Giám sát việc tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo tại 6 tỉnh, thành phố và 8 bộ, ngành

Tổ chức giám sát trực tiếp đối với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; 06 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Lào Cai, thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Kiên Giang, Đắk Nông.

Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường vừa thông báo Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát bước đầu chuyên đề “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021” (tại Phiên họp thứ 9, tháng 3/2022).

Kết luận nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí và đánh giá cao với nội dung của Báo cáo kết quả giám sát bước đầu và dự kiến đơn vị, địa phương để tiến hành giám sát thực tế. Ghi nhận sự nỗ lực của Thường trực Đoàn giám sát và Tổ giúp việc đã triển khai, thực hiện có hiệu quả, có chất lượng các nội dung để đảm bảo mục đích, yêu cầu và chương trình, kế hoạch của Đoàn giám sát.

Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với Thanh tra Chính phủ về chuyên đề giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021”. (ảnh: Quốc hội)

Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với Thanh tra Chính phủ về chuyên đề giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021”. (ảnh: Quốc hội)

Trên cơ sở ý kiến của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Thường trực Đoàn giám sát, Ban Dân nguyện tiếp thu các ý kiến về các nội dung trong báo cáo để tiếp tục triển khai có hiệu quả, có “trọng tâm, trọng điểm” trong thời gian tới.

Đồng thời, tổ chức giám sát trực tiếp đối với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; 06 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Lào Cai, thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Kiên Giang, Đắk Nông.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Thường trực Đoàn giám sát, Ban Dân nguyện chuẩn bị các nội dung, tài liệu để tổ chức phiên họp thứ ba của Đoàn giám sát; tiếp tục theo dõi, nghiên cứu, tổng hợp báo cáo và đôn đốc các cơ quan chịu sự giám sát báo cáo đảm bảo đúng yêu cầu; xây dựng dự thảo Kế hoạch chi tiết về việc tổ chức giám sát trực tiếp đối với các Bộ, ngành, địa phương theo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đối với Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị thực hiện tốt kế hoạch giám sát theo chuyên đề này tại địa phương, đảm bảo đúng mục đích, yêu cầu, tiến độ, chất lượng và gửi báo cáo về Đoàn giám sát chậm nhất là ngày 10/4/2022.

Đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao căn cứ vào Báo cáo số 128/BC-ĐGS ngày 13/3/2022 của Đoàn giám sát và Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kịp thời chỉ đạo các đơn vị chức năng và Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh báo cáo, cung cấp bổ sung các nội dung theo yêu cầu của Đoàn giám sát và có kế hoạch cụ thể để triển khai, thực hiện các hoạt động giám sát thực tế theo Kế hoạch của Đoàn.

Văn phòng Chính phủ căn cứ vào Báo cáo số 128/BC-ĐGS ngày 13/3/2022 của Đoàn giám sát và Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kịp thời tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành và Ủy ban nhân dân một số địa phương báo cáo, cung cấp bổ sung các nội dung theo yêu cầu của Đoàn giám sát và có kế hoạch cụ thể để triển khai, thực hiện các hoạt động giám sát thực tế theo Kế hoạch của Đoàn.

Phương Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/giam-sat-viec-tiep-cong-dan-va-giai-quyet-khieu-nai-to-cao-tai-6-tinh-thanh-pho-va-8-bo-nganh-138095.html