Giúp người dân sớm an cư

Nhằm sớm ổn định cuộc sống, tạo sinh kế, đảm bảo các biện pháp an toàn cho người dân bị ảnh hưởng do thiên tai, mưa bão, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều biện pháp, tập trung mọi nguồn lực, tạo điều kiện cho người dân sớm an cư.

Để đảm bảo sinh kế, người dân một số thôn, bản ở các huyện vùng cao dù di dời đến nơi ở mới song vẫn canh tác, sản xuất tại nơi ở cũ.

Để đảm bảo sinh kế, người dân một số thôn, bản ở các huyện vùng cao dù di dời đến nơi ở mới song vẫn canh tác, sản xuất tại nơi ở cũ.

Ảnh hưởng của mưa bão vừa qua, gây thiệt hại nặng nề về tài sản và hoa màu ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Một số huyện vùng cao xảy ra tình trạng lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Trước tình hình trên, ngành chức năng đã chủ động di dời người dân đến nơi an toàn, đồng thời nghiên cứu, đề xuất phương án xây dựng các khu tái định cư (TĐC) mới trong trường hợp không thể xử lý ổn định tại chỗ...

Thời gian gần đây, ở bản Muỗng, xã Trung Xuân thường xuyên xảy ra ra tình trạng nứt, sụt lún, trước đây chỉ ở trên núi, phạm vi nhỏ, hiện nay, xuất hiện thêm các vết nứt mới ở gầm nhà, sân, tường nhà, tường rào, đường giao thông nội bản. Một số vết nứt cũ nay rộng hơn khiến các hộ dân đứng trước mối nguy hiểm đến tính mạng, tài sản. Theo trưởng bản Hà Văn Niêm cho biết: Bản Muỗng hiện có 39 hộ với 185 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào Thái sinh sống dọc theo tả ngạn sông Lò, bên các sườn đồi, khe, suối. Kinh tế dựa vào phát triển chăn nuôi, trồng trọt, khai thác lâm sản. Nhằm đảm bảo an toàn, tính mạng cho người dân, vừa qua, huyện Quan Sơn, chính quyền địa phương và bà con bản Muỗng đã họp bàn và thống nhất di dời các hộ bị ảnh hưởng đến nơi ở mới tại bản Phụn cách đó không xa.

Từ ngày chuyển đến nơi ở mới tại bản Phụn, chị Vi Thị Tuệ cùng 7 thành viên còn lại trong gia đình sinh sống trong ngôi nhà được dựng tạm bợ bằng tre, luồng. Ngoài chiếc tivi cũ, các vật dụng phục vụ sinh hoạt không có gì đáng giá. Do chật hẹp lại đông người nên phải chia nhau không gian sinh hoạt. Theo chị Tuệ cho biết: Nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương, các hộ dân được hưởng một số tiện ích như điện lưới, nước sinh hoạt. Về sinh kế, ngoài canh tác trên diện tích đất cũ, gia đình còn tận dụng nguồn nước mặt để nuôi cá, chăn nuôi thêm ít gà, vịt... cải thiện thu nhập, có điều kiện nuôi con cái ăn học. Dù vậy, về lâu dài, rất mong Nhà nước quan tâm, sớm triển khai xây dựng khu TĐC mới cho các hộ trong bản để ổn định cuộc sống.

Sau khi di dời đến nơi ở tạm tại bản Phụn, bà con bản Muỗng (xã Trung Xuân, huyện Quan Sơn) tận dụng nguồn nước mặt để nuôi cá lồng.

Sau khi di dời đến nơi ở tạm tại bản Phụn, bà con bản Muỗng (xã Trung Xuân, huyện Quan Sơn) tận dụng nguồn nước mặt để nuôi cá lồng.

Cuối tháng 9, đầu tháng 10 vừa qua tại bản Suối Tút, xã Quang Chiểu (Mường Lát) xuất hiện điểm sạt lở có chiều dài khoảng 100m, cùng với đó là nhiều vết nứt và sạt trượt dần xuống chân đồi cách bản khoảng 500m, gây nguy cơ mất an toàn cho 10 hộ/39 nhân khẩu cùng 1 điểm lẻ của Trường Tiểu học Quang Chiểu 1. Trước tình hình trên, UBND huyện Mường Lát đã chỉ đạo khẩn cấp, huy động lực lượng, hỗ trợ di dời các hộ dân đến nơi an toàn.

Ông Vi Văn Thứ, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Chiểu cho biết: Để ổn định cuộc sống cho các hộ dân bản Suối Tút, ngoài việc đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền, hỗ trợ sinh kế thông qua tổ chức một số lớp đào tạo nghề, định hướng chuyển đổi nghề, xây dựng mô hình phát triển sản xuất... Vừa qua, lãnh đạo huyện đã tổ chức đoàn công tác làm việc với UBND xã Quang Chiểu về kiểm tra, rà soát bố trí đất ở và triển khai chủ trương xây dựng khu TĐC theo hình thức xen ghép đối với 10 hộ/39 nhân khẩu của bản. Theo đó, vị trí, địa điểm xây dựng thuộc địa phận giáp ranh liền kề bản Suối Tút (thuộc đất Đồn Biên phòng Quang Chiểu quản lý). Còn lại 8 hộ có nguy cơ thấp của bản sẽ bố trí ổn định vào giai đoạn sau, cách nơi ở cũ khoảng 100m... Hiện tại, khu TĐC xen ghép đã hoàn thành khoảng 65% khối lượng công trình, dự kiến cuối năm nay sẽ hoàn thành, đi vào hoạt động.

Mẹ con chị Vi Thị Tuệ (bản Muỗng) tại khu ở tạm tại bản Phụn, xã Trung Xuân, huyện Quan Sơn.

Mẹ con chị Vi Thị Tuệ (bản Muỗng) tại khu ở tạm tại bản Phụn, xã Trung Xuân, huyện Quan Sơn.

Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quan Sơn, do ảnh hưởng của cơn bão số 4 và hoàn lưu sau bão vừa qua, trên địa bàn huyện xảy ra nhiều điểm sạt lở, nứt, sụt lún đất, đá khu dân cư tại một số thôn, bản... Trước tình hình trên, ngày 11/10/2024, UBND huyện đã ban hành Quyết định số 1854/QĐ-UBND về phương án ứng phó tình huống khẩn cấp sạt lở đất đồi tại bản Cha Khót (xã Na Mèo) và sụt lún đất, nứt khu dân cư bản Muỗng (xã Trung Xuân). Đồng thời, yêu cầu các xã, thị trấn phối hợp chặt chẽ với các phòng, ban, đơn vị chuyên môn có liên quan tổ chức kiểm tra, khảo sát, đánh giá cụ thể về phạm vi, quy mô, mức độ sạt lở, sụt lún đất, nứt đồi và xác định các khu TĐC mới đảm bảo an toàn. Trên cơ sở tổng hợp, UBND huyện sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định hỗ trợ kinh phí đầu tư và triển khai thực hiện xây dựng các khu TĐC nhằm sớm đảm bảo ổn định cuộc sống cho các hộ dân bị ảnh hưởng.

Với đặc thù địa hình bị chia cắt nhiều đồi núi, sông suối, do vậy huyện Mường Lát thường xuyên bị ảnh hưởng thiên tai. Đặc biệt, mùa mưa lũ, tình trạng sạt lở đất, đá đe dọa đến tài sản, tính mạng của người dân. Cùng với việc tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân, những năm qua, huyện đã triển khai quy hoạch, xây dựng các dự án khu TĐC cấp bách bố trí, ổn định dân cư vùng thiên tai. Đến nay, bên cạnh việc xây dựng các khu TĐC xen ghép, huyện cũng đã lập phương án xây dựng 8 khu TĐC tập trung. Hiện tại, khu TĐC ở bản Ón, xã Tam Chung đã hoàn thành; còn khu TĐC bản Ún, xã Mường Lý dự kiến cuối năm hoàn thành, 6 khu TĐC còn lại hiện đang điều chỉnh dự án...

Bài và ảnh: Trung Lê

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/giup-nguoi-dan-som-an-cu-34180.htm