Giảm tỷ lệ lao động phi chính thức để không gây áp lực lên hệ thống an sinh

Lao động phi chính thức thường chịu nhiều thiệt thòi, do đó rất cần những giải pháp để giảm tỷ lệ lao động nhóm này, góp phần cải thiện thị trường lao động cũng như đảm bảo an sinh quốc gia trong tương lai.

Gây áp lực tới mạng lưới an sinh

Dữ liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê chỉ ra, tính chung trong 6 tháng đầu năm 2024 số lao động phi chính thức là 33,4 triệu người, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức là 65%, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Điều này chứng tỏ thị trường lao động vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế. Thách thức vẫn còn nhiều bởi số lao động phi chính thức làm các công việc bấp bênh, thiếu tính ổn định vẫn chiếm tỷ trọng lớn, khoảng hơn 3/5 tổng số lao động có việc làm của cả nước.

Theo các chuyên gia, lao động dạng này phần lớn trình độ chuyên môn không cao, làm các công việc thiếu bền vững, bấp bênh, ít được bảo vệ bởi pháp luật lao động vì không ký kết hợp đồng lao động. Lao động phi chính thức thường ở thế yếu trong thương lượng để bảo đảm điều kiện làm việc cũng như cơ hội, yêu cầu nâng cao thu nhập. Điều đó dẫn đến hệ quả là người lao động trong khu vực này có thu nhập thấp hơn so với mức lương tối thiểu vùng.

Đáng chú ý, rất ít lao động phi chính thức được bao phủ bởi lưới an sinh. Cụ thể, có đến 98% người lao động phi chính thức không tham gia bảo hiểm xã hội vào năm 2023, điều này dẫn đến hệ thống hỗ trợ người lao động trong những trường hợp rủi ro, gặp biến cố trong quá trình lao động bị hạn chế rất nhiều.

Tỷ lệ lao động phi chính thức cao gây áp lực lớn đối với hệ thống an sinh

Tỷ lệ lao động phi chính thức cao gây áp lực lớn đối với hệ thống an sinh

Hệ lụy có thể nhìn thấy chính là người lao động gặp rủi ro dẫn đến mất thu nhập, cũng như những thách thức lớn cho hệ thống an sinh xã hội quốc gia.

Mới đây, tại Hội thảo “Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội: Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý cho Việt Nam”, ông Yasser El.Gammal - Giám đốc An sinh xã hội và Việc làm khu vực châu Á-Thái Bình Dương (Ngân hàng Thế giới) đã chỉ ra: Việt Nam đang ở thời điểm bùng phát về nhân khẩu học, cùng với tốc độ già hóa dân số nhanh nhất từng thấy trên toàn cầu. Tỷ lệ người cao tuổi trong dân số (65 tuổi trở lên) sẽ tăng từ 7% lên 15% vào năm 2035. Trong tương lai, áp lực tới hệ thống bảo hiểm xã hội sẽ rất lớn nếu số những lao động phi chính thức khi đến tuổi già nhưng không được nằm trong mạng lưới an sinh.

Do đó, rõ ràng nhiệm vụ đặt ra cho các cơ quan quản lý là cần tăng mức độ bao phủ bảo hiểm xã hội tự nguyện, xây dựng các cơ chế khuyến khích người tham gia vào hệ thống an sinh xã hội.

Được biết, Luật Bảo hiểm xã hội mới sửa đổi, bổ sung đã thêm 2 chế độ là trợ cấp thai sản và bảo hiểm tai nạn lao động theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động. Đáng chú ý nhất vẫn là chế độ trợ cấp thai sản, luật mới quy định người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện (gồm cả lao động nữ và lao động nam) khi sinh con nếu đáp ứng đủ điều kiện (đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con) thì được hưởng trợ cấp 2 triệu đồng. Kinh phí trợ cấp này do ngân sách Nhà nước bảo đảm. Chính phủ sẽ quyết định điều chỉnh mức trợ cấp thai sản phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách Nhà nước từng thời kỳ.

Với 2 chế độ mới bổ sung, bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ tăng thêm tính hấp dẫn, dự kiến sẽ thu hút thêm nhiều lao động ở khu vực phi chính thức tham gia loại hình bảo hiểm này.

Chính thức hóa lao động phi chính thức

Bên cạnh việc không để lọt lưới an sinh đối với nhóm lao động phi chính thức, Nhà nước cần có các giải pháp để phát triển thị trường lao động, đặc biệt quan tâm đến các đối tượng này, nhất là trong việc đào tạo nghề, chuyển đổi nghề nghiệp cho họ.

Dưới góc độ luật pháp, Luật Việc làm (sửa đổi) sắp tới sẽ bổ sung các quy định mang tính khung, định hướng làm cơ sở thúc đẩy chính thức hóa việc làm trong khu vực phi chính thức, nâng cao năng suất lao động và cải thiện điều kiện làm việc của khu vực kinh tế phi chính thức, từng bước chính thức hóa việc làm phi chính thức.

Các thống kê chỉ ra, cả nước có gần 78% lao động phi chính thức tập trung ở khu vực nông thôn. Cho nên, luật mới sẽ tạo điều kiện lao động nông thôn được hưởng các chế độ như: Hỗ trợ đào tạo nghề; tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm và đi làm việc ở nước ngoài từ nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm theo quy định.

Ngoài ra, dự thảo luật mới cũng có quy định, người lao động ở khu vực nông thôn đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng được hỗ trợ đào tạo nghề theo quy định. Cùng với việc hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, dự thảo cũng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh tạo việc làm cho người lao động khu vực nông thôn.

Cùng với các quy định mới được đề cập trong Luật Việc làm (sửa đổi), ở góc độ rộng hơn, các cơ quan quản lý cũng cần khuyến khích các đơn vị quản lý lao động có việc làm phi chính thức và bản thân lao động có việc làm phi chính thức tham gia thành lập các doanh nghiệp để chuyển đổi thành trạng thái chính thức. Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp khi hoạt động phải thực hiện đúng quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Đây không chỉ là ý thức tuân thủ pháp luật, mà còn tạo lòng tin, bảo đảm việc làm lâu dài cho người lao động và nâng cao uy tín cho doanh nghiệp.

Hồng Sơn

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/giam-ty-le-lao-dong-phi-chinh-thuc-de-khong-gay-ap-luc-len-he-thong-an-sinh-153695.html