Giữ lấy hồn quê

Đối tượng mua hàng của ông rất đa dạng, nhiều nhất vẫn là nông dân, vì chỉ ở đây họ mới tìm thấy được những vật dụng mà tưởng như đã 'thất truyền': giỏ đựng cá, trúm bắt lươn, nơm úp cá, gàu sòng…;

>> Giữ lấy hồn quê (Xem trang 10).

Đối tượng mua hàng của ông rất đa dạng, nhiều nhất vẫn là nông dân, vì chỉ ở đây họ mới tìm thấy được những vật dụng mà tưởng như đã “thất truyền”: giỏ đựng cá, trúm bắt lươn, nơm úp cá, gàu sòng…; còn những người thích trở lại với phong cách, không gian xưa, những “sản phẩm xanh” gần gũi với môi trường, những sản phẩm tre trúc đan xinh xắn thì trầm trồ với những tác phẩm nhỏ tinh xảo.

Sản phẩm đan từ trúc của gia đình ông Thanh.

Sản phẩm đan từ trúc của gia đình ông Thanh.

Hiện nay, đồ nhựa, đồ nhôm, đồ inox… với màu sắc đa dạng, kiểu dáng phong phú, giá thành rẻ… đang dần lấn át các sản phẩm đan lát truyền thống. Gần 10 năm nay, dù nắng hay mưa, ngày nào cũng vậy, người đàn ông ấy lặng lẽ bày đồ gia dụng làm bằng tre trúc tinh xảo do chính gia đình mình làm ở một góc nhỏ trên con đường vào chợ phường 3, thành phố Tây Ninh.

Năm nay đã 62 tuổi, ông Nguyễn Văn Thanh đến Tây Ninh sinh sống và làm nghề được 10 năm. Quê ông ở vùng sông nước Đồng Tháp, nổi tiếng với những cánh đồng sen bạt ngàn. Nhà ông đã 3 đời nối nghiệp làm nghề “đan đát” truyền thống (đan đát là một lối đan đặc trưng của nghề đan lát ở miền Tây).

Sống ở làng nghề, 10 tuổi ông đã thành thạo những thao tác và công đoạn của nghề đan (cứ nhìn mọi người làm rồi bắt chước, khi nào gặp kỹ thuật khó thì hỏi người lớn trong nhà, vậy rồi dần quen và thạo nghề). Thế nhưng lũ lụt triền miên và những khó khăn trong cuộc mưu sinh của nghề truyền thống buộc ông phải sống đời tha hương.

Chỉ ở đây họ mới tìm thấy được những vật dụng mà tưởng như đã “thất truyền”: giỏ đựng cá, trúm bắt lươn, nơm úp cá, gàu sòng…

Đến Tây Ninh theo lời giới thiệu của một người bạn, gia đình ông thuê một căn phòng nhỏ ở hẻm 33, phường 1, thành phố Tây Ninh và tiếp tục nghề gia truyền của quê mình trên vùng đất mới.

Với tay nghề đã có hơn 50 năm, ông Thanh có thể làm ra tất cả sản phẩm gia dụng bằng tre, trúc. Gian hàng nhỏ của ông bày nhiều sản phẩm đan từ trúc, những vật dụng lớn như nong, nia, sàng, thúng, cần xé, lồng bàn… đến những vật nhỏ như rổ rá, ống đựng đũa, dĩa nhỏ, giỏ xách, vật phong thủy… với kích thước từ 20cm đến 1,2m (lớn nhất là nia phơi thuốc nam với bán kính từ 0,7m đến 1,1m). Mỗi ngày, gia đình ông (gồm ông, vợ và con trai) đan được 10 sản phẩm nhỏ và 2 nia, thúng lớn; vừa với lượng hàng bán ra trong ngày (chỉ khi nào có người đặt hàng ông mới làm thêm).

Đối tượng mua hàng của ông rất đa dạng, nhiều nhất vẫn là nông dân, vì chỉ ở đây họ mới tìm thấy được những vật dụng mà tưởng như đã “thất truyền”: giỏ đựng cá, trúm bắt lươn, nơm úp cá, gàu sòng…; còn những người thích trở lại với phong cách, không gian xưa, những “sản phẩm xanh” gần gũi với môi trường, những sản phẩm tre trúc đan xinh xắn thì trầm trồ với những tác phẩm nhỏ tinh xảo.

