Giám sát, kiểm định ngặt nghèo hơn khi đóng tàu vỏ thép
Thời gian qua nhiều ngư dân, doanh nghiệp ở tỉnh Thanh Hóa tiếp cận vốn vay ưu đãi đóng tàu vỏ thép, dù vậy, một số con tàu mới đưa vào hoạt động đã phát sinh những hư hỏng. Theo đó, các cơ quan chức năng cần trợ giúp ngư dân tăng cường giám sát, kiểm định chất lượng đóng tàu vỏ thép.
Tàu sắt chóng hư hỏng
Bên cảng Hới, TP Sầm Sơn, so sánh ba con tàu vỏ sắt đậu song song có nguồn vốn đầu tư hơn 17 tỷ đồng, con tàu vỏ sắt TH 93968 TS của ông Nguyễn Duy Muộn ở phố Tiến Lợi, phường Quảng Cư có hiểu hiện chất lượng kém nhất. Thành tàu mới được phết thêm lượt sơn màu nâu đỏ vẫn khó lấp đầy phần tôn sắt bị rỉ, bong lỗ chỗ; đế cột trụ xà quá bé, nhiều đoạn xà mới được hàn nối lại; tời thủy lực đã sửa chữa vẫn không khắc phục được biểu hiện thiếu vững chắc bên những cuộn dây tời khủng. Triển khai đóng tàu vào đầu tháng 8-2015 tại Công ty cổ phần Đại Dương (Công ty Đại Dương) ở xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, phải một năm sau con tàu mới hạ thủy và cần thêm hai tháng chỉnh trang tàu, cả chủ phương tiện cùng người lao động mới xuất bến, ra ngư trường Vịnh Bắc Bộ đánh bắt thủy sản. Đang bám ngư trường đánh bắt hải sản, tời thủy lực bị vỡ, người lao động phải kéo lưới bằng tay cả đêm, rồi điều khiển tàu về xưởng của Công ty Đại Dương sửa chữa bảo hành. Sau 10 ngày sửa chữa, tàu vươn khơi, đánh bắt hải sản chuyến thứ hai thì máy phát điện hư hỏng, vỡ xi lanh, bó pít -tông, phải quay về Lạch Hới sửa chữa. Thêm 15 ngày “nằm bờ”, phương tiện cùng người lao động lại xuất bến ra ngư trường Bạch Long Vĩ đánh bắt hải sản. Bất ngờ trời nổi gió cấp 8, cấp 9, phải điều khiển tàu chạy vào cảng đảo Bạch Long Vĩ tránh thiên ta, ông Muộn buồn rầu: Khi thả neo, hai neo đều văng mỏ, đành phải nổ máy cả đêm, điều khiển tàu nhóng gió (hướng mũi tàu về hướng gió thổi) nhằm tránh gió đẩy, giật ngang làm lật tàu. Sáng sớm hôm sau, anh chỉ đạo điều khiển phương tiện chạy về cảng Hới để sửa neo thì bộ lái thủy lực văng khỏi bệ, kéo theo hỏng chân vịt, trục lái. Lại mất hơn một tháng “nằm xưởng” khắc phục những bộ phận hư hỏng và phương tiện chỉ được bảo hành sáu tháng. Ba lần sửa chữa hư hỏng phát sinh hết gần 900 triệu đồng nhưng cơ sở đóng tàu thanh toán 200 triệu đồng. Kiến nghị với công ty bảo hiểm, công ty này cho rằng hỏng bộ lái thủy lực do nhà máy đóng tàu phải trả chi phí sửa chữa.
