Giáo dục Việt Nam không cần những thợ giải đề

Giáo sư Đặng Quốc Bảo, nguyên Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục cho rằng: Giáo dục Việt Nam đang thiếu những ngôi trường đào tạo ra những con người có khát khao hoài bão, đưa cả dân tộc đi lên chứ không phải thợ giải đề.

Bài liên quan

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Trường chuyên đang đào tạo thợ giải bài tập

Căng thẳng tỉ lệ chọi vào lớp 10 các trường chuyên Hà Nội

Giáo sư Hà Huy Khoái: Trí tuệ nhân tạo sẽ xóa bỏ trường chuyên

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa: Cách đào tạo của trường chuyên đã quá cũ, không còn phù hợp

Thi vào lớp 10 trường chuyên ở Hà Nội cần biết

Việc tranh luận về cách dạy và học ở trường chuyên đang thu hút được nhiều trí thức trong nước và ngoài nước tham gia tranh luận sôi nổi.

Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, Giáo sư Đặng Quốc Bảo, nguyên Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục cho rằng, chúng ta đang cần và thiếu những ngôi trường đào tạo ra những con người có khát khao, hoài bão chứ không phải thợ giải đề.

Theo các chuyên gia, hiện chúng ta đang cần những ngôi trường đào tạo ra những học sinh có hoài bão, khát khao đưa cả dân tộc đi lên (ảnh minh họa- nguồn internet).

Bây giờ chúng ta tự hào có Ngô Bảo Châu nhưng thực tế chúng ta đang cần những ngôi trường đào tạo ra những Nguyễn Tất Thành, Võ Nguyên Giáp - những con người có thể đưa cả dân tộc phát triển đi lên.

Hiện nước ta đang cần mô hình giáo dục mới chứ không phải trường chuyên theo nghĩa truyền thống. Trường học đó phải tuyển được những học trò có hoài bão để đào tạo chứ bây giờ chỉ đào tạo ra những người thợ.

Trong khi đó, theo tiến sĩ Trần Đức Cảnh, thành viên Hội đồng cố vấn tuyển sinh Đại học Harvard (Hoa Kỳ) cho rằng, trong chính sách giáo dục không nên có sự đầu tư chênh lệch quá lớn giữa các mô hình trường công.

Quan niệm đào tạo về nhân tài cũng cần phải hiểu cho đúng. Ở nước ngoài, cứ 100 em nhỏ (trừ 4 đến 6 em khuyết tật, chậm phát triển) thì toàn là tài năng.

Trẻ em bình thường sinh ra mỗi em đều có năng lực riêng. Em thì giỏi toán, em giỏi văn, em có năng khiếu thể thao, âm nhạc, hội họa… Vì thế, đứa trẻ bình thường nào cũng là nhân tài cả, cần được chăm chút, đầu tư.

Đa số bài tập ở trường chuyên gây mất thời gian và không thực tế

Ở một khía cạnh khác, Giáo sư Phan Thanh Sơn Nam, Trưởng khoa Kỹ thuật Hóa học, ĐH Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh (ông từng là Giáo sư trẻ nhất nước) cho rằng, có nhiều bài tập Hóa của trường chuyên, ngày xưa không giải được, giờ này ông cũng không giải được.

Thật ra, ông không muốn mất thời gian với những kiểu bài tập như vậy, vì không thực tế với ngành nghề Chemical engineering mà ông đang làm việc.

Theo chia sẻ của Giáo sư Phan Thanh Sơn Nam, ông đã từng là học sinh, sinh viên, được đi đây đi đó, và cũng mười mấy năm tiếp xúc với sinh viên đến từ nhiều nơi khác nhau, mình có một ước muốn nhỏ bé là nên bỏ hết tất cả các bài tập khó ở chương trình phổ thông ở tất cả các môn, chỉ giữ lại những phần cơ bản nhất, để dành thời gian làm chuyện khác.

Thời gian còn lại, xin hãy thiết kế chương trình học để có thể làm những chuyện có ích hơn.

Cụ thể Giáo sư Phan Thanh Sơn Nam đưa ra 4 đề xuất:

Một: Dạy thêm cho các em thật nhiều môn thể dục, bơi lội, bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, cầu lông, điền kinh …

Các em ấy biết càng nhiều môn thể dục thì càng tốt, không phải chỉ dạy cho biết, mà phải luyện tập thường xuyên.

Sống nửa đời người, mình đã thấm thía sức khỏe phải là số một, không có sức khỏe tốt thì công danh sự nghiệp tiếng tăm danh vọng đều trở thành vô nghĩa hết.

Hai: Dạy thêm cho các em biết cách sử dụng tiếng Anh thật thành thạo. Hiện tại, nhiều gia đình khá giả ở Thành phố Hồ Chí Minh cho con học thêm tiếng Anh ở các trung tâm đắt tiền, tuy nhiên, đâu phải ai cũng có điều kiện đó.

Cũng cần xem lại chuyện dạy và học tiếng Anh ở bậc phổ thông. Mình đã quá thấm thía chuyện trong 3 tháng đầu tiên ở England, nghe thầy giảng bài mà chẳng hiểu gì.

Ba: Dạy thêm cho các em biết thương những phận đời dưới đáy xã hội, để rồi các em có thể sống nhân hậu hơn, và không còn vô cảm trước những hoàn cảnh kém may mắn.

Những chuyến đi đến nhà dưỡng lão, trại trẻ mồ côi, trung tâm nuôi dưỡng người tàn tật sẽ giúp thêm các em thấy được bản thân mình còn quá may mắn. Điều này thì môn giáo dục công dân không thể giúp được các em.

Bốn: Dạy thêm cho các em kỹ năng làm việc nhóm, để các em hiểu rằng không thể thành công nếu chỉ làm việc thui thủi một mình.

Làm việc nhóm cũng sẽ giúp cho các em nhận ra rằng có những con người thật đáng ghét nhưng mình vẫn phải học cách làm việc chung với người ta, và giúp các em có thêm kỹ năng đối phó với những người nói thật hay nhưng suốt ngày đùn đẩy công việc cho mình.

Năm: Dạy thêm cho các em một số kỹ năng sống tối thiểu, để lỡ một mai không có ba mẹ đi bên cạnh, các em ấy vẫn đủ bản lĩnh vượt qua mọi khó khăn thử thách của cuộc đời, mà cuộc đời thì đâu ai biết được ngày mai rồi sẽ ra sao?

Nhồi nhét thật nhiều kiến thức chuyên môn, nhưng cuối cùng thì các em vẫn không thể tự lo được cho bản thân mình, thì có phải là quá bi kịch hay không?

Ông nhấn mạnh: “Ở bậc phổ thông, hãy cho các em một chương trình học nhẹ nhàng nhất và cơ bản nhất có thể.

Hiện tại, một thảm họa của việc bắt học trò học quá nhiều và làm quá nhiều những bài tập khó ở bậc phổ thông là học trò không còn kỹ năng tự học nữa.

Muốn có kỹ năng tự học, thì cần thời gian và cần được dạy đúng cách, mà khổ cái là quá nhiều bài tập khó cần phải hoàn thành, nên cứ nhồi nhét. Hậu quả, lên đại học sẽ lãnh đủ.

Đáng ra, học xong phổ thông vào đại học thì tâm hồn và sức khỏe phải phơi phới nhưng thực tế là học xong phổ thông, có những bạn đã bắt đầu mệt mỏi với chuyện học hành, đành phải lê lết cho qua ngày đoạn tháng để lấy được tấm bằng đại học.

Sống nửa đời người, mình chỉ tiếc nuối một điều nếu ngày xưa có điều kiện hơn, chắc chắn mình sẽ giỏi tiếng Anh hơn, chắc chắn sức khỏe mình sẽ tốt hơn, chỉ cần vậy thôi là mình sẽ làm được nhiều việc hơn nữa".

Trinh Phúc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/giao-duc-viet-nam-khong-can-nhung-tho-giai-de-post84043.html