Gỡ nút thắt trong phân luồng học sinh phổ thông
Nhằm tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông, góp phần chuyển biến mạnh mẽ công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông (THPT), từ nhiều năm nay, công tác định hướng, hướng nghiệp được các cơ sở giáo dục đặc biệt quan tâm.
Theo Bộ Giáo dục và đào tạo, mục tiêu của việc phân luồng học sinh vào học các trình độ giáo dục nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương, đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực quốc gia, hội nhập khu vực và quốc tế. Chính vì thế, ngày 14-5-2018, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025. Đề án này nhấn mạnh việc đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục hướng nghiệp, gắn kết với thực tiễn sản xuất và nhu cầu xã hội, đồng thời thúc đẩy các biện pháp phân luồng học sinh sau THCS và trung THPT vào giáo dục nghề nghiệp.
Mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%. Ít nhất 45% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 35%.
Sau hơn 5 năm thực hiện đề án, đến nay nhiều mục tiêu quan trọng mà đề án đặt ra đã đạt và vượt chỉ tiêu, như tỷ lệ các trường tổ chức chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn liền với thực tiễn sản xuất, kinh doanh và dịch vụ của địa phương; tỷ lệ trường có giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp cấp THCS và THPT… Tuy nhiên, việc thực hiện đạt 40% học sinh tốt nghiệp THCS và 45% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp rất khó thực hiện, hiện con số này ở nhiều địa phương mới chỉ đạt 20-30%.
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV vừa qua, khi thảo luận về nội dung này, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ phân luồng còn thấp. Trong đó, có 3 nguyên nhân chủ yếu, chính là tâm lý của phụ huynh học sinh không muốn con học trường nghề vẫn còn khá phổ biến; chất lượng đào tạo của các cơ sở dạy nghề còn hạn chế nên chưa thu hút được học sinh và công tác tư vấn, hướng nghiệp tại các trường phổ thông vẫn thiếu sự đầu tư cần thiết cả về nhân lực lẫn tài chính để đổi mới phương pháp tư vấn, hướng nghiệp theo hướng chuyên sâu, hiện đại.
Đây là những nút thắt rất cần được tháo gỡ nếu muốn tăng tỷ lệ học sinh phân luồng sau THCS và THPT trong thời gian tới.