Giữ vững lòng dân và xây dựng 'thế trận lòng dân' trong bảo vệ Tổ quốc

'Thế trận lòng dân' là một nhân tố cực kỳ quan trọng, là sức mạnh đoàn kết nội sinh giúp dân tộc ta giữ vững giang sơn, phát triển trường tồn cho đến ngày nay.

Hội thảo khoa học cấp quốc gia "Giữ vững lòng dân và xây dựng "thế trận lòng dân" trong bảo vệ Tổ quốc - Từ lịch sử đến hiện tại và bài học kinh nghiệm" - Ảnh: VGP/PL

Hội thảo khoa học cấp quốc gia "Giữ vững lòng dân và xây dựng "thế trận lòng dân" trong bảo vệ Tổ quốc - Từ lịch sử đến hiện tại và bài học kinh nghiệm" - Ảnh: VGP/PL

Chiều 1/12, tại Hà Nội, Bộ Công an phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia "Giữ vững lòng dân và xây dựng 'thế trận lòng dân' trong bảo vệ Tổ quốc - Từ lịch sử đến hiện tại và bài học kinh nghiệm".

Đồng chủ trì Hội thảo có các đồng chí: Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Phan Xuân Thủy, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng lý luận Trung ương.

"Thế trận lòng dân" có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy nhấn mạnh, lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã chứng minh "thế trận lòng dân" là một nhân tố cực kỳ quan trọng, là sức mạnh đoàn kết nội sinh giúp dân tộc giữ vững giang sơn, gấm vóc, phát triển trường tồn cho đến ngày nay.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, "thế trận lòng dân" đã trở thành nền tảng chính trị vững chắc, tổng hợp sức mạnh tinh thần của cả dân tộc, sẵn sàng thực hiện thắng lợi các mục tiêu cách mạng.

"Đối với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, 'lòng dân' và 'thế trận lòng dân' có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, tạo điểm tựa mang tính gốc rễ và quyết định sức mạnh của nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân", Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy nhấn mạnh.

"Lòng dân" là "nguyên liệu" chính, quyết định để xây dựng "thế trận lòng dân" - thế trận gốc trong các thế trận bảo vệ Tổ quốc. "Thế trận lòng dân" được hiểu là sự tổng hòa của khối đại đoàn kết dân tộc, tinh thần yêu nước, khát vọng độc lập, tự do, ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất của cả dân tộc, được hội tụ, kết tinh dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, trở thành nền tảng chính trị vững chắc, tổng hợp sức mạnh tinh thần của cả dân tộc, sẵn sàng thực hiện các mục tiêu cách mạng.

Dẫn lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày hôm nay", Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, nhân dân đang đặt niềm tin và kỳ vọng vào những quyết định đúng đắn, mạnh mẽ của Đảng để phát triển đất nước nhanh và bền vững hơn. Để tận dụng thời cơ, đạt được mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030 và năm 2045 mà Đảng đã đặt ra thì sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị phải được đưa lên tầm cao mới nhất. Trong đó, sức mạnh chính trị, tinh thần, sự đồng lòng của cả dân tộc là nhân tố nền tảng.

Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành: "Việc xây dựng 'thế trận lòng dân' vững chắc, góp phần bảo vệ Tổ quốc 'từ sớm, từ xa' phải được tăng cường hơn nữa, coi đó vừa là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, vừa là yêu cầu cấp bách" - Ảnh: VGP/PL

Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành: "Việc xây dựng 'thế trận lòng dân' vững chắc, góp phần bảo vệ Tổ quốc 'từ sớm, từ xa' phải được tăng cường hơn nữa, coi đó vừa là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, vừa là yêu cầu cấp bách" - Ảnh: VGP/PL

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch Chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương phân tích, những năm qua, thực hiện Nghị quyết các kỳ Đại hội Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị đã tiến hành đồng bộ các giải pháp xây dựng, củng cố “thế trận lòng dân”, coi đây là nhiệm vụ chiến lược thường xuyên, liên tục và lâu dài.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc xây dựng "thế trận lòng dân" có lúc, có nơi còn những hạn chế nhất định. Tình hình chính trị - an ninh thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, yêu cầu củng cố an ninh - quốc phòng vẫn là một nhiệm vụ trọng yếu không chỉ của Việt Nam mà còn của nhiều quốc gia trên thế giới. Các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh chiến lược "diễn biến hòa bình", thúc đẩy "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", chia rẽ lòng dân, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc.

