Giải pháp phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong doanh nghiệp hóa chất
Kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn không còn là xu hướng mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc trong tiến trình phát triển bền vững của ngành hóa chất Việt Nam.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, suy giảm tài nguyên và áp lực tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường ngày càng gia tăng, phát triển kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu thế không thể đảo ngược.
Với ngành hóa chất, lĩnh vực vốn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát thải, việc chuyển đổi sang mô hình sản xuất bền vững không chỉ là trách nhiệm, mà còn là cơ hội để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, con đường này không dễ dàng, đòi hỏi tầm nhìn dài hạn và những giải pháp cụ thể. Để làm rõ vấn đề này, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Văn Bằng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần DAP-Vinachem.
Chìa khóa để doanh nghiệp tăng năng lực cạnh tranh
- Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về vai trò của phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đối với các doanh nghiệp ngành hóa chất hiện nay?
Ông Vũ Văn Bằng: Kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với ngành hóa chất, một ngành đặc thù có mức độ sử dụng tài nguyên và phát thải cao. Trong bối cảnh các thị trường quốc tế ngày càng đặt ra các tiêu chuẩn khắt khe về phát triển bền vững, trung hòa carbon và bảo vệ môi trường, thì việc chuyển đổi theo hướng này chính là chìa khóa để ngành hóa chất nâng cao năng lực cạnh tranh và tồn tại lâu dài.
Với doanh nghiệp, phát triển kinh tế tuần hoàn không chỉ giúp tuân thủ quy định, mà còn là cơ hội tiết giảm chi phí, tối ưu hóa nguyên liệu đầu vào, đồng thời tạo ra các sản phẩm phụ có giá trị thương mại cao. Đây là hướng đi vừa có lợi ích kinh tế, vừa thể hiện trách nhiệm với môi trường và cộng đồng.

Ông Vũ Văn Bằng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần DAP-Vinachem. Ảnh: Vinachem
- Tại Công ty Cổ phần DAP - Vinachem, việc phát triển kinh tế tuần hoàn đã được triển khai ra sao? Những mô hình nào đang cho thấy hiệu quả thực tiễn, thưa ông?
Ông Vũ Văn Bằng: Chúng tôi triển khai kinh tế tuần hoàn với nhiều trụ cột giải pháp đồng bộ, tập trung vào ba nhóm chính: tái chế chất thải thạch cao PG, thu hồi và sản xuất sản phẩm phụ từ nguồn nguyên liệu dư thừa và đa dạng hóa sản phẩm để tăng giá trị chuỗi sản xuất.
Đầu tiên là việc tái chế thạch cao PG, chất thải phát sinh từ sản xuất phân bón DAP. Để làm được điều này, DAP - Vinachem đã kêu gọi và thu hút thành công ba nhà đầu tư gồm Công ty Thạch cao Đình Vũ, Công ty CP đầu tư Trường An và Công ty Đình Vũ Xanh, xây dựng các nhà máy tái chế PG làm phụ gia xi măng, tấm trần, vật liệu xây dựng… Nhờ đó, chất thải được biến thành nguyên liệu có giá trị sử dụng, thay thế thạch cao tự nhiên, góp phần hình thành chuỗi tuần hoàn khép kín từ khai thác quặng apatit đến tái sử dụng phụ phẩm.
Chúng tôi còn đầu tư dây chuyền lọc rửa PG lần hai tại nhà máy axit phosphoric để thu hồi triệt để P₂O₅ và nâng chỉ số pH của PG, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thương mại hóa. Hiện công ty cũng đã phối hợp xây dựng và hoàn thiện ba tiêu chuẩn quốc gia về sử dụng thạch cao PG làm phụ gia xi măng, vật liệu san lấp và nền đường.
Đặc biệt, công ty đang triển khai thiết kế và lắp đặt dây chuyền tái chế PG quy mô 500.000 tấn/năm, dự kiến đi vào vận hành từ đầu năm 2026. Đây sẽ là bước đột phá trong xử lý và khai thác PG hiệu quả, triệt để.
