Giới hạn nào cho du lịch 'sống ảo'?

Việc chụp ảnh, lưu giữ kỷ niệm trong chuyến du lịch là nhu cầu chính đáng. Sự việc sẽ đi quá xa nếu du khách không tôn trọng văn hóa, cảnh quan nơi dừng chân.

 Du khách Singapore chụp ảnh hoàng hôn tại bãi biển Vũng Tàu dịp 30/4 Ảnh: Linh Huỳnh.

Du khách Singapore chụp ảnh hoàng hôn tại bãi biển Vũng Tàu dịp 30/4 Ảnh: Linh Huỳnh.

"Giới trẻ được tiếp cận với công nghệ từ sớm, việc lưu giữ hình ảnh thuận lợi hơn trước rất nhiều", ông Dương Đức Minh, Phó Viện Trưởng Viện nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch (ITERD), nói với Tri Thức - Znews khi được hỏi về xu hướng du lịch "sống ảo" ngày càng rõ rệt.

Theo ông Minh, người trẻ tuổi có mối quan tâm và khả năng thành thạo công nghệ, vì vậy việc chụp ảnh tại các điểm du lịch là điều bình thường.

Trên thực tế, nhiều du khách trẻ chỉ tập trung cho việc check-in mà không muốn khám phá, lắng nghe văn hóa của điểm đến. Tuy nhiên, ta không thể đánh đồng tất cả.

"Tôi tin rằng vẫn có một bộ phận giới trẻ có sự quan tâm nhất định với địa danh", ông Minh bày tỏ.

 Du khách check-in tại Chùa Cầu - công trình biểu tượng tại Hội An - hôm 3/8. Ảnh: Phạm Toàn.

Du khách check-in tại Chùa Cầu - công trình biểu tượng tại Hội An - hôm 3/8. Ảnh: Phạm Toàn.

Đồng quan điểm, từ góc nhìn doanh nghiệp, bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng giám đốc công ty du lịch Vietravel, nhận định đơn vị vẫn ghi nhận có số lượng không nhỏ du khách trẻ quan tâm đến trải nghiệm văn hóa bản địa, muốn hiểu thêm về lịch sử, con người và phong tục tập quán tại nơi họ đặt chân đến.

Việc chụp ảnh lưu giữ kỷ niệm cá nhân là nhu cầu chính đáng, cũng như là cơ hội để địa phương, người làm du lịch quảng bá cảnh quan, giá trị văn hóa truyền thống đến đông đảo du khách.

"Việc khách du lịch quan tâm chụp ảnh hơn so với trước đây là một phần của xu hướng toàn cầu khi mạng xã hội và công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, giúp những hình ảnh đẹp nhanh chóng thu hút sự chú ý. Nhưng thực tế, nhiều du khách vẫn mong muốn kết hợp giữa trải nghiệm cảnh đẹp và việc khám phá chiều sâu văn hóa tại các địa phương", bà Hoàng cho hay.

 Việc chụp ảnh giúp ghi lại kỷ niệm tại điểm tham quan. Trong ảnh, gia đình nhiều thế hệ tham quan Dinh Tổng lãnh sự Pháp (TP.HCM) ngày 21/9. Ảnh: Khương Nguyễn.

Việc chụp ảnh giúp ghi lại kỷ niệm tại điểm tham quan. Trong ảnh, gia đình nhiều thế hệ tham quan Dinh Tổng lãnh sự Pháp (TP.HCM) ngày 21/9. Ảnh: Khương Nguyễn.

Tuy nhiên, nếu thói quen "sống ảo" khi du lịch trở thành quá đà lại có thể gây tác động tiêu cực đối với điểm đến.

