Giáo sư, Bác sĩ Nguyễn Bửu Triều: Bậc hiền tài lặng lẽ
Nếu phải phẫu thuật tiết niệu, một việc phức tạp đòi hỏi làm chủ các thiết bị nội soi hiện đại, cần độ chính xác cao, sự bình tĩnh, khả năng làm việc cùng lúc với nhiều người… liệu bạn có đặt niềm tin vào bàn tay người đã 80 tuổi? Vậy mà cả hai ông bố tôi (bố đẻ, bố vợ) đều muốn được GS-BS. Nguyễn Bửu Triều mổ và đã mổ thành công. Khi đã 100 tuổi cụ Bửu Triều vẫn khỏe mạnh, minh mẫn tới phát biểu tại Lễ kỷ niệm 75 năm thành lập Bộ môn Ngoại ngành Y.
Tôi còn nhớ hơn 20 năm trước chờ ông ở cổng Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô đến mổ cho người thân của tôi (tuổi còn ít hơn cả tuổi ông). Tôi ngỡ ngàng thấy một người già nhỏ bé đi cái xe đạp cũ, xách cái cặp da cũng rất cũ, trông giống như người đi thu tiền điện hồi ấy. Đoán được vẻ lúng túng của tôi, ông cười: -Tôi như chim, sáng mổ ở Bệnh viện Việt Xô, chiều Bệnh viện Việt Đức, nên đi xe đạp rất tiện.

Giáo sư Nguyễn Bửu Triều phát biểu tại lễ kỷ niệm 75 năm hình thành và phát triển Bộ môn Ngoại - Trường Đại học Y Hà Nội năm 2022. Ảnh: Phạm Vũ Cường/Báo Dân Việt
Ít lâu sau được ông cho phép, tôi đến nhà ông khi đó phố Trần Xuân Soạn.GS. Bửu Triều tiếp tôi trong căn phòng chưa đầy 10m2 cũ kỹ, vừa chỗ làm việc vừa là chỗ tiếp khách với mấy cái ghế, bàn toàn từ thời bao cấp.
Mới nghe tôi hỏi chuyện, GS. Bửu Triều đã nhã nhặn từ chối: - Xin cho không nói về mình, mà về các thầy của tôi.
Sau này lớn tuổi, tôi mới hiểu những người hiền tài thường không muốn nói về họ. Mà hay nói về quê hương chốn mình sinh ra, chịu ơn, hoặc kể chuyện người thân, bạn bè… Rằng, một cách thành thực họ không coi cái tôi của mình quan trọng lắm, mà các bối cảnh giúp họ trở thành người hôm nay, là do những may mắn đã đến với họ.
Ông từ tốn kể về người cha hướng ông theo ngành y: - Trước khi ra Hà Nội học y khoa, tôi xong tú tài ở Huế. Cha tôi, một nhà nho kiêm làm thuốc khuyên: Y là ý - ông muốn tôi học cái nghề "ý tứ, cẩn trọng, bao dung". Hồi đó, người ta thường học luật (4 năm) để làm quan. Y lâu hơn: 7 năm (6+1) thi khó, học nặng.
Thưa, sau hướng nghiệp, phải có người dìu dắt GS vào sự nghiệp, tôi tiếp tục mạch câu chuyện. GS. Bửu Triều đáp: Đúng vậy. Tôi may mắn có hai người thầy. Những năm 1942-1943 học nội trú ở Bệnh viện Bảo hộ (Việt Đức bây giờ) mỗi ngày tôi làm 4-5 bệnh án. Đặc biệt ngày bác sĩ Tôn Thất Tùng bảo vệ luận án, tôi có vinh dự chuẩn bị cho ông hai bệnh án của hai bệnh nhân: Tinh hoàn lạc chỗ lên ổ bụng và chấn thương sọ não (khi đó chưa có máy chụp, phải khoan sọ). Thầy Tùng đã thực hiện xuất sắc cả hai ca giải phẫu, đạt 3 điểm 9.
Người thứ hai là GS. Hồ Đắc Di, trong mắt tôi thầy là người sang trọng - tề chỉnh, tôi được xem ông mổ vào cuối năm 1943. Trong một trận "mưa bom" dữ dội trút xuống chợ Hàng Da (Hà Nội), dân chết rất nhiều (tay, chân văng lên mái nhà, mắc trên dây điện....). Chúng tôi khiêng nạn nhân vào bệnh viện. GS. Hồ Đắc Di cắt dạ dày (một phẫu thuật lớn) cho người bị trọng thương, phụ mổ cho ông là một người Pháp cao lớn. Tôi còn nhớ rõ những tiếng panh rơi vào khay kim loại loảng xoảng rợn người, rồi khi ông đưa được khối bệnh phẩm đầy máu ra khỏi ổ bụng nạn nhân, người Pháp kia khiếp hãi ngất, ngã gục xuống. Ấn tượng ban đầu về hai thầy tôi là vậy - rất giỏi, hoàn hảo, tôi tràn đầy tự hào.
Tuy nhiên GS. Bửu Triều cho biết sau đó ông lại không được theo sát hai người thầy đáng kính này. GS. Bửu Triều lý giải rằng khi chiến tranh xảy ra ông phải chia tay các thầy để về quê. Đến năm 1946 nghe tin GS. Hồ Đắc Di nhắn gọi, ông và các bạn mới trở lại Hà Nội học tập ở Khu Việt Nam học xá (chỗ Đại học Bách khoa bây giờ). Các sinh viên y khoa vừa học vừa tham gia tự vệ đánh Pháp. GS. Bửu Triều cho biết đến tháng 12.1946 ông sang Bắc Ninh huấn luyện tác chiến cho du kích.
