Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em

Tiếp tục chương trình giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em giai đoạn 2015- 2019, ngày 17-9, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh đã có buổi làm việc với UBND tỉnh (ảnh). Đồng chí Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì buổi làm việc, cùng tham gia Đoàn giám sát có các ĐBQH: Hoàng Văn Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh; Thiếu tướng Phan Văn Tường, Phó Tư lệnh Quân khu I; Đoàn Thị Hảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Thái Nguyên. Tham dự buổi làm việc có đồng chí Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hà Thị Bích Hồng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Trịnh Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương của tỉnh.

Theo báo cáo, tính đến 30-6-2019, toàn tỉnh có trên 310.000 trẻ, trong đó số trẻ có hoàn cảnh đặc biệt trên 3.280 trẻ. Thời gian qua, các cấp chính quyền và cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên đã quan tâm thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, trong đó, quan tâm tới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống xâm hại trẻ em; xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh; xử lý nguồn tin tố giác, hỗ trợ can thiệp và xử lý vi phạm về xâm hại trẻ em. Tuy nhiên, tình trạng trẻ em bị xâm hại trên địa bàn vẫn xảy ra với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, liều lĩnh và khó lường. Từ 1-1-2015 đến 30-6-2019, toàn tỉnh đã phát hiện 185 trường hợp trẻ em bị xâm hại. Trong đó, 135 trẻ bị xâm hại đã được xác minh, điều tra, xử lý theo quy định.

Tại buổi giám sát, các đại biểu đã trao đổi, làm rõ một số vấn đề liên quan đến khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện chính sách pháp luật về xâm hại trẻ em. Tập trung vào làm rõ một số số liệu trong báo cáo; đánh giá hiệu quả công tác giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; hiệu quả hoạt động của đội ngũ cộng tác viên dân số, gia đình và trẻ em; tình trạng sử dụng lao động là trẻ vị thành niên; bất cập trong công tác giám định đối với trường hợp trẻ bị xâm hại, nhất là trường hợp trẻ bị xâm hại tình dục...

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh khẳng sự quan tâm và trách nhiệm của các cấp chính quyền tỉnh Thái Nguyên đối với việc thực hiện các chính sách, pháp luật về phòng, chống, xâm hại trẻ em. Tiếp thu các ý kiến trao đổi tại hội nghị, đồng chí yêu cầu Ban chỉ đạo công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nhất là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo cần phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong tham mưu cho UBND tỉnh để thực hiện tốt công tác này.

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Trần Quốc Tỏ nhấn mạnh: Quan tâm, chăm sóc và bảo vệ trẻ em luôn được Đảng và Nhà nước xác định là chính sách ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, trước nguy cơ trẻ em bị xâm hại ngày càng nhiều với tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng, đồng chí Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị: Các ngành chức năng của tỉnh cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về vấn đề này, nhất là việc thống nhất về nhận thức về hành vi xâm hại trẻ em; kiện toàn và nâng cao vị trí, vai trò của Ban chỉ đạo công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp; đồng thời quan tâm làm tốt công tác tiếp nhận và xử lý nguồn tin tố giác, tin báo. Đặc biệt, cần đánh giá từ những vụ việc đã xảy ra để rút kinh nghiệm và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em. Kết quả của đợt giám sát sẽ được Đoàn ĐBQH tỉnh tổng hợp, báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội làm căn cứ để tổ chức giám sát tối cao đối với Chính phủ và các ban, bộ, ngành Trung ương.

Khánh Huyền

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/thoi-su-trong-tinh/giam-sat-viec-thuc-hien-chinh-sach-phap-luat-ve-phong-chong-xam-hai-tre-em-266291-205.html