Gian nan đường bản mùa mưa

Ở nhiều bản vùng cao Điện Biên, đường đến bản vốn đã cheo leo, gập ghềnh, mưa xuống lại càng trở nên trơn trượt khó đi hơn. 'Đến hẹn lại lo', mùa mưa này, người dân các bản vùng cao lại chật vật với những con đường trơn trượt, nhầy nhụa bùn đất và tiềm ẩn cả những hiểm nguy.

Người dân bản Trên Nương (xã Nà Bủng) chật vật với tuyến đường vào bản mùa mưa.

Người dân bản Trên Nương (xã Nà Bủng) chật vật với tuyến đường vào bản mùa mưa.

Cách trung tâm xã Nà Bủng cũ khoảng 13km, bản Trên Nương là nơi sinh sống của hơn 160 hộ dân với trên 1.000 nhân khẩu. Nơi đây, đời sống người dân vốn đã thiếu thốn nhiều bề, giao thông cách trở lại càng khiến việc phát triển kinh tế khó khăn hơn. Cũng bởi vậy, đến cuối năm 2024, cả bản vẫn còn gần 89% hộ nghèo và cận nghèo.

Trưởng bản Trên Nương Giàng A Thề chia sẻ: Dù đường ô tô đã được mở đến tận bản, nhưng vì là đường đất nên vào mùa mưa chỉ có thể đi xe máy. Có những thời điểm mưa kéo dài, nhiều đoạn đường rơi vào tình trạng sạt lở, sụt lún và lầy lội bùn đất khiến bản gần như bị cô lập. Để đi lại người dân trong bản phải tìm nhiều cách, như tìm vật liệu kê đường hoặc tự chế các vật dụng lắp vào bánh xe để xe có thể bám đường mà đi. Bởi vậy, những ngày cao điểm mùa mưa, bất đắc dĩ mọi người mới phải di chuyển trên tuyến đường này để vào bản hoặc ra trung tâm xã.

Người dân dùng xích quấn quanh lốp xe để di chuyển khi đi qua những đoạn đường bùn lầy.

Người dân dùng xích quấn quanh lốp xe để di chuyển khi đi qua những đoạn đường bùn lầy.

Để minh chứng cho lời nói của mình, Trưởng bản Giàng A Thề vừa chỉ cho chúng tôi xem những chiếc xe máy bánh được quấn xích quanh lốp xe vừa lý giải: Mưa càng nhiều đất càng nhão và dễ sụt lún. Người có tay lái cứng đến mấy vẫn phải chật vật người dắt, người đẩy mới có thể đi qua. Người dân trong bản phải dùng xích quấn quanh lốp xe như thế này để bánh xe bám vào mặt đường tốt hơn, đỡ bị trơn trượt khi đi qua những đoạn bùn lầy.

Rời bản Trên Nương, chúng tôi ngược ngàn lên xã Sín Thầu với ý định đến tác nghiệp ở bản vùng cao Tả Ló San, một trong những bản thuộc diện khó khăn nhất xã. Dù đã thành lập được 16 năm nhưng đến nay Tả Ló San vẫn chưa có điện lưới quốc gia, tuyến đường gần 40km từ bản về xã chỉ có 25km là đường bê tông, hơn 13km còn lại là đường cấp phối và đường đất.

Tuyến đường vào bản Tả Ló San bị bùn đất, cây cối tràn xuống chắn ngang đường.

Tuyến đường vào bản Tả Ló San bị bùn đất, cây cối tràn xuống chắn ngang đường.

Thế nhưng khi đến xã, chúng tôi được đồng chí Đàm Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Sín Thầu thông tin: Tuyến đường lên bản Tả Ló San đang bị tắc do đất đá sạt lở và cây đổ chắn ngang đường. Máy móc, nhân lực đã được huy động ngay sau đó để khẩn trương khắc phục sự cố. Tuy nhiên, nếu muốn vào bản chúng tôi phải chờ đến hôm sau bởi tuyến đường lên bản không chỉ có một điểm sạt lở.

Những năm gần đây, bản Tả Ló San được hỗ trợ một số giống cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế. Có đất vườn, đất nương rộng, bà con tích cực trồng trọt, chăn nuôi mong thu nhập được nhiều hơn. Tuy nhiên, giao thông đi lại khó khăn, nên giá bán sản phẩm từ trồng trọt, chăn nuôi của bà con trong bản bao giờ cũng rẻ hơn ngoài xã vài giá. Bởi thương lái ngại vào bản thu mua nông sản vì sợ mùa mưa tiềm ẩn nhiều rủi ro khi đi lại, nếu muốn bán được giá thì người dân phải dùng xe máy chở ra tận trung tâm xã.

Mùa mưa, máy móc, nhân lực luôn phải túc trực 24/24 giờ để kịp thời khắc phục các sự cố gây tắc đường giao thông.

Mùa mưa, máy móc, nhân lực luôn phải túc trực 24/24 giờ để kịp thời khắc phục các sự cố gây tắc đường giao thông.

Trong câu chuyện với Phó Chủ tịch UBND xã Sín Thầu Đàm Văn Cường, chúng tôi được thông tin thêm, Dự án Nâng cấp tuyến đường từ bản Sen Thượng - Pa Ma - Lò San Chái (Tả Ló San) dài khoảng 40km với tổng mức đầu tư 115 tỷ đồng đang chuẩn bị được khởi công.

Tuyến đường có điểm đầu từ bản Sen Thượng đi Đồn Biên phòng Sen Thượng và điểm cuối tuyến tại Km47 đường tuần tra biên giới A Pa Chải - Tả Long San, thuộc bản Tả Ló San, sau khi hoàn thành sẽ tạo thành hệ thống giao thông liên hoàn, phục vụ trực tiếp cho công tác quản lý, bảo đảm an ninh biên giới. Đồng thời, tạo điều kiện giao thông thuận lợi phục vụ cuộc sống người dân khu vực tuyến đi qua.

Nhiều tuyến đường từ trung tâm xã đến các thôn, bản ở Điện Biên vẫn còn là đường đất.

Nhiều tuyến đường từ trung tâm xã đến các thôn, bản ở Điện Biên vẫn còn là đường đất.

Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 9.600km đường giao thông, trong đó, trên 4.000km là đường giao thông nông thôn. Nhằm từng bước tạo mạng lưới giao thông liên hoàn, mỗi năm tỉnh đã bố trí hàng trăm tỷ đồng từ ngân sách, đồng thời vận động Nhân dân góp sức mở rộng, nâng cấp đường giao thông nông thôn.

Tuy nhiên, do nguồn kinh phí đầu tư lớn, địa bàn rộng, dân cư phân bố không đồng đều nên đến nay toàn tỉnh vẫn còn hàng trăm con đường thôn, bản chưa được nâng cấp, cải tạo. Phần lớn các tuyến đường này đều thuộc khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới có địa hình phức tạp.

Có lẽ chỉ những ai từng lên bản vùng cao vào mùa mưa, từng đi qua những con đường cheo leo, trơn trượt, sạt lở mới cảm nhận được sự gian nan, vất vả mà người dân nơi đây thường xuyên phải trải qua. Để rồi, mỗi mùa mưa đến, những cơn mưa rả rích, nặng hạt lại khiến bước đường mưu sinh của người dân nơi vùng sâu, vùng xa thêm nhọc nhằn, gian nan hơn.

Thu Hằng

Nguồn Điện Biên Phủ: https://baodienbienphu.vn/bai-thuong/kinh-te/gian-nan-duong-ban-mua-mua