Hà Nội: Bồi dưỡng tư tưởng, khơi dậy niềm tự hào dân tộc cho học sinh

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hòa - Trưởng phòng Trưng bày - Tuyên truyền (Bảo tàng Hà Nội) cho biết, những năm qua, công tác giáo dục lịch sử, truyền thống cách mạng thông qua các hoạt động ngoại khóa ở Bảo tàng Hà Nội đã góp phần tích cực vào việc bồi dưỡng tư tưởng, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, khơi dậy tình yêu quê hương đất nước cho các em học sinh.

Giáo dục, trải nghiệm về Cách mạng Tháng Tám cho học sinh tại Bảo tàng Hà Nội. Ảnh: Gia Huy

Giáo dục, trải nghiệm về Cách mạng Tháng Tám cho học sinh tại Bảo tàng Hà Nội. Ảnh: Gia Huy

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Hòa, Bảo tàng Hà Nội thường xuyên phối hợp với các cơ sở giáo dục để xây dựng những nội dung chuyên đề phù hợp, đưa bảo tàng thành lớp học thực tế cho học sinh để giúp cho các chương trình giáo dục được đổi mới và đạt hiệu quả tốt hơn.

Mới đây nhất, Bảo tàng Hà Nội phối hợp với các trường học trên địa bàn TP Hà Nội tổ chức hoạt động giáo dục, trải nghiệm chủ đề Cách mạng Tháng Tám cho các em học sinh.

Nội dung hoạt động giáo dục, trải nghiệm Cách mạng Tháng 8 năm 1945 tại Bảo tàng Hà Nội mang thông điệp: Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã mở ra bước ngoặt lớn của cách mạng, đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội

Tại đây, các em học sinh được giới thiệu vai trò và ý nghĩa của thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là thắng lợi của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, truyền thống yêu nước nồng nàn và ý chí quật cường của nhân dân ta. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, một dấu mốc quan trọng trong lịch sử.

Tại khu vực trải nghiệm còn trưng bày nhiều bức ảnh tư liệu về thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Đó là ảnh: Cờ đỏ sao vàng tung bay trên Quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội ngày 17/8/1945; nhân dân Hà Nội mít tinh tại Nhà hát lớn Hà Nội ngày 17/8/1945; cuộc mít tinh của quần chúng nhân dân trên phố Tràng Tiền ngày 19/8/1945; nhân dân giành chính quyền tại Bắc Bộ Phủ ngày 19/8/1945; đông đảo nhân dân tập trung tại Quảng trường Ba Đình nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ngày 2/9/1945...

Các học sinh cũng được tìm hiểu lịch sử thông qua nhóm hiện vật: Tờ truyền đơn kêu gọi phản đối Toàn quyền Nam Dương (thuộc địa Hà Lan) Graef sang Đông Dương; thư "Hỡi quốc dân đồng bào" của Việt Minh tháng 12/1944 kêu gọi vào Việt Minh để cứu nước; tập truyền đơn vạch trần âm mưu của thực dân Pháp, kêu gọi nhân dân tẩy chay những hoạt động của hội Pháp - Việt bác ái.

Đặc biệt, các em cũng được tìm hiểu và cầm thử hiện vật là mã tấu, kèn đồng và thanh kiếm. Mã tấu là một trong những vũ khí tự chế mà đồng chí Đỗ Mười đã vận động nhân dân xã Đội Bình, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Sơn Bình (nay thuộc Hà Nội) rèn vũ khí để cướp chính quyền năm 1945. Chiếc kèn đồng đã được Ban nhạc Giải phóng quân sử dụng để cử hành giai điệu bài hát "Tiến quân ca" trong lễ Tuyên ngôn độc lập trên Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945. Thanh kiếm của nhân dân xã Mỹ Thành, huyện Mỹ Đức (nay thuộc Hà Nội) dùng để cướp chính quyền năm 1945.

Bên cạnh đó, các em còn tham gia hoạt động trải nghiệm "Đi tìm bức tranh lịch sử". Học sinh được quan sát ảnh tư liệu, mỗi bức ảnh đều có chú thích đặt ở phía dưới. Mỗi nhóm sẽ được phát 1 bộ ảnh gồm các bức ảnh thu nhỏ giống ảnh tư liệu đã được quan sát và giới thiệu. Các nhóm học sinh sẽ lần lượt xếp các tấm ảnh nhỏ vào đúng với chú thích của bức ảnh đó.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hòa nhấn mạnh, những năm qua, công tác giáo dục lịch sử, truyền thống cách mạng thông qua các hoạt động ngoại khóa ở Bảo tàng Hà Nội đã góp phần tích cực vào việc bồi dưỡng tư tưởng, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, khơi dậy tình yêu quê hương đất nước cho các em học sinh.

Đào Tuyết

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ha-noi-boi-duong-tu-tuong-khoi-day-niem-tu-hao-dan-toc-cho-hoc-sinh-348920.html