"Trong nhiều trường hợp, điều này dẫn đến tình trạng quá tải tại các địa danh cụ thể, tạo áp lực lớn lên cơ sở hạ tầng địa phương và làm giảm chất lượng trải nghiệm của du khách. Rõ ràng, một số điểm đến trước đây ít người biết đến đã bất ngờ trở thành tâm điểm trên toàn cầu nhờ mạng xã hội. Từ đó dẫn đến lượng khách du lịch tăng vọt, gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường và cộng đồng địa phương", Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) nhận định trong một thông báo mới đây.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, thạc sĩ Huỳnh Công Kiều Xuân, giảng viên phụ trách mảng văn hóa thuộc bộ môn Du lịch, khoa tiếng Pháp (Đại học Sư Phạm TP.HCM), cho rằng nếu du khách sa đà vào trào lưu "sống ảo", những chuyến du lịch sẽ dần trở thành một cuộc đua về ảnh đẹp thay vì chất lượng trải nghiệm thực chất. Việc "tô hồng" chuyến đi cũng mang lại cái nhìn không thực tế, dễ khiến những du khách sau thất vọng vì trải nghiệm không như mong đợi.

Bà Xuân lấy ví dụ đảo Bình Hưng (Cam Ranh), nơi khách du lịch thường chỉ chia sẻ những khoảnh khắc tuyệt đẹp tại đảo. Nhưng khi đến nơi, du khách mới thấy hết những mặt hạn chế trong thực tế rằng phòng lưu trú thiếu tiện nghi, biển ô nhiễm, bãi biển đầy rác, thiếu nước ngọt để sinh hoạt…

Bức ảnh "view Thụy Sĩ" giữa lòng Đà Lạt trên mạng và khung cảnh thực tế khiến nhiều du khách "té ngửa". Ảnh: @vynamm__, Sơn Đoàn.

Bức ảnh "view Thụy Sĩ" giữa lòng Đà Lạt trên mạng và khung cảnh thực tế khiến nhiều du khách "té ngửa". Ảnh: @vynamm__, Sơn Đoàn.

Thêm nữa, nhiều cá nhân lợi dụng thói quen du lịch gắn liền với công nghệ của giới trẻ để tự phát những điểm đến check-in kiểu "ăn xổi", không có chiều sâu về văn hóa.

Ví dụ dễ thấy nhất là Đà Lạt. Vẻ đẹp thơ mộng riêng biệt của thành phố nghìn thông đã nhường chỗ cho những tiểu cảnh nhân tạo được lấy cảm hứng từ nước ngoài như Phượng Hoàng Cổ Trấn thu nhỏ ở Đà Lạt (An Sơn Hồ), hiệp khách lầu, cầu Vàng phiên bản nhỏ, Lạc Tiên Giới... Điểm chung của việc quy hoạch này là nhắm đến du khách cuồng check-in.

Đây cũng là mối lo ngại từ du lịch "sống ảo" do UNESCO đề cập. Theo đó, tổ chức này nhận định một điểm đến sẽ "mất đi giá trị cốt lõi, điều tối quan trọng đối với sự tồn tại của một địa danh văn hóa hoặc thiên nhiên", khi du khách chỉ tập trung chụp ảnh để đăng lên mạng xã hội thay vì tìm hiểu và trải nghiệm những ý nghĩa, lịch sử của nơi đó.

Để cân bằng giữa việc check-in "sống ảo" và đảm bảo văn hóa địa phương được tuyên truyền đúng cách, thạc sĩ Xuân nhận định du khách cần:

Chụp ảnh có ý thức: Chọn những góc chụp đẹp, độc đáo, tôn trọng cảnh quan và con người địa phương, có ý thức giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống.
Chia sẻ có trách nhiệm: Khi chia sẻ hình ảnh lên mạng xã hội, hãy chú ý đến việc bảo vệ thông tin cá nhân và tôn trọng văn hóa địa phương.
Tìm hiểu trước về địa điểm: Đọc thông tin, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa của nơi mình đến để có những trải nghiệm sâu sắc hơn.
Giao lưu với người dân địa phương và phát triển du lịch cộng đồng.

Đối với địa phương tại điểm đến, đơn vị cần đề ra chính sách quản lý du lịch chặt chẽ. Các cơ quan quản lý cần ban hành các quy định về du lịch, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Quy hoạch du lịch cần đi kèm với bảo tồn di sản văn hóa.

Tường Vi

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/gioi-han-nao-cho-du-lich-song-ao-post1500161.html