"Tình hình đó đòi hỏi việc xây dựng "thế trận lòng dân" vững chắc, góp phần bảo vệ Tổ quốc "từ sớm, từ xa" phải được tăng cường hơn nữa, coi đó vừa là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, vừa là yêu cầu cấp bách" - Phó Chủ tịch Chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh và cho biết, việc tổ chức hội thảo có ý nghĩa khoa học và thực tiễn sâu sắc nhằm làm rõ những vấn đề lý luận và rút ra bài học kinh nghiệm về giữ vững lòng dân và xây dựng "thế trận lòng dân" trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Nhận thức sâu sắc, đầy đủ về 'thế trận lòng dân' trong bảo vệ an ninh trật tự

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã chứng minh sự trường tồn, phát triển của đất nước, con người Việt Nam luôn gắn liền với sự đồng thuận của lòng dân, tinh thần yêu nước của nhân dân.

Thiếu tướng Đinh Ngọc Hoa, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng An ninh nhân dân 1, Bộ Công an cho rằng, sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại của lực lượng công an nhân dân cùng với sự tin yêu của nhân dân đối với công an nhân dân sẽ là những chất liệu cơ bản nhất để xây dựng nên thế trận lòng dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc.

Tuy nhiên, những thế trận ấy chỉ thật sự trở nên vững chắc và trở thành thanh kiếm và lá chắn sắc bén để bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa khi mà mỗi cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy cán bộ, chiến sĩ của công an nhân dân nhận thức sâu sắc đầy đủ về vị trí, vai trò của nhân dân và của thế trận lòng dân trong việc bảo vệ an ninh trật tự.

Theo nhà báo, TS. Nhị Lê, nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, để xây dựng "thế trận lòng dân", cần khắc cốt ghi tâm phương châm: Trong nước Việt Nam thì địa vị cao nhất là dân, dân là quý nhất, lực lượng nhân dân là mạnh nhất. Phát huy dân chủ là phát huy tài dân. Vì "dân là gốc", "dân là chủ", "dân làm chủ". Do đó, cần bảo vệ "quyền dân, sức dân, tài dân" nhằm phát triển toàn diện sức mạnh nhân dân, thật sự xứng tầm là một trong các chủ thể bảo vệ quốc phòng và giữ gìn an ninh Tổ quốc.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu kết luận hội thảo - Ảnh: VGP/PL

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu kết luận hội thảo - Ảnh: VGP/PL

Phát huy "thế trận lòng dân" trong giai đoạn cách mạng mới

Phát biểu kết luận hội thảo, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nêu rõ, lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam cho thấy, xây dựng “thế trận lòng dân”, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi chưa nguy là những vấn đề mang tính nguyên tắc, vừa là truyền thống quý báu, đồng thời là những kinh nghiệm mang tính lý luận và thực tiễn.

Thực hiện Nghị quyết các kỳ Đại hội Đảng, nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc đã đạt nhiều kết quả quan trọng, tiềm lực quốc phòng được tăng cường. Đặc biệt, “thế trận lòng dân” được củng cố, tăng cường, tạo ra xung lực mới, sức mạnh tổng hợp để bảo vệ Tổ quốc.

Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, thời gian tới, cùng với việc phát huy sức mạnh của toàn Đảng, của cả hệ thống chính trị và của toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, cần phải thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng “thế trận lòng dân” trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

“Đảm bảo sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng nhằm phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng 'thế trận lòng dân' trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân về chủ trương xây dựng 'thế trận lòng dân', phát huy dân chủ, tạo sự đồng thuận trong thực hiện yêu cầu, nhiệm vụ của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới. Đẩy mạnh đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng về chủ trương xây dựng 'thế trận lòng dân', trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc", Bộ trưởng Tô Lâm cho biết.

Bộ trưởng Tô Lâm lưu ý việc tăng cường vai trò nòng cốt, tiên phong của QĐND, CAND để xây dựng "thế trận lòng dân" ở mọi vùng, miền Tổ quốc, đặc biệt ở những vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và trong đồng bào ở nước ngoài. Đẩy mạnh đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng về chủ trương xây dựng "thế trận lòng dân" trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Tăng cường xây dựng, củng cố chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh theo hướng gần dân, không ngừng chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Sau hội thảo, Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc những ý kiến đóng góp của các đại biểu để tiếp tục bổ sung, chỉnh lý, hoàn thiện lý luận khoa học về giữ vững lòng dân và xây dựng "thế trận lòng dân", vận dụng những giải pháp phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong thời kỳ mới.

Theo Phương Liên/baochinhphu.vn

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/giu-vung-long-dan-va-xay-dung-the-tran-long-dan-trong-bao-ve-to-quoc.html