Giữ đê chắc trong mùa mưa bão

Trước dự báo thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, có thể xuất hiện hiện tượng cực đoan, các ngành, địa phương đã chủ động rà soát, xác định đoạn đê nguy cơ mất an toàn, từ đó xây dựng phương án hộ đê sát thực tế, sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu.

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, dù những năm gần đây, T.Ư, tỉnh dành nhiều nguồn vốn đầu tư tu bổ, nâng cấp và kiên cố hóa đê điều song vẫn còn nhiều đoạn nền đê yếu, khi lũ lên cao từ trên báo động III trở lên, một số đoạn xuất hiện mạch đùn, mạch sủi và hiện tượng thẩm lậu nhỏ.

Nhà thầu thi công gia cố kè trên đê hữu Lục Nam.

Nhà thầu thi công gia cố kè trên đê hữu Lục Nam.

Chỉ tính riêng trong năm 2022, toàn tỉnh đã xảy ra 9 sự cố về đê điều, thiệt hại khoảng 63,4 tỷ đồng; tăng 4 sự cố và tăng hơn 46 tỷ đồng thiệt hại so với năm 2021. Khảo sát thực tế tại tuyến đê hữu Lục Nam cho thấy, do phần lớn đất đắp đê là đất pha cát, một số đoạn đê có đầm, ao gần chân đê nên khi mực nước dâng cao, kéo dài nhiều ngày, thân đê dễ bị thẩm lậu.

Hai tuyến kè Bắc Lũng và Yên Sơn xây dựng nhiều năm, kết cấu đơn giản bằng đá hộc lát khan nên bị bong bật. Tương tự, trên tuyến đê tả Thương qua địa bàn các huyện: Lạng Giang, Yên Dũng và TP Bắc Giang cũng có 25 đoạn với chiều dài 7,93 km (cả tuyến dài 27,3 km) có đầm ao sát chân đê, nguy cơ mất an toàn.

Đặc biệt, một số đoạn nền đê yếu, khi lũ lên cao từ báo động III trở lên sẽ xuất hiện mạch đùn, mạch sủi và hiện tượng thẩm lậu làm ướt mái đê phía đồng tại một số đoạn thuộc xã Xuân Hương (Lạng Giang); phường Thọ Xương, xã Tân Tiến (cùng thuộc TP Bắc Giang)… Đê tả Cầu từ K29+600 đến K30+600 đoạn thuộc thôn Vọng Giang, xã Mai Đình (Hiệp Hòa) cũng có nguy cơ xuất hiện mạch đùn, mạch sủi do nằm trên lớp đất yếu sau đó đến lớp cát hạt mịn hoặc cát pha hữu cơ, trong thân đê có nhiều khe rỗng. Hay tại tuyến đê bối qua xã Tân Liễu (Yên Dũng), dù chỉ dài 7 km song tuyến đê này có 2 điểm yếu với chiều dài hơn 400 m tại các thôn Tân Độ và Liễu Đê.

Ông Phí Quang Thịnh, Chủ tịch UBND xã Tân Liễu nói: “Hiện hai điểm này bị xuống cấp, chân đê bị sói lở. Khi nước sông Thương lên mức báo động III thì nguy cơ đê mất an toàn, ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 300 hộ dân cùng 300 ha đất sản xuất nông nghiệp của người dân nếu xảy ra tình huống xấu”.

Bắc Giang có gần 400 km đê, trong đó có 5 tuyến đê cấp III trở lên, 3 tuyến đê cấp IV và hơn 20 tuyến đê bối, đê bao. Ngoài ra trên các tuyến đê có 162 cống, 58 kè, 86 điếm canh đê và 7 kho kín chứa vật tư. Qua rà soát, trước mùa mưa bão năm nay, toàn tỉnh có 22 điểm xung yếu trên các tuyến đê; 4 kè, 21 cống, 4 hồ và 1 đập xung yếu.

Là tỉnh có nhiều sông lớn chảy qua, Bắc Giang có gần 400 km đê, trong đó có 5 tuyến đê cấp III trở lên, 3 tuyến đê cấp IV và hơn 20 tuyến đê bối, đê bao. Ngoài ra, trên các tuyến đê có 162 cống, 58 kè, 86 điếm canh đê và 7 kho kín chứa vật tư. Trước mùa mưa bão năm nay, cơ quan chuyên môn của tỉnh xác định toàn tỉnh có 22 điểm xung yếu trên các tuyến đê; 4 kè, 21 cống, 4 hồ, 1 đập xung yếu cùng nhiều điểm có nguy cơ ngập úng, sạt lở.