Giải pháp thứ hai chúng tôi tiến hành là sản xuất muối Na₂SiF₆ từ quá trình thu hồi flo. Đây là một sáng kiến trong sản xuất xanh mà công ty đã đưa vào chiến lược từ năm 2021. Sản phẩm này không chỉ giúp thu hồi flo tuần hoàn, hạn chế ăn mòn thiết bị, mà còn có giá trị kinh tế cao khi ứng dụng trong nhiều ngành công nghiệp. Dự án đã hoàn thiện gần hết các thủ tục đầu tư và sẵn sàng khởi công sau khi được Tập đoàn phê duyệt.
Song song với hai giải pháp trên, chúng tôi đầu tư công nghệ và mở rộng sản phẩm. Năm 2025, chúng tôi sẽ triển khai dự án “Đầu tư chiều sâu công nghệ, nâng cao chất lượng axit phosphoric và sản xuất phân bón MAP công suất 60.000 tấn/năm”.
Đây là bước đệm để phát triển các sản phẩm giá trị cao như DAP 64%, DCP, MCP, phosphate dùng cho sản xuất pin lithium hoặc axit phosphoric thương phẩm để xuất khẩu.
Công ty cũng đang nâng cấp cảng đón tàu 20.000 DWT, đầu tư hệ thống bồn chứa hóa chất phục vụ kinh doanh các mặt hàng như methanol – giải pháp giúp gia tăng nguồn thu, giảm rủi ro phụ thuộc vào biến động thị trường phân bón.
Tăng cường liên kết, đầu tư đổi mới công nghệ
- Theo ông, để các doanh nghiệp hóa chất chuyển đổi hiệu quả theo mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, cần phải làm gì trong thời gian tới?
Ông Vũ Văn Bằng: Tôi cho rằng có ba nhóm giải pháp mà doanh nghiệp ngành hóa chất cần quan tâm và triển khai đồng bộ nếu muốn phát triển theo mô hình kinh tế xanh và tuần hoàn một cách hiệu quả.
Thứ nhất, là tư duy và nhận thức. Lãnh đạo doanh nghiệp phải xác định rõ đây không còn là lựa chọn, mà là con đường bắt buộc. Khi đã thay đổi tư duy, toàn bộ hệ thống sẽ cùng hành động có định hướng, không bị động hay chạy theo phong trào.
Thứ hai, là công nghệ và đầu tư. Ngành hóa chất đặc thù có nhiều rủi ro về phát thải, chất thải và ảnh hưởng môi trường. Do đó, việc đầu tư vào dây chuyền sản xuất hiện đại, công nghệ xử lý tiên tiến là điều bắt buộc. Cần có lộ trình nâng cấp công nghệ, hướng tới sử dụng nguyên liệu sạch hơn, ít phát thải hơn, tiết kiệm năng lượng hơn. Đồng thời, nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ về tín dụng xanh, ưu đãi thuế hoặc trợ cấp một phần chi phí đầu tư công nghệ để khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi.
Thứ ba, là tăng cường liên kết – hợp tác. Không phải doanh nghiệp nào cũng đủ nguồn lực để làm một mình. Do đó, cần đẩy mạnh các mô hình hợp tác giữa doanh nghiệp, viện nghiên cứu với địa phương hoặc giữa các doanh nghiệp trong cùng ngành để hình thành hệ sinh thái tuần hoàn, hỗ trợ nhau về công nghệ, nguyên liệu tái chế, xử lý chất thải chung… Điều này không chỉ tiết kiệm chi phí, mà còn thúc đẩy lan tỏa giá trị xanh trong toàn chuỗi cung ứng ngành hóa chất.
Với những bước đi cụ thể và quyết tâm cao, tôi tin rằng các doanh nghiệp ngành hóa chất Việt Nam hoàn toàn có thể từng bước thích ứng và phát triển bền vững theo hướng kinh tế xanh và tuần hoàn, đồng thời nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Xin cảm ơn ông!
Theo chuyên gia, kinh tế tuần hoàn không còn là khái niệm mang tính lý thuyết mà đã trở thành động lực phát triển mới giúp bảo vệ môi trường, mở ra tương lai thịnh vượng cho ngành hóa chất trong thời đại kinh tế xanh.