyển đổi số là giải pháp hiệu quả để giải phóng lãnh đạo và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Việc chuyển đổi số là ứng dụng tối đa công nghệ để tối ưu hóa quy trình vận hành, hỗ trợ cho tổ chức, người dùng; tạo ra các trải nghiệm mới cho khách hàng, mang đến giá trị cho công ty.

Ông Lê Xuân Tân, Giám đốc điều hành Công ty Gỗ Hạnh Phúc chia sẻ thông tin tại hội thảo. Ảnh: Xuân Anh - TTXVN

Ông Lê Xuân Tân, Giám đốc điều hành Công ty Gỗ Hạnh Phúc chia sẻ thông tin tại hội thảo. Ảnh: Xuân Anh - TTXVN

Động lực để doanh nghiệp chuyển đổi số xuất phát từ chính áp lực công việc đối với đội ngũ lãnh đạon khi luôn phải hiện diện, ký quá nhiều giấy tờ mà không có đủ thông tin, khó phân quyền và khó quản lý. Thiếu kết nối dữ liệu khiến việc đưa ra quyết định khó khăn, hạn chế tương tác nội bộ…

Theo ông Phạm Duy Doanh, hiện nay có rất nhiều nhà cung cấp dịch vụ, giải pháp chuyển đổi số để doanh nghiệp lựa chọn. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của việc chuyển đổi là quyết tâm của chủ doanh nghiệp, năng lực tài chính, sự thống nhất nội bộ, chấp nhận sự thay đổi, tuân thủ nghiêm ngặt tiến độ.

Từ góc nhìn nội bộ, việc chuyển đổi số giúp doanh nghiệp làm chủ dữ liệu, tăng cải tiến và sáng tạo, cải thiện môi trường làm việc, tối ưu hóa chi phí và lợi nhuận. Việc chuyển đổi cũng giúp tăng trải nghiệm cho khách hàng, tăng sự linh hoạt và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững.

Nếu đối chiếu với bộ tiêu chuẩn ESG, chuyển đổi số giúp giảm tiêu thụ nhiên liệu và năng lượng, minh bạch nguồn gốc gỗ hợp pháp, sản phẩm an toàn và thân thiện; cải tiến chất lượng sản phẩm và cải thiện môi trường làm việc cho người lao động.

Ông Lê Xuân Tân, Giám đốc điều hành Công ty Gỗ Hạnh Phúc cho rằng, việc chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tìm kiếm giải pháp thay thế năng lượng bền vững không nên xuất phát từ yêu cầu của đối tác, thị trường mà cần xuất phát từ chính nhu cầu của doanh nghiệp. Bởi việc chuyển đổi này giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí trong dài hạn và duy trì sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, áp lực tài chính, thời gian thu hồi vốn là bài toán khó cho nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ. Ngoài ra, việc đầu tư thay thế thiết bị máy móc hay hệ thống năng lượng cũng sẽ ảnh hưởng đến công suất hoạt động của nhà máy khiến doanh nghiệp ngần ngại.

"Trong bối cảnh thị trường vẫn còn nhiều biến động, lượng đơn hàng chưa ổn định, doanh nghiệp cần ưu tiên cải thiện nội lực của mình. Không nhất thiết phải đầu tư vào hệ thống thiết bị hay công nghệ hiện đại nhất, việc cải thiện năng lực, phải bắt đầu từ việc thay đổi tư duy, cải thiện năng lực vận hành, tối ưu hóa hệ thống hiện có của doanh nghiệp. Các quyết định đầu tư chuyển đổi lớn cần được đánh giá, khảo sát một cách kỹ lưỡng để đạt được hiệu quả tốt nhất, tránh lãng phí công nghệ và tài chính" ông Lê Xuân Tân khuyến nghị.

Xuân Anh/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/giai-phap-cat-giam-phat-thai-va-san-xuat-ben-vung-cho-nganh-go/355033.html