Để bảo đảm an toàn, năm nay, các địa phương xây dựng 20 phương án bảo vệ đê, trong đó có 4 phương án toàn tuyến, còn lại là phương án trọng điểm. Nét mới năm nay là trên cơ sở phương án tổng thể toàn tuyến, các địa phương sẽ đánh giá những vị trí thấp hơn, khả năng bị tràn trước khi lũ vượt thiết kế để xây dựng phương án huy động vật tư, nhân lực để xử lý. Trong trường hợp không thể chống được, đời sống, sản xuất người dân ra sao và việc di dân sẽ được thực hiện thế nào?

Ông Khổng Văn Nguyên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và PTNT) nói: “Những năm gần đây, tỉnh tập trung vào xây dựng phương án lũ vượt tần suất theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Tuy nhiên qua theo dõi, việc dự kiến các tình huống lũ vượt tần suất không khả thi, chưa sát với tình hình thực tế nên năm nay sẽ điều chỉnh phương án, bảo đảm sát thực”.

Tuyến đê tả Cầu qua xã Quang Châu (Việt Yên) vừa được nâng cấp.

Tuyến đê tả Cầu qua xã Quang Châu (Việt Yên) vừa được nâng cấp.

Thực tế, cùng với xây dựng các phương án trọng điểm theo yêu cầu, các địa phương chủ động rà soát, lên danh sách các điểm nguy cơ xảy ra sự cố cao để tập trung khắc phục, xử lý. Điển hình, từ năm 2020 đến nay, TP Bắc Giang dành gần 175 tỷ đồng cứng hóa một số đoạn mặt đê tại phường Thọ Xương; đầu tư đường gom chân đê tại phường Mỹ Độ, xã Đồng Sơn; xử lý sự cố lún, nứt đê bối trên địa bàn xã Tân Tiến; kè mái và tạo cảnh quan một số đoạn trên địa bàn phường Trần Phú, phường Lê Lợi…

Tương tự, ngoài kinh phí triển khai các phương án bảo vệ đê theo kế hoạch, năm nay UBND huyện Yên Dũng sẽ đầu tư kinh phí gia cố, khắc phục điểm đê yếu tại tuyến đê bối Tân Liễu. UBND huyện Lạng Giang cũng dành 1,5 tỷ đồng để xử lý sạt lở tuyến đê bối thuộc các xã Dương Đức và Đào Mỹ. Đặc biệt, trong phương án hộ đê trọng điểm đối với tuyến đê tả Thương Dương Đức, huyện Lạng Giang đưa ra tình huống khi đê bối tại xã Dương Đức bị vỡ, sóng đánh làm sạt lở mái sông từ đó đưa ra các phương án xử lý cụ thể, không để bị động.

Ông Bùi Đức Hùng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lạng Giang cho biết: “Đây là tình huống có khả năng xảy ra bởi do chưa được cứng hóa lại trực tiếp đón lũ sông Thương nên từ cuối năm 2022, đầu năm 2023, đê bối Dương Đức liên tục xuất hiện các sự cố sạt trượt mái đê, bãi sông. Mới nhất, ngày 13/2/2023, tại đây xuất hiện cung sạt trượt dài 35 m, rộng 4-5 m, chiều cao từ đỉnh cung sạt đến mép nước 3,5 m, điểm gần nhất cách chân đê bối 9,5 m”.

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn do UBND tỉnh tổ chức vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng, để chủ động phòng ngừa, ứng phó với diễn biến bất thường của thời tiết, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần chủ động nắm chắc diễn biến, xây dựng kịch bản chi tiết, dự kiến các tình huống tại đoạn đê có nguy cơ xảy ra sự cố cao để chủ động ứng phó. Cùng đó cần thực hiện tốt quy chế phối hợp trong công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều theo kế hoạch của UBND tỉnh; tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện các sự cố để xử lý, không để phức tạp thêm.

Bài, ảnh: Sỹ Quyết

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/404398/giu-de-chac-trong-mua-mua-bao.html