Gìn giữ bản sắc văn hóa trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Tại hội thảo '65 năm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa', các đại biểu tập trung đưa ra giải pháp để gìn giữ bản sắc văn hóa, góp phần phát triển bền vững trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Chiều 14/12 tại Hoàng thành Thăng Long, Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - VHTTDL) tổ chức hội thảo 65 năm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Hợp tác công tư để di sản thực sự có vị trí trong đời sống cộng đồng
Bà Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho biết, cả nước hiện có hơn 40.000 di tích và gần 70.000 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê. Trong đó, có 34 di sản được UNESCO ghi danh gồm: 8 Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 16 Di sản văn hóa phi vật thể; 10 Di sản tư liệu.
Theo bà Hiền, di sản văn hóa đã và đang đóng góp một phần không nhỏ vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương và sự phát triển chung của đất nước. Vì thế, nguồn kinh phí đầu tư cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa cần được tăng cường.
Góp ý cho công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, GS.TS Nguyễn Quốc Hùng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho rằng, cần tạo điều kiện cho cộng đồng tham gia nhiều hơn vào những hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích ở địa phương; tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của thời đại 4.0.
PGS-TS Đặng Văn Bài, nguyên Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, tự hào vì hành lang pháp lý ngày càng hoàn thiện đã giúp giảm thiểu các hiện tượng xâm phạm di tích, đồng thời nâng cao nhận thức xã hội về giá trị di sản. Ông hy vọng, trong tương lai, ngành sẽ huy động thêm nguồn lực đa dạng, thúc đẩy hợp tác công tư để di sản thực sự có vị trí trong đời sống cộng đồng và mang lại sinh kế bền vững.
Gìn giữ bản sắc văn hóa trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương điểm lại những văn bản đầu tiên về bảo vệ di sản văn hóa, từ đó ông khẳng định: "Công tác thể chế và nhận thức về bảo tồn di sản văn hóa ngày càng được nâng cao, phát triển. Quá trình này đã củng cố niềm tin vững chắc và cũng giao phó cho chúng ta trách nhiệm gìn giữ bản sắc văn hóa để góp phần phát triển bền vững đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho rằng, ngành di sản cần tập trung vào công tác nghiên cứu, tham mưu, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách về di sản văn hóa, đặc biệt là xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Di sản văn hóa năm 2024, tạo thành hành lang pháp lý thuận lợi để công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa được triển khai hiệu quả.
Ngoài ra, cần tháo gỡ rào cản chính sách, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, khai thác các nguồn tài nguyên văn hóa, khuyến khích sự tham gia tích cực của xã hội; tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021-2025; Chương trình số hóa di sản văn hóa giai đoạn 2021-2030; Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tư liệu hóa hệ thống tài liệu và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa.
Ảnh: Khiếu Minh