Ông Thanh nói: “Làm ra sản phẩm nhiều, chất lượng bình thường thì rất dễ và nhanh, nhưng chú không bán những loại như vậy vì sẽ làm mất tiếng nghề gia truyền ba đời mà chú luôn gìn giữ. Sản phẩm của chú phải đẹp và bền, tinh xảo như một tác phẩm thủ công truyền thống vốn phải có. Sản phẩm phải thể hiện được cái tâm và tay nghề của người làm ra nó”.

Đến nơi gia đình ông Thanh thuê mới thấy được sự cần cù, tỉ mỉ của người thợ để làm ra những sản phẩm chất lượng. Ông Thanh cho biết, tre trúc ở những làng quê Tây Ninh còn rất nhiều, có lẽ vì người Tây Ninh yêu lũy tre làng.

“Làm ra sản phẩm nhiều, chất lượng bình thường thì rất dễ và nhanh, nhưng chú không bán những loại như vậy vì sẽ làm mất tiếng nghề gia truyền ba đời mà chú luôn gìn giữ”.

Ông chỉ cần đến xã Thanh Điền (huyện Châu Thành) là có; các xã - phường của Thành phố như Ninh Sơn, Ninh Thạnh, Tân Bình cũng không thiếu nguyên liệu này. Gia đình ông chuyên làm sản phẩm từ trúc là loại cây nhỏ nên dụng cụ không quá phức tạp: cưa nhỏ, rựa chặt, dao chẻ - chuốt, đục, thước đo, dùi, dây bện (cũng từ tre trúc)…

Mỗi sản phẩm đan lát đều mang theo tâm huyết của người thợ, đều phải trải qua nhiều công đoạn, dù đó là sản phẩm có kích thước to hay nhỏ. Trúc mua về cưa thành những đoạn tùy theo mục đích sử dụng, chẻ thành những sợi mảnh, chuốt trơn mắt và một phần ruột để lấy cật trúc tốt nhất, đan thành sản phẩm thô cho những vật dụng lớn như mê rổ, mê thúng, mê nia - sàng; những công đoạn khó nhất như lận vành thúng, vành nia - sàng hay đòi hỏi kỹ thuật cao cho những vật tinh xảo đều do ông Thanh đảm nhận.

Ông Nguyễn Văn Thanh tại nơi bày hàng.

Ông Nguyễn Văn Thanh tại nơi bày hàng.

Do chú trọng chất lượng, nên dù sản phẩm có giá đắt hơn “hàng chợ” (hàng làm ra đồng loạt, chất lượng không cao), thậm chí có sản phẩm giá bán gấp đôi, gấp ba nhưng nhiều khách hàng vẫn thích mua hàng của ông; vì thế mỗi ngày ông bán được gần 10 sản phẩm, thấp nhất là 50.000 đồng (rổ nhỏ, giỏ nhỏ trang trí) cho đến cao nhất là 200.000 đồng (cần xé, nia - sàng).

Nhiều khách hàng cao tuổi mua xong còn nán lại dăm phút để rủ rỉ nói chuyện cùng ông về làng quê xưa, về lũy tre xanh, về nghề đan lát, về những nông cụ bằng tre trúc ngày nào- những thứ tưởng chừng đã xa, nhưng hóa ra vẫn còn trong tâm thức của mỗi người.

Sống ở Tây Ninh gần 10 năm, quen với những con người thân thiện, nghĩa tình luôn cưu mang, hỗ trợ trong những ngày đầu bỡ ngỡ, ông Thanh xem Tây Ninh là quê hương thứ hai của mình. Ông mong có một căn nhà của riêng mình để cùng với người thân tiếp tục nghề gia truyền (con trai ông đã nối tiếp là đời thứ tư làm nghề đan lát), giữ lại nét tinh túy của hồn quê Việt giữa những xô bồ của cuộc sống hiện đại.

Hải Âu

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/giu-lay-hon-que-a139977.html