GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam chỉ đạo về đổi mới mô hình trung tâm học tập cộng đồng

Ngày 11/12, Đoàn công tác của Hội Khuyến học Việt Nam do GS.TS Nguyễn Thị Doan, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam làm trưởng đoàn làm việc với Hội Khuyến học Thái Bình về đổi mới trung tâm học tập cộng đồng thời kỳ chuyển đổi số.

GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam chỉ đạo về đổi mới mô hình trung tâm học tập cộng đồng.

GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam chỉ đạo về đổi mới mô hình trung tâm học tập cộng đồng.

Cùng dự buổi làm việc có Chủ tịch Hội Khuyến học Thái Bình Vũ Mạnh Hiền, Giám đốc Trung tâm Tư vấn ứng dụng phát triển nông nghiệp và môi trường Phạm Thị Thu Hòa, Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên, Sở Giáo dục Thái Bình Đặng Thị Minh Hưng.

Hiện, Thái Bình có các trung tâm học tập cộng đồng tại các xã, phường, thị trấn nhằm tạo cơ hội học tập suốt đời cho mọi đối tượng, đặc biệt là nhóm dân cư nông thôn. Trung tâm Học tập cộng đồng không chỉ hỗ trợ người dân tiếp cận kiến thức mà còn góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng xã hội học tập.

Trung tâm Học tập cộng đồng tại Thái Bình được xây dựng từ năm 1999 và đã phủ khắp 100% xã, phường, thị trấn từ năm 2006. Các Trung tâm học tập cộng đồng đã triển khai hiệu quả các chương trình nâng cao dân trí, đào tạo nghề, phát triển kỹ năng và nhận thức xã hội, góp phần xây dựng nông thôn mới và xã hội học tập.

Buổi làm việc phân tích, thảo luận về đổi mới hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng. Ảnh: Quốc Thành

Buổi làm việc phân tích, thảo luận về đổi mới hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng. Ảnh: Quốc Thành

Tuy nhiên, trong bối cảnh của nền kinh tế tri thức, thời đại số, kỷ nguyên số, yêu cầu phát triển, chia sẻ tri thức và đa dạng hóa cơ hội học tập của người dân, các Trung tâm học tập cộng đồng đang bộc lộ những bất cập, hạn chế, hoạt động kém hiệu quả, chất lượng thấp, mang tính hình thức, cầm chừng, thiếu cơ sở vật chất, kinh phí, đội ngũ cán bộ yếu chuyên môn và sự tham gia hạn chế của người dân, đặc biệt là lao động trẻ. Nội dung đào tạo còn chưa đa dạng và hiện đại, hoạt động của các trung tâm này tại Thái Bình cũng gặp phải không ít thách thức, khó khăn.

Để thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng, tỉnh Thái Bình đang triển khai nhiều giải pháp cụ thể và hiệu quả. Trước hết, tỉnh tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, bao gồm việc trang bị máy tính, đường truyền internet tốc độ cao, và các thiết bị hỗ trợ giảng dạy hiện đại như máy chiếu, bảng thông minh. Bên cạnh đó, các nền tảng số như website, thư viện điện tử và các ứng dụng học tập trực tuyến được phát triển và vận hành nhằm cung cấp tài liệu học tập đa dạng, dễ tiếp cận.

Đào tạo và nâng cao kỹ năng công nghệ cho đội ngũ cán bộ và giáo viên tại các Trung tâm Học tập cộng đồng cũng là một ưu tiên quan trọng. Nhiều lớp tập huấn chuyên sâu được tổ chức để giúp họ sử dụng thành thạo các công cụ công nghệ, từ đó nâng cao hiệu quả giảng dạy và quản lý. Ngoài ra, tỉnh đẩy mạnh việc tổ chức các khóa học trực tuyến trên các nền tảng phổ biến như Zoom, Google Meet, cũng như tận dụng mạng xã hội như Zalo, Facebook để kết nối và hỗ trợ học viên.

Một giải pháp khác là phát triển nội dung học tập số hóa với các chuyên đề thiết thực như kỹ năng số, thương mại điện tử, và nông nghiệp thông minh đặc biệt cho người lớn. Tỉnh cũng áp dụng công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) vào giảng dạy, giúp học viên có trải nghiệm học tập sinh động và thực tiễn hơn. Để khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, các mô hình học tập trực tuyến kết hợp với trò chơi hóa (gamification) được áp dụng nhằm tạo hứng thú và động lực học tập.

Tỉnh Thái Bình tích cực huy động sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp công nghệ, tổ chức phi chính phủ, và các quỹ phát triển để đảm bảo nguồn lực tài chính và kỹ thuật cho quá trình chuyển đổi số. Nhờ các giải pháp này, Trung tâm học tập cộng đồng tại Thái Bình đang dần trở thành hình mẫu trong việc áp dụng công nghệ số vào xây dựng xã hội học tập bền vững.

Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các cơ quan liên quan cùng bàn về đổi mới hoạt động trung tâm học tập cộng đồng tỉnh Thái Bình. Ảnh: Quốc Thành

GS.TS Nguyễn Thị Doan đánh giá cao mô hình học tập cộng đồng tại Thái Bình

Làm việc với Hội Khuyến học tỉnh Thái Bình, GS.TS Nguyễn Thị Doan phát biểu chỉ đạo đánh giá cao việc mạch dạn nghiên cứu đổi mới mô hình Trung tâm Học tập cộng đồng theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề yêu cầu đổi mới mô hình trung tâm học tập cộng đồng trong bối cảnh chuyển đổi số và nhân rộng ra cả nước.

Thái Bình đã tiên phong thực hiện mô hình, tuy còn mới ở 4 trung tâm nhưng đã khẳng định tính đúng đắn của mô hình đổi mới, khẳng định tính đúng đắn của mô hình, nâng cao dân trí, tạo cơ hội cho tất cả mọi người học tập. Đối tượng học viên ngày càng đông lên, cần gì học nấy, học theo nền tảng số... Đây là các mô hình cần được nhân rộng.

Muốn xây dựng xã hội học tập ở Thái Bình cần đảm bảo môi trường học tập cho người dân, đảm bảo kinh phí hoạt động cho người học tập. Và mô hình trung tâm học tập cộng đồng như vậy rất có hiệu quả.

Quốc Thành

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/gsts-nguyen-thi-doan-chu-tich-hoi-khuyen-hoc-viet-nam-chi-dao-ve-doi-moi-mo-hinh-trung-tam-hoc-tap-cong-dong-179241211182812538.htm