Giáo dục giới tính: Rất cần cho trẻ vị thành niên

Việc tăng cường giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản cho trẻ trong trường học là rất cần thiết. Ảnh: CTV

Hiện nay, tình trạng quan hệ tình dục sớm, nạo phá thai, trẻ em bị xâm hại tình dục… đang là vấn đề nhức nhối trong xã hội. Điều này cho thấy, giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản (SKSS) cho trẻ vị thành niên (VTN) đang trở thành vấn đề quan trọng và cấp thiết.

Trẻ vị thành niên thiếu kiến thức giới tính

Theo thống kê của Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế), trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 300.000-400.000 ca phá thai ở độ tuổi 15-19, trong đó 60-70% là học sinh, sinh viên. Còn theo Tổng cục Dân số, tỉ lệ phá thai ở Việt Nam trong 10 năm trở lại đây giảm, nhưng tỉ lệ nạo phá thai ở trẻ VTN (từ 10-17 tuổi), thanh niên lại có dấu hiệu gia tăng. Tuy nhiên con số trên là chưa đầy đủ, mới chỉ từ các bệnh viện khu vực Nhà nước, còn số liệu từ các bệnh viện tư, phòng khám tư thì chưa thể thống kê… Phần lớn các em khi có thai trong thời gian đầu thường ngại nói cho gia đình biết. Các em càng không dám đến các bệnh viện do sợ gặp người quen, nên thường tìm đến các phòng khám tư để nạo phá thai. Điều này để lại nhiều hệ lụy đau lòng. Số liệu trẻ VTN mang thai và phá thai như trên, không chỉ là gánh nặng, thách thức lớn cho ngành Dân số, mà còn để lại những hậu quả nghiêm trọng cho thế hệ tương lai của đất nước.

Truyền thống văn hóa Á Đông khiến các bậc cha mẹ Việt Nam có xu hướng lảng tránh, e ngại trao đổi với con trong độ tuổi VTN về những vấn đề liên quan đến giới tính, giáo dục giới tính, SKSS. Sự hạn chế trao đổi của cha mẹ đối với trẻ VTN thường đến từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, một phần cha mẹ cho rằng đây là điều tế nhị, khó nói, cảm thấy bối rối, ngại ngùng không biết phải nói cho con thế nào, một phần do không đủ kiến thức để giải thích cho con về vấn đề này. Trong khi đó, không ít cha mẹ lại sợ về việc “vẽ đường cho hươu chạy”... Việc này dẫn đến nguy cơ trẻ đối mặt với không ít nguy cơ rủi ro như: có thai ngoài ý muốn, các bệnh lây lan qua đường tình dục, nguy cơ bị xâm hại tình dục...

Chia sẻ về vấn đề này, chị Trần Thị Ngọc Nữ, cán bộ Dân số - Gia đình - Trẻ em kiêm phụ trách Đài Truyền thanh xã Hòa Quang Nam (huyện Phú Hòa), cho hay: Để nâng cao kiến thức giáo dục giới tính cho trẻ VTN, thanh niên, địa phương thường xuyên tuyên truyền về nội dung này trên đài truyền thanh xã cũng như thông qua mô hình CLB Cha mẹ và VTN, thanh niên. Ngoài ra, cán bộ phục trách công tác dân số xã còn phối hợp cùng các hội, đoàn thể địa phương lồng ghép tuyên truyền đến với phụ nữ, người dân địa phương. Trong số này, không ít phụ huynh chưa thực sự quan tâm đến việc giáo dục giới tính, phần ngại ngùng, né tránh vì cho rằng đây là chuyện nhạy cảm hoặc do bận bịu làm kinh tế.

Để trẻ lớn lên trong an toàn

Thực tế cho thấy khi người lớn không nói, trẻ sẽ tự tìm hiểu thông tin. Ngày nay với công nghệ nghe nhìn hiện đại, cách tiếp cận đa dạng, dễ dàng, thông tin về quan hệ tình dục hầu như trẻ VTN đều biết. Thêm vào đó, trẻ VTN lại có tâm lý tò mò, bắt chước, trong khi cha mẹ lại không để ý quan tâm nhiều đến việc giáo dục giới tính cho các em. Ở lứa tuổi này, trẻ lại rất cần được trang bị kiến thức giới tính, kiến thức tình dục và kỹ năng để ứng phó với các vấn đề trong cuộc sống. Tâm lý né tránh cung cấp thông tin cụ thể từ người lớn khiến trẻ mò mẫm trong hoang mang và càng dễ bị dẫn dụ, va vấp khi gặp các tình huống, bị lạm dụng tình dục, quan hệ tình dục không an toàn...

Trong khi đó, các chương trình giáo dục SKSS, giới tính trong nhà trường không đủ cung cấp thông tin một cách toàn diện. Hiện nay, sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình mới chỉ chủ yếu tập trung vào việc học tập và rèn luyện đạo đức cho học sinh. Chương trình giảng dạy về giới và SKSS trong nhà trường cho học sinh ở tuổi VTN chưa thực sự được chú trọng. Nội dung giáo dục giới tính chưa được tách riêng thành môn học hoặc chương trình chuyên biệt mà vẫn còn lồng ghép vào các bộ môn khác. Số tiết học về nội dung này thường rất ít, vì vậy đó chỉ là giải pháp tình thế theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”. Do đó, học sinh không lĩnh hội được đầy đủ về nội dung này, khó hình thành được kỹ năng ứng phó trước các tình huống có nguy cơ. Em Ksor Hờ Quý, học sinh lớp 12, Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh, nói: “Bản thân em cũng như các bạn đều muốn biết nhiều hơn về kiến thức giới tính, SKSS để biết cách chăm sóc, bảo vệ cho bản thân tốt hơn…”.

Theo ông Lê Văn Bi, Trưởng phòng Truyền thông, Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên, về lâu dài, để giảm tỉ lệ trẻ em gái ở tuổi VTN mang thai ngoài ý muốn, việc tuyên truyền giáo dục về SKSS trong và ngoài nhà trường phù hợp với từng lứa tuổi cần phải đẩy mạnh hơn nữa. Hàng năm, ngành Dân số Phú Yên đều phối hợp với phòng GD-ĐT các địa phương tổ chức nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt ngoại khóa cho các em học sinh trường THCS để trang bị kiến thức SKSS, sức khỏe tình dục, phòng tránh xâm hại tình dục… Tuy nhiên, kinh phí để tổ chức các buổi tuyên truyền như vậy còn hạn chế. Vì vậy, thời gian tới, để việc giáo dục giới tính cho trẻ VTN ngày càng hiệu quả hơn, sự chung tay phối hợp của các cấp, ngành cũng như sự phối hợp đồng bộ từ gia đình, nhà trường, xã hội là rất cần thiết. Sự nỗ lực này sẽ góp phần nâng cao chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực địa phương.

Thời gian tới, để việc giáo dục giới tính cho trẻ VTN ngày càng hiệu quả hơn, sự chung tay phối hợp của các cấp, ngành cũng như sự phối hợp đồng bộ từ gia đình, nhà trường, xã hội là rất cần thiết. Sự nỗ lực này sẽ góp phần nâng cao chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực địa phương.

Ông Lê Văn Bi, Trưởng phòng Truyền thông, Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên

NGỌC QUỲNH

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/286289/giao-duc-gioi-tinh--rat-can-cho-tre-vi-thanh-nien.html