Góc nhìn hôm nay: Giá điện 2 thành phần

Bộ Công Thương đang xây dựng cách tính giá bán lẻ điện 2 thành phần để thay thế cho cách tính giá điện chỉ theo 1 thành phần là sản lượng điện tiêu thụ với 6 bậc hiện nay. 30 năm qua, cách tính giá bán lẻ điện đã thay đổi rất nhiều lần từ 2 bậc lên 3 bậc năm 1994 rồi 4 bậc năm 1995, 5 bậc 6 bậc, 7 bậc rồi lại quay về 6 bậc cho đến nay và rất có thể sẽ còn 5 bậc trong thời gian tới. Mỗi lần thay đổi cách tính giá điện đều gây không ít khó khăn tốn kém cho ngành điện, người dân và cả xã hội. Vậy tại sao phải thay đổi cách tính giá điện? Chương trình hôm nay là một góc nhìn về sự cần thiết của việc xây dựng và áp dụng cách tính giá điện mới – giá điện 2 thành phần.

Cách đây 10 năm, tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu, xây dựng và trình Thủ tướng xem xét phê duyệt Cơ chế giá bán điện hai thành phần. Nhưng phải đến thời điểm này, khi dường như điều kiện kỹ thuật đã cho phép, Bộ Công Thương vừa bắt đầu chính thức triển khai xây dựng cơ chế giá bán điện 2 thành phần.

Cơ chế giá bán điện hai thành phần gồm giá điện năng và giá công suất. Trong đó giá công suất là một khoản tiền cố định khách hàng phải trả hàng tháng dựa trên nhu cầu sử dụng điện tối đa.
Đơn cử như khi mua một máy phát điện cho gia đình, người mua sẽ cần liệt kê tất cả các thiết bị điện có thể được sử dụng cùng một lúc, tính tổng công suất các thiết bị này gọi là công suất tối đa. Công suất máy phát điện cần mua phải lớn hơn công suất tối đa, cho dù trừ lúc cao điểm, mức công suất này dư thừa phần lớn thời gian trong ngày. Giá mua máy phát điện trả dần có thể coi như giá công suất.

Còn giá điện năng là giá tính theo số điện tiêu thụ. Người dùng điện sử dụng bao nhiêu kwh điện thì trả bấy nhiêu tiền. Liên hệ với việc sử dụng máy phát điện thì giá điện năng có thể coi là giá mua nhiên liệu.

Hiện giá bán lẻ điện đang được tính gộp cả 2 yếu tố công suất và điện năng tương tự như giá mua máy phát điện (hay còn gọi là khấu hao) và giá mua nhiên liệu.

Trong hệ thống điện quốc gia hiện nay, các nhà máy phát điện phải đảm bảo có tổng công suất đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện cả nước trong lúc cao điểm. Đơn cử như trong ngày cao điểm nắng nóng giữa tháng 6/2024 công suất sử dụng cả nước lên tới gần 50.000 MW tương đương với 10 triệu máy phát điện 5kW (thường dùng cho 1 hộ gia đình có tủ lạnh, máy điều hòa). Trong khi trong ngày bình thường, tổng công suất phát điện cả nước chỉ cần khoảng 35.000 MW tương đương 7 triệu máy phát điện 5kW, tức là lúc bình thường hệ thống điện dư ít nhất 3 triệu máy phát điện so với cao điểm.

Để đảm bảo an ninh cấp điện quốc gia, ngành điện sẽ không chỉ cần đầu từ dư hay dự phòng 3 triệu máy phát điện mà cần gấp nhiều lần con số đó, đặc biệt khi hệ thống đang huy động tối đa những nguồn điện không ổn định như điện gió, mặt trời.

Mời các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Xuân Tiến

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/goc-nhin-hom-nay-gia-dien-2-thanh-phan-229398.htm