Góp ý dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ

Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông (ATGT) đường bộ vừa được công bố rộng rãi trên Cổng thông tin của Chính phủ và Bộ Công an để lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân.

Hành vi dừng, đậu xe dưới lòng đường vừa gây cản trở giao thông vừa nguy hiểm cho bản thân. Ảnh: Đ.PHÚ

Hành vi dừng, đậu xe dưới lòng đường vừa gây cản trở giao thông vừa nguy hiểm cho bản thân. Ảnh: Đ.PHÚ

Với 8 chương, 62 điều, dự thảo Luật Trật tự, ATGT đường bộ được dư luận đánh giá có nhiều quy định mới, tiến bộ, phù hợp với công tác đảm bảo trật tự, ATGT hiện nay.

* Đối tượng điều chỉnh khuôn hẹp theo đặc thù

Bộ Công an đề xuất tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thành 2 luật riêng là Luật Giao thông đường bộ sửa đổi và Luật Trật tự, ATGT đường bộ.

Theo đó, Luật Giao thông đường bộ sửa đổi có phạm vi điều chỉnh về quy tắc giao thông đường bộ, kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; phương tiện và người tham gia giao thông đường bộ, vận tải đường bộ và quản lý nhà nước về giao thông đường bộ.

Trong khi đó, Luật Trật tự, ATGT đường bộ chỉ quy định về quy tắc giao thông đường bộ; điều kiện phương tiện tham gia giao thông đường bộ; người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ; chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ; giải quyết tai nạn giao thông đường bộ; tuần tra, kiểm soát về trật tự, ATGT đường bộ; quản lý nhà nước về trật tự, ATGT đường bộ.

Theo các chuyên gia pháp lý, việc xây dựng, ban hành và tách riêng 2 luật trên nhằm tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, luật hóa các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên và khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Nhất là việc tách riêng như vậy phù hợp với xu hướng xây dựng các đạo luật cụ thể, có phạm vi điều chỉnh hẹp, tập trung vào một lĩnh vực, quy định chi tiết để áp dụng ngay được, hạn chế việc phải đợi ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.

Các hành vi bị nghiêm cấm không chỉ được dự thảo Luật Trật tự, ATGT đường bộ quy định cụ thể từ Khoản 1 đến Khoản 18 của Điều 8 mà còn cụ thể thêm tại một trong các điều từ Điều 9 đến Điều 32 của dự thảo. Trong đó có nhiều quy định cấm được đánh giá là rất cần thiết nhằm bảo vệ an toàn cho người dân khi tham gia giao thông, nhất là trẻ em.

Cụ thể như: cấm trẻ em dưới 10 tuổi hoặc chiều cao dưới 1,35m được chở trên xe ô tô con được ngồi cùng hàng ghế của người lái xe khi tham gia giao thông đường bộ; cấm việc để trẻ em dưới 4 tuổi không được chở bằng ghế thiết kế dành cho trẻ em (trừ xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo quy định của pháp luật đường bộ). Ngoài ra dự thảo cũng quy định, người lái xe có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn việc thắt dây an toàn cho trẻ em…

* Vẫn cần chỉnh sửa cho phù hợp

Tại Khoản 1, Điều 31, dự thảo Luật Trật tự, ATGT đường bộ quy định, người lái xe mô tô 2 bánh, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô, xe gắn máy chỉ được chở một người, trừ những trường hợp sau thì được chở tối đa 2 người: chở người bệnh đi cấp cứu, người già yếu hoặc người khuyết tật…

“Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông phải có sức khỏe phù hợp với từng loại phương tiện được phép điều khiển. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về tiêu chuẩn sức khỏe, việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe, xây dựng cơ sở dữ liệu về khám sức khỏe của người lái xe” - Khoản 3, Điều 40, dự thảo Luật Trật tự, ATGT đường bộ quy định.

Theo ông Cao Văn Tiến (ngụ P.Tân Mai, TP.Biên Hòa) thì điều luật quy định như vậy chưa rõ, dễ gây hiểm nhầm. Nếu điều luật quy định như vậy, có thể hiểu người lái xe mô tô 2 bánh được phép chở 2 người cùng lúc là 2 người bệnh đi cấp cứu, hoặc 2 người già yếu, hay 2 người khuyết tật. Mà xe mô tô 2 bánh, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô, xe gắn máy chở như vậy thì nguy hiểm quá.

Do đó, theo ông Tiến, điều luật nên quy định lại như sau cho rõ hơn: “Người lái xe mô tô 2 bánh, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô, xe gắn máy chỉ được chở 1 người, trừ những trường hợp sau thì được chở tối đa 2 người: chở kèm người bệnh đi cấp cứu; chở kèm người già yếu hoặc người khuyết tật và họ phải được ngồi giữa người theo kèm với người lái xe”.

Ngoài ra, tại Khoản 2, Điều 34, dự thảo Luật Trật tự, ATGT đường bộ có quy định, UBND cấp tỉnh quy định cụ thể điều kiện, phạm vi hoạt động của xe thô sơ tại địa phương. Theo luật gia Nguyễn Thanh Tấn (Hội Luật gia tỉnh), việc phân quyền cho UBND cấp tỉnh quy định cụ thể điều kiện, phạm vi hoạt động của xe thô sơ tại địa phương, đọc qua thì thấy hợp lý. Tuy nhiên, khi nghiền ngẫm kỹ quy định thì thấy còn chưa rõ. Chẳng hạn, nếu UBND cấp tỉnh không hướng dẫn được và hướng dẫn không kịp thời vấn đề này với lý do chưa có nghị định, thông tư hướng dẫn thì sao?

Do đó, luật gia Nguyễn Thanh Tấn góp ý, điều luật nên điều chỉnh lại như sau: Khi có nghị định, thông tư hướng dẫn, UBND cấp tỉnh phải quy định cụ thể điều kiện, phạm vi hoạt động của xe thô sơ tại địa phương. Lúc này trách nhiệm ban hành văn bản quy phạm pháp luật của UBND cấp tỉnh về vấn đề trên sẽ rõ ràng, không bị lúng túng hay sợ bị tuýt còi. Đồng thời qua đó giúp UBND cấp tỉnh thuận lợi và có cơ sở, căn cứ để ban hành quy định cho phù hợp với tình hình địa phương.

Đoàn Phú

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/bandoc/202307/gop-y-du-thao-luat-trat-tu-an-toan-giao-thong-duong-bo-3171768/