Hà Nội cấm xe không đạt chuẩn từ 2025: Chuyên gia khẳng định 'là điều cần thiết'
Các chuyên gia cho rằng, việc giảm thiểu lượng phát thải từ các phương tiện tham gia giao thông sẽ giúp cải thiện đáng kể chất lượng không khí tại Hà Nội.
Người dân lo lắng khi Hà Nội cấm xe không đạt chuẩn
Trước thông tin Hà Nội sẽ hạn chế hoặc cấm xe ô tô không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 4 và xe mô tô, xe gắn máy không đáp ứng tiêu chuẩn mức 2 chạy vào vùng phát thải thấp theo khung giờ/thời điểm hoặc khu vực, nhiều người dân đang sinh sống tại Thủ đô bày tỏ lo lắng.
Họ cho rằng, việc cấm xe ô tô và xe gắn máy không đạt tiêu chuẩn chạy vào vùng phát thải thấp có thể sẽ làm đảo lộn đời sống sinh hoạt, cũng như khi tham gia giao thông.
Chị Thu Trang (35 tuổi, Hà Nội ) chia sẻ, bản thân sống ở Hoài Đức nhưng nơi làm việc lại ở Ba Đình, hằng ngày chị vẫn lái xe ô tô đi làm từ sáng sớm, tới tối muộn mới về nhà. Điều khiến chị Trang lo lắng là xe ô tô của chị được mua từ năm 2014, đến nay đã sử dụng được 10 năm, không biết xe của chị có đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 4 hay không?
"Quy định nếu được thực hiện từ năm sau thì chắc chắn tôi chưa thể có đủ điều kiện để đổi xe ô tô khác. Còn nếu đổi sang phương tiện là xe máy thì mưa nắng cộng thêm phải di chuyển quãng đường khá xa sẽ rất vất vả. Tôi hiểu rằng Hà Nội quy định như vậy để nhằm giảm thiểu vẫn đề ô nhiễm tại Thủ đô, nhưng nếu thực hiện ngay trong năm tới thì nhiều người sẽ không kịp "trở tay"", chị Trang nói.
Không chỉ mình chị Trang, nhiều người dân đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội cũng có nỗi lo tương tự. Nhất là những người lao động tự do, buôn bán nhỏ, thường sử dụng xe gắn máy cũ kỹ để đi lại trong khu vực nội thành.
Hà Nội cấm các xe không đủ tiêu chuẩn về phát thải là điều cần thiết
Trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho biết, Hà Nội sẽ thí điểm khu vực phát thải thấp ở một khu vực thuộc quận Hoàn Kiếm, Ba Đình từ năm 2025. Sau đó, phạm vi quy định vùng phát thải thấp sẽ áp dụng tại nhiều khu vực ở Hà Nội.
Đối với những vùng này, sẽ hạn chế một số phương tiện đi lại như không cho xe tải hạng nặng đi vào, một số xe ô tô và xe gắn máy không đạt tiêu chuẩn về phát thải cũng sẽ không được đi vào hoặc sẽ phải trả một số tiền nhất định để được đi vào…
"Tôi hoàn toàn ủng hộ nghị quyết này của Hà Nội vì nó sẽ giúp làm giảm tình trạng ô nhiễm không khí. Việc xây dựng khu vực phát thải thấp đã được áp dụng ở rất nhiều nơi trên thế giới và đã cho thấy hiệu quả… Tại Việt Nam, các phương tiện giao thông hiện là một nguồn phát thải chính gây đến ô nhiễm tại các đô thị trong đó có Hà Nội. Để giảm thiểu vấn đề này cần hạn chế việc phát thải từ các phương tiện giao thông", TS Hoàng Dương Tùng nêu ý kiến.
Nói về việc cấm các xe không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải đi vào trong các vùng phát thải thấp có thể sẽ làm ảnh hưởng đến vấn đề đi lại, ảnh hưởng đến sinh hoạt và việc làm của nhiều người, TS Hoàng Dương Tùng cho rằng, vấn đề này người dân có thể yên tâm. Theo ông, việc cấm phương tiện phát thải cao không phải cấm ở toàn Hà Nội, hơn nữa trước khi thực hiện Hà Nội sẽ có những biện pháp để hỗ trợ cho người dân. Cụ thể như tