Gian nan tìm lại gốc gác bản thân

Sau khi Hàn Quốc phanh phui sai phạm nhận con nuôi trong nhiều năm, nhiều người Hàn được nhận làm con nuôi ở nước ngoài bắt đầu hành trình tìm lại gốc gác của mình.

Trong phần lớn cuộc đời, anh Aaron Grzegorczyk luôn tin rằng tên khai sinh của mình là Cho Yong-kee. Anh Grzegorczyk nghĩ mình sinh ngày 28-4-1988, tại một phòng khám ở thành phố Anyang (Hàn Quốc), cách Seoul khoảng 17 km về phía nam.

Anh Grzegorczyk nghe người ta nói rằng vào thời điểm 19 tuổi và chưa chồng, mẹ anh đã sinh ra anh nhưng một ngày sau đó đã bỏ rơi đứa con. Trong lần khám sức khỏe ban đầu, anh được ghi nhận là "dễ thương và nhanh nhẹn".

Chưa đầy 5 tháng sau, anh Grzegorczyk được một cặp vợ chồng người Mỹ gốc Ba Lan sống tại Bay City, Michigan (Mỹ) nhận nuôi. Anh được xem là đứa con đầu lòng của họ, nhạy cảm và có khiếu nghệ thuật.

Anh Grzegorczyk chưa bao giờ đặt câu hỏi về gốc gác của anh cho đến tháng 3-2024. Đó là khi bạn anh gửi cho anh một bài báo chi tiết về việc chính phủ Hàn Quốc thừa nhận có sai phạm trong quá trình cho người nước ngoài nhận con nuôi trong suốt khoảng 50 năm.

"Tôi đã đọc nó và tôi như thể há hốc mồm. Tôi hoàn toàn không biết gì về chuyện này” – anh Grzegorczyk nói. Ngay lập tức, anh bắt đầu đi tìm nguồn gốc của mình.

 TP Anyang (Hàn Quốc) – nơi anh Grzegorczyk tin rằng mình được sinh ra. Ảnh: Jintak Han/THE WASHINGTON POST

TP Anyang (Hàn Quốc) – nơi anh Grzegorczyk tin rằng mình được sinh ra. Ảnh: Jintak Han/THE WASHINGTON POST

Sai phạm nhiều năm về việc nhận con nuôi của Hàn Quốc

Vào tháng 3, Ủy ban Sự thật và Hòa giải (TRC) – một cơ quan điều tra độc lập của Hàn Quốc – cho rằng các chính phủ Hàn Quốc trước đây phải chịu trách nhiệm về các hành vi vi phạm nhân quyền trong việc cho người nước ngoài nhận con nuôi thời gian những năm 1960-1990, theo tờ The Korea Times.

Đây là lần đầu tiên chính phủ Hàn Quốc chính thức thừa nhận những bất thường trong hệ thống nhận con nuôi trước đây của quốc gia này – những vấn đề mà hàng trăm người nhận con nuôi đã nêu ra trong những năm gần đây.

Sau một cuộc điều tra kéo dài nhiều năm, TRC kết luận rằng những lỗ hổng pháp lý, sự giám sát không đầy đủ của chính phủ và những sơ sót hành chính đã dẫn đến tình trạng sai phạm.

"Trong gần 50 năm sau Chiến tranh Triều Tiên, chính phủ ưu tiên việc nhận con nuôi quốc tế như một giải pháp thay thế tiết kiệm chi phí hơn là củng cố các chính sách phúc lợi trẻ em trong nước. Với việc trao toàn quyền quản lý các thủ tục nhận con nuôi cho các cơ quan tư nhân mà không có sự giám sát phù hợp, chính phủ đã không thực hiện được nghĩa vụ bảo vệ quyền trẻ em" – báo cáo của ủy ban cho biết.

"Việc thiếu giám sát đã gây khó khăn cho việc quản lý hành vi sai trái của các cơ quan nhận con nuôi, cuối cùng dẫn đến việc nhận con nuôi và đưa ra nước ngoài trên quy mô lớn đối với những trẻ em vốn cần được bảo vệ" – báo cáo viết.

Cuộc điều tra mở rộng của TRC đã phát hiện ra nhiều trường hợp thủ tục nhận con nuôi được thực hiện mà không có sự đồng ý chính thức của cha mẹ ruột.

Ví dụ, trong một trường hợp từ năm 1980, một người mẹ đã ký vào mẫu đơn đồng ý nhận con nuôi ngay sau khi sinh con 1 ngày, tại một bệnh viện phụ sản và giao đứa trẻ cho Holt – một cơ quan nhận con nuôi tư nhân. Holt đã giành quyền nuôi đứa trẻ sau một cuộc phỏng vấn duy nhất với người mẹ mà không xác minh danh tính hoặc mối quan hệ huyết thống của bà với đứa trẻ.

"Tôi hy vọng rằng những phát hiện hôm nay không chỉ đơn thuần là việc ôn lại quá khứ đau thương, mà còn là nền tảng cho những cuộc thảo luận có ý nghĩa giữa hơn 140.000 người được nhận nuôi ở nước ngoài và các quốc gia tiếp nhận họ" – bà Park Sun-young, chủ tịch TRC, phát biểu trong một cuộc họp báo tại Seoul.

 Cô Kim Yoo-ree – một người Hàn Quốc được nhận làm con nuôi tại Pháp – quỳ gối trước Chủ tịch Ủy ban Sự thật và Hòa giải (TRC) Park Sun-young trong một cuộc họp báo tại văn phòng TRC ở Seoul (Hàn Quốc) vào tháng 3, kêu gọi các biện pháp mạnh mẽ hơn để giải quyết các vi phạm trong việc cho người nước ngoài nhận con nuôi. Ảnh: Choi Won-suk/THE KOREA TIMES

Cô Kim Yoo-ree – một người Hàn Quốc được nhận làm con nuôi tại Pháp – quỳ gối trước Chủ tịch Ủy ban Sự thật và Hòa giải (TRC) Park Sun-young trong một cuộc họp báo tại văn phòng TRC ở Seoul (Hàn Quốc) vào tháng 3, kêu gọi các biện pháp mạnh mẽ hơn để giải quyết các vi phạm trong việc cho người nước ngoài nhận con nuôi. Ảnh: Choi Won-suk/THE KOREA TIMES

Vòng xoáy hy vọng

Đối với anh Grzegorczyk, những tin tức gần đây đã đặt toàn bộ cuộc đời anh vào vòng xoáy nghi vấn. Lúc còn thiếu niên, anh được mẹ nuôi nói với anh rằng mẹ ruột đã bỏ rơi anh. Anh gọi khoảnh khắc đó là "cuộc khủng hoảng hiện sinh đầu tiên".

Anh Grzegorczyk cho biết anh lớn lên với cảm giác lạc lõng trong một cộng đồng chủ yếu là người da trắng và bắt đầu gặp các vấn đề về hành vi khi còn là thiếu niên. Anh theo học trường cao đẳng thiết kế đồ họa vào năm 2006, nhưng đã bỏ học giữa cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, vì lo sợ bằng cấp của mình sẽ không có giá trị để xin việc. Sau đó, anh làm kỹ thuật viên y tế cấp cứu nhiều năm.

Nhiều năm sau đó, anh Grzegorczyk đối mặt nhiều vấn đề bao gồm lạm dụng chất kích thích, ngồi tù vì buôn bán ma túy. Đến năm 2019, khi hay tin mình sắp chào đón con đầu lòng, anh đã quyết tâm cai nghiện và làm lại cuộc đời. Tuy nhiên, khi nghe tin về báo cáo nhận con nuôi vừa qua, anh Grzegorczyk phải đối mặt cú sốc mới.

Trong nhiều năm, các nhà hoạt động và người được nhận nuôi đã cố gắng đi tìm sự thật nhưng họ gặp không ít khó khăn khi các cơ quan liên quan ở Hàn Quốc vì chậm trễ hoặc hoàn toàn không hợp tác trong việc chia sẻ hồ sơ nhận con nuôi.

“Những tài liệu này không chỉ là một tờ giấy. Đó là manh mối duy nhất, cơ hội duy nhất của chúng tôi để truy tìm lại danh tính ban đầu của mình” – cô Boon Young Han, một người Hàn Quốc được một gia đình người Đan Mạch nhận nuôi, cho biết.

Gần đây, Hàn Quốc đã yêu cầu tất cả cơ quan nhận con nuôi chuyển giao hồ sơ của họ cho một văn phòng chính phủ có tên là Trung tâm Quốc gia về Quyền Trẻ em, bắt đầu từ tháng 7. Cô Boon cho biết sự thay đổi này có thể chuẩn hóa việc tìm kiếm thông tin gia đình ruột thịt, nhưng cô cũng lo ngại một số tài liệu sẽ bị thất lạc trong quá trình chuyển giao.

Trong trường hợp của anh Grzegorczyk, giấy tờ mà mẹ nuôi của anh đã giữ lại cho anh đã dấy lên một số dấu hiệu đáng ngờ: Hồ sơ không bao gồm báo cáo của cảnh sát nêu chi tiết về việc anh bị bỏ rơi, cũng không có mẫu đơn đồng ý từ bỏ do cha mẹ ruột ký. Hồ sơ cũng không có tên hoặc địa chỉ của phòng khám mà anh được cho là đã bị bỏ lại khi mới sinh, một số dòng trên mẫu đơn của anh bị bỏ trống.

Vào giữa tháng 4, anh Grzegorczyk lại gặp phải một tình huống trớ trêu khác. Đó là một nhân viên tại cơ quan nhận con nuôi nói với anh rằng cô đã nói chuyện qua điện thoại với người được cho là mẹ ruột của anh. Theo lời nhân viên này, người tự nhận là mẹ ruột của anh Grzegorczyk nói đã "chờ đợi rất lâu".

Nhân viên này đã yêu cầu anh Grzegorczyk viết cho cô một lá thư. Anh đã viết và cơ quan này đã xác nhận lá thư đã được dịch và gửi đi vài ngày sau đó. Trong thư, anh trìu mến nói về cô con gái 5 tuổi Isla, anh trai và em gái – cũng là người Hàn Quốc được nhận nuôi – và các cháu gái nhỏ của mình.

 Hồ sơ của một em bé người Hàn Quốc được người nước ngoài nhận nuôi vào những năm 1980. Ảnh: ABC NEWS

Hồ sơ của một em bé người Hàn Quốc được người nước ngoài nhận nuôi vào những năm 1980. Ảnh: ABC NEWS

"Con chưa bao giờ cố gắng tìm kiếm mẹ vì con nghĩ mẹ không muốn con tìm mẹ. Con còn rất nhiều điều muốn nói và những câu hỏi muốn hỏi mẹ. Nhưng con không muốn làm mẹ buồn. Con rất vui khi biết mẹ muốn nói chuyện với con" – anh viết trong thư.

Nhưng kể từ đó, anh Grzegorczyk vẫn chưa nhận được tin tức gì từ mẹ mình. Nhân viên của cơ quan nhận con nuôi nói với anh rằng mẹ anh vẫn chưa hồi âm.

KHOA ĐIỀM

Nguồn PLO: https://plo.vn/gian-nan-tim-lai-goc-gac-ban-than-post860146.html