Giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi

Thực hiện Quyết định số 247 của UBND tỉnh về hỗ trợ giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học, đã có hơn 5.100 hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ với tổng kinh phí gần 10 tỷ đồng. Bên cạnh chương trình hỗ trợ của tỉnh, một số nông dân đã áp dụng linh hoạt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, giúp tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường chăn nuôi.

Sử dụng đệm lót sinh học giúp mô hình nuôi gà lấy trứng của gia đình ông Nguyễn Văn Luyện, thôn Chùa, xã Duy Phiên, huyện Tam Dương tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường chăn nuôi.

Sử dụng đệm lót sinh học giúp mô hình nuôi gà lấy trứng của gia đình ông Nguyễn Văn Luyện, thôn Chùa, xã Duy Phiên, huyện Tam Dương tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường chăn nuôi.

Thực hiện chương trình Hỗ trợ giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học Lacto Powder T, từ đầu năm 2021 đến nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai hỗ trợ hơn 5.100 hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh với quy mô 7 triệu con gà, 100.000 con lợn, 2.500 bò thịt và bò sữa, tổng kinh phí thực hiện chương trình gần 10 tỷ đồng.

Sau khi nghiệm thu kết quả hỗ trợ cho thấy, chế phẩm sinh học Lacto Powder T giúp phân hủy chất thải chăn nuôi tại chỗ trong thời gian ngắn, xử lý được các vấn đề liên quan đến đường tiêu hóa, kích thích hệ miễn dịch, tăng khả năng hấp thụ thức ăn, trọng lượng và chất lượng thịt cho đàn gia súc, gia cầm.

Ngoài ra, chế phẩm sinh học Lacto Powder T có tác dụng hạn chế sự phát triển của các loại vi rút, sinh vật học có hại cho gia súc, gia cầm nhờ cơ chế đối kháng của sinh vật học có ích; hạn chế mùi hôi của chất thải chăn nuôi, đặc biệt chuyển đổi chất thải chăn nuôi thành phân bón cho cây trồng và thức ăn cho cá.

Là một trong những hộ chăn nuôi được hỗ trợ chế phẩm sinh học, gia đình ông Nguyễn Văn Luyện, thôn Chùa, xã Duy Phiên, huyện Tam Dương hiện đang nuôi gà đẻ trứng với quy mô gần 1 vạn con.

Ông Luyện cho biết: “Gia đình tôi bắt đầu triển khai mô hình đệm lót sinh học từ năm 2018. Trước đó, do chăn nuôi với quy mô lớn, mặc dù vệ sinh chuồng trại thường xuyên nhưng vẫn không tránh khỏi mùi hôi.

Sau khi sử dụng chế phẩm sinh học Lacto Powder T, lượng chất thải chăn nuôi giảm được 20%, đặc biệt giảm mùi hôi chuồng trại, năng suất trứng của gà tăng từ 15% - 20%. Ban đầu, việc triển khai mô hình đệm lót sinh học tốn nhiều công sức do chưa có kinh nghiệm, tuy nhiên sau vài tháng, việc triển khai đệm lót sinh học đi vào nền nếp, giảm được 20% công chăm sóc đàn vật nuôi”.

Ngoài triển khai mô hình đệm lót sinh học, gia đình ông Luyện còn đầu tư xây chuồng trại khép kín với quy trình tự động, chất thải chăn nuôi được các cá nhân, tổ chức thu mua sử dụng làm phân bón cho cây. Doanh thu trung bình mỗi năm của gia đình ông Luyện đạt hơn 1 tỷ đồng.

Trên địa bàn xã Duy Phiên hiện có gần 200 hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm với quy mô lớn. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Ngọc Tiến cho biết: “Năm 2021, xã được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ 2,4 tấn chế phẩm Lacto Powder T làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi.

Hiện nay, 90% số hộ chăn nuôi trên địa bàn xã đã áp dụng mô hình đệm lót sinh học, giúp cải thiện môi trường, nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập từ chăn nuôi, cải thiện đời sống cho người dân”.

Một trong những người tiên phong áp dụng chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học trên địa bàn tỉnh, năm 2020, từ thành công với mô hình nuôi lợn bằng thức ăn sinh học thảo dược, ông Tạ Hùng Đậu, phường Tiền Châu, thành phố Phúc Yên đã tiếp tục nghiên cứu, sản xuất thức ăn sinh học thảo dược cho gà.

Với mục tiêu hướng tới thị trường xuất khẩu, ông Đậu hiện đang nuôi gần 600 con gà mía lai lấy thịt bằng cám thảo dược do mình chế biến, bước đầu cho hiệu quả vượt trội.

Chia sẻ về mô hình nuôi gà bằng thức ăn sinh học thảo dược, ông Đậu cho biết: “Tận dụng nguồn thảo dược trong tự nhiên như kim ngân, nghệ đỏ, cát sâm… kết hợp với ngô, gạo, dầu thực vật…, tôi nghiên cứu, sản xuất ra thức ăn sinh học thảo dược cho gà nhằm tạo ra sản phẩm gà thịt đạt tiêu chuẩn Việt Nam TCVN: 7046 – 2009, đủ điều kiện để xuất khẩu.

Qua gần 2 năm triển khai mô hình, năng suất gà xuất chuồng đạt xấp xỉ gà nuôi bằng cám công nghiệp; tuy nhiên, gà nuôi bằng thức ăn sinh học thảo dược có sức đề kháng tốt, chất lượng thịt vượt trội, phân thải ra giảm mùi hôi, sử dụng để làm phân bón và thức ăn cho cá.

Nhờ chất lượng thịt vượt trội, 1 kg gà nuôi bằng thức ăn sinh học thảo dược có giá bán khoảng 100.000 đồng, cao hơn 30% so với thịt gà thông thường, được thu mua bởi các chuỗi cửa hàng sạch trong và ngoài tỉnh. Năm 2021, trung bình một lứa gà 600 con xuất chuồng của gia đình cho doanh thu khoảng 1,2 tỷ đồng”.

Được biết trước đó, với đề tài Nghiên cứu thức ăn sinh học tạo thành lợn sạch, cung cấp cho nhân dân và xuất khẩu, ông Đậu đã được công nhận là “Nhà khoa học của nhà nông” tại lễ vinh danh do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ KH&CN tổ chức.

Dự kiến trong thời gian tới, ông Đậu sẽ tiếp tục nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất thức ăn chăn nuôi sinh học thảo dược, góp phần nhân rộng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học cho hiệu quả cao, thân thiện với môi trường. Dự kiến đến năm 2025 sẽ phát triển được vùng nguyên liệu, chủ động trong việc sản xuất thức ăn chăn nuôi và tăng quy mô đàn gà từ 2.000 – 3.000 con.

Để phát triển ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, đặc biệt trong giai đoạn nhiều địa phương đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi ngày một quá tải, thì chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học là giải pháp hữu hiệu, giúp giải quyết triệt để vấn đề.

Theo ông Nguyễn Hoàng Dương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, hiện nay, nhu cầu hỗ trợ chế phẩm sinh học trong chăn nuôi của người dân là rất lớn, trong khi nguồn kinh phí hỗ trợ có hạn.

Do vậy, bên cạnh cơ chế hỗ trợ của nhà nước, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích chăn nuôi an toàn sinh học, từ đó nâng cao tính chủ động, sức sáng tạo của các cá nhân, tổ chức nhân rộng các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, giúp người chăn nuôi nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần cải thiện môi trường chăn nuôi.

Bài, ảnh: Hoàng Sơn

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/75362/giam-thieu-o-nhiem-moi-truong-trong-chan-nuoi.html