Ông kể: Tháng 6.1947 được tin cụ Hồ kêu gọi sinh viên lên chiến khu học theo ngành mình. Tôi lên Tuyên Quang dắt theo một con bò kéo chở đầy xe sách, bò què chân. Tôi bỏ lại con bò, cõng sách vào rừng Chiêm Hóa tìm hai thầy.
Không lời nào tả xiết niềm sung sướng được gặp lại các thầy Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Nguyễn Văn Huyên... cùng tất cả gia đình họ. Xin nhớ đó là những trí thức lớn, mức sống rất cao, nhưng họ đã hy sinh tất cả để vượt trùng trùng vòng vây địch, vượt qua bom đạn, có người đã ngã xuống để đi tới chiến khu âm u này.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trò chuyện với GS. Nguyễn Bửu Triều nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27.2.1955-27.2.2025). Nguồn: Alobacsi
Câu chuyện tiếp diễn với những ấn tượng về thời gian sống và học của thầy và trò nơi miền núi. GS. Bửu Triều tiếp tục: "Lại bắt đầu từ đầu, chúng tôi dựng nhà cửa, bệnh viện... Thầy Di, thầy Tùng... hoàn toàn Ngoại khoa nhưng để dạy chúng tôi các môn cơ sở (sinh, hóa...) họ đã tự học lại. Ngày khai trường, thầy Di đọc diễn văn bằng tiếng Pháp trong bộ quần áo nông dân miền núi. Thầy trò vừa học vừa làm, thầy Tùng đưa lên chiến khu cả những người cộng sự và phòng thí nghiệm của ông. Nhờ thế mà chúng tôi vẫn xác định được nhóm máu, và bằng máy quay truyền máu trực tiếp từ người cho máu sang người nhận máu trong các ca mổ, trong điều kiện vô cùng thiếu thốn, gian khổ...
Tôi còn nhớ ngày quân Pháp nhảy dù xuống Bắc Kạn, đánh Chiêm Hóa. Giặc đến gần quá không kịp chạy sâu vào rừng, ôm con các thầy cùng cả gia đình, chúng tôi trốn dưới mấy hốc cây lớn ven suối. Chó béc giê (becgie) lùng theo vết cháo rớt dọc đường sục tới bên kia bờ suối. Tiếng súng, chó sủa, tiếng giặc gọi hàng rát bên tai... giờ nghĩ lại hôm ấy nếu chúng bắt được các thầy của tôi thì nền y học của chúng ta sẽ ra sao?
Năm 1958 tôi được về trường Đại học Y Hà Nội dạy học cùng các thầy. Có lẽ anh cũng như nhiều người chỉ biết tôi là một ông già đi xe đạp và mổ (mắt tôi khi mổ không phải đeo kính) như nhà ảo thuật, sáng mổ ở Bệnh viện Việt Xô, chiều Bệnh viện Việt Đức. Nhưng nếu chỉ mổ thôi, chưa chắc bạn đã giỏi nghề. Y là là nghề nhân văn, cần đọc, học hỏi nhiều, thường xuyên. Học vấn là cái bệ đỡ mà người ngoài không nhìn thấy. Cái bệ vô hình, nhưng nó nâng chúng ta lên.
Tôi xin nhắc lại, tôi là người may mắn, người có thầy - có hình ảnh để noi theo. Hầu hết các thầy tôi đều không sống đến tuổi 70 vì gian khổ quá. Nhưng vượt quá giới hạn 70, họ vẫn sống trong tâm tưởng của chúng ta, sống mãi. Đó là giá trị rực rỡ nhất của đời người".
Hơn 20 năm qua câu chuyện của GS. Bửu Triều vẫn trong trí nhớ và những trang ghi chép của tôi. Có lẽ tôi cũng may mắn cùng những ai trong tâm tưởng của mình có hình ảnh của ông - một người hiền tài lặng lẽ, người thày lớn của cuộc đời.
Hân Hương
GS-BS. Nguyễn Bửu Triều sinh năm 1923 tại Huế, trong một gia đình hoàng tộc. Thuộc thế hệ đầu tiên của nền y học cách mạng Việt Nam, GS. Nguyễn Bửu Triều từng được các "tượng đài y học" Việt Nam như GS. Hồ Đắc Di, GS. Tôn Thất Tùng… hướng dẫn.
Ông tham gia kháng chiến chống Pháp cùng với GS. Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng. Ông là đội trưởng Đội điều trị số 3 – tiền thân của Bệnh viện Quân y 103 và trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.
GS. Nguyễn Bửu Triều từng là Chủ nhiệm Bộ môn Ngoại, Trường Đại học Y Hà Nội, Chủ nhiệm Khoa Ngoại Tiết niệu của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và ông ra đi cũng tại bệnh viện này, trong vòng tay các thế hệ học trò, vào đêm 16.7.2025 (tức ngày 22.6 năm Ất Tỵ) hưởng thọ 102 tuổi
Ông đã được trao Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Ba, Danh hiệu Nhà giáo Nhân dân.
Lễ viếng GS-BS. Nguyễn Bửu Triều sẽ được tổ chức từ 7h đến 8h30 ngày 21.7.2025 tại Nhà tang lễ số 5, Trần Thánh Tông, Hà Nội.