Năm nay, sau mỗi chuyến đã có thu nhập. Ông Muộn đã trả được Ngân hàng thương mại cổ phần đầu tư phát triển Việt Nam (BIDV) hai quý nợ gốc và lãi 700 triệu đồng nhưng con tàu thỉnh thoảng vẫn “ giở chứng”. Đáng kể nhất là lần chắn lưu, bóng, dây điện bị cháy nổ, chủ tàu đã phải thay khoảng 75 cục chắn lưu, 130 bóng điện, công suất 1000 W/quả. Theo ông Muộn, phần điện ông đã băn khoăn trước lúc xuất xưởng bởi dây điện thiết kế 2,5 ly, thực tế lắp đặt có dây điện 1,5 ly nhưng công ty hứa như đinh đóng cột là sẽ bảo hành phần điện nên ông ký vào biên bản nghiệm thu. Từng bám sát các công đoạn đóng tàu nhưng ông Muộn phân trần: Từ sắt tấm, sắt khung đến khi thi công, lắp đặt các hạng mục khác trên tàu, ông không có kiến thức, hiểu biết nhiều về các nguyên liệu, chủng loại vật tư, thiết bị nên đã “ký tọa độ” vào các giấy tờ liên quan. Ngay khi được trao quyền tự tìm cơ sở mua, sắm ngư, lưới cụ, công ty chiết khấu 380 triệu đồng, ông cũng chấp thuận. Vay 17 tỷ đồng của ngân hàng BIDV đóng mới con tàu sắt để yên tâm vươn khơi bám biển đánh bắt hải sản, giờ ông Muộn tổn thất thêm hàng trăm triệu đồng tiền nhiên liệu, trả công lao động khi mới ra đến ngư trường buộc phải trở về bờ để sửa chữa, khắp phục hư hỏng phát sinh. Đưa vào hoạt động mới được hơn tám tháng, tàu Muộn Cương TH 93968 TS chóng xuống cấp, phát sinh hư hỏng.
Tăng cường giám sát, kiểm định tàu vỏ thép
Qua trao đổi với các chủ phương tiện vay vốn đóng tàu vỏ thép chúng tôi được biết một số chủ phương tiện cùng có tình trạng “ ký tọa độ” trong xác định vật tư, nguyên liệu, nghiệm thu công đoạn đóng tàu. Ông Nguyễn Văn Nhung ở thôn Bắc Sơn, xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa, chủ TH 93979 TS bộc bạch: Cán bộ kỹ thuật, giám sát, thợ thi công bảo sắt tấm, sắt khung, sườn đóng tàu đều nhập từ Hàn Quốc, chủ đầu tư cũng biết vậy. Ngay khi doanh nghiệp đóng tàu đồng ý cho tôi tự tìm mua máy phát điện cũ đã qua sử dụng, nhà máy đóng tàu giữ lại 600 triệu đồng, tôi cũng chỉ biết ký nhận. Hiện máy phát điện trên tàu thỉnh thoảng lại trục trặc, đành ngậm ngùi sửa chữa, biết kêu ai. Thêm nữa các thiết bị hàng hải như ra đa, máy Icom, bộ đàm rất kém; các chốt trục xoay, điều khiển xà, tời leo, tời đuôi tàu nhỏ và yếu. Vách ngăn trong khoang tàu để bảo quản hải sản không có đường thu gom nước đá khiến hơn tấn cá bạc má mới đánh bắt được bị hỏng, ngư dân thiệt hại ngay khi đã đánh bắt được con cá lên tàu. Riêng hệ thống tời thủy lực bị hỏng mấy lần, doanh nghiệp hỗ trợ 30 triệu đồng sửa chữa, khắc phục. Lê Anh Xuân, thuyền viên tàu TH 93979 TS thông tin thêm: Làm việc dưới giàn đèn thắp sáng 150-200 bóng, công suất mỗi bóng 1000W để “dụ cá”, mắt thuyền viên thường bị đau, da cháy rộp nên đánh bắt thủy sản trong đêm các thuyền viên vẫn phải mặc áo chống nắng. Tàu mới vươn khơi đánh bắt hải sản được ba chuyến, thì chuyến đầu tiên đã hỏng tời, chuyến thứ hai lỗ hàng trăm triệu đồng cho chưa quen ngư trường phía nam và chuyến vươn khơi đánh bắt hải sản vào tháng 6 năm nay mới cho thu nhập 270 triệu đồng.
Theo Chủ tịch phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn Trần Ngọc Đính, ngoài các chủ đầu tư theo sát quá trình đóng tàu vỏ thép, các kỹ thuật viên, giám sát, đại diện cơ quan đăng kiểm phải nêu cao trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao, tham gia giám sát, kiểm định chất lượng đóng tàu vỏ thép. Trong hai con tàu vỏ thép đóng mới từ nguồn vốn vay theo Nghị Định 67/ 2014/NĐ-CP, con tàu sắt của ông Nguyễn Hữu Oanh nhìn trực quan chất lượng có kém, hầm bảo quản hải sản thi công không đúng thiết kế; máy phát điện trục trặc, mới phải sửa chữa. Ngược lại, tàu vỏ thép TH 92568 TS của Công ty cổ phần công nghiệp thủy sản Nam Thanh bảo đảm chất lượng đóng tàu nên phát huy hiệu quả kinh tế cao sau một thời gian đưa vào khai thác. Ngoài khảo sát, lựa chọn kỹ mẫu tàu, đơn vị đóng tàu, Công ty cổ phần công nghiệp thủy sản Nam Thanh chủ động thuê đơn vị thiết kế, giám sát độc lập quá trình đóng tàu. Nhà máy đóng tàu Thị Long ở tỉnh Nam Định vốn có thiết bị công nghệ hiện đại, đội ngũ cán bộ kỹ sư, công nhân giàu kinh nghiệm, trình độ tay nghề cao nhưng chủ đầu tư vẫn phân công cán bộ có kiến thức, trình độ, kinh nghiệm trực tiếp giám sát từng loại vật tư, thiết bị thi công đóng tàu vỏ thép. Ngay khi đưa một tấm tôn vào gia cố hạng mục trong khoang, xuất, bắt từng chiếc bulong cũng phải được kiểm tra KCS, ký duyệt ba bên; thực hiện kiểm soát, kiểm tra, nghiệm thu từng công đoạn. Tàu dịch vụ TH 92568 TS, công suất 1000 CV có tổng mức đầu tư 32 tỷ đồng đưa vào khai thác cuối năm 2016 đến nay không phát sinh hư hỏng lớn nào. Ngoài cung ứng nhiên liệu, vật tư hậu cần nghề cá, thu mua hải sản trên biển, tàu TH 92568 TS còn trợ giúp tàu của anh Nguyễn Duy Muộn hàn, sửa xà ngay trên biển, lai dắc tàu bạn bị hỏng máy trên biển, cập bờ an toàn. Trịnh Ngọc Nam, Giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Nam Thanh cho rằng: Chúng ta chưa chủ động được vật tư, nguyên liệu, công nghệ, kinh nghiệm đóng tàu vỏ thép, cần thiết phải thuê tư vấn, giám sát độc lập. Ngoài chọn được đơn vị đóng tàu có trang thiết bị, công nghệ đóng tàu hiện đại cùng đội ngũ cán bộ quản lý, công nhân có đạo đức kinh doanh, chủ đầu tư vẫn phải tăng giám sát tiến độ, chất lượng thi công tàu vỏ thép.
Được biết, TP Sầm Sơn có 358 phương tiện có công suất từ 90 CV đến 1000 CV chuyên đánh bắt xa bờ, trong đó có 19 doanh nghiệp, cá nhân được xét duyệt, vay vốn đóng mới tám tàu vỏ thép, 11 tàu vỏ gỗ theo chính sách phát triển thủy sản tại Nghị Định 67/2014/NĐ-CP. Ngư dân được tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn, lựa chọn cơ sở đóng tàu, tham gia giám sát quá trình đóng tàu nhưng trình độ có hạn. Trưởng phòng Kinh tế TP Sầm Sơn Bùi Ngọc Thành cho hay: Bộ phân chuyên môn khuyến cáo ngư dân nên thuê tư vấn, giám sát độc lập giám sát quá trình đóng tàu nhưng phần lớn các chủ dự án không thuê tư vấn, giám sát độc lập. TP có 16 phương tiện đã được vào khai thác, phát huy hiệu quả kinh tế trong quá vươn khơi, bám biển. Dù vậy một số phương tiện phát sinh hư hỏng và phòng chuyên môn cùng các ngành chức năng đã khảo sát, nắm bắt tình hình, tổng hợp, báo cáo tỉnh, đề nghị các doanh nghiệp đóng tàu đồng hành cùng chủ sở hữu phương tiện sửa chữa, khắc phục. Nên chăng nhà nước cần hỗ trợ ngư dân chi phí thuê giám sát độc lập và cơ quan đăng kiểm cần tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình đóng tàu sắt, bảo đảm chất lượng mỗi con tàu khi đưa vào vận hành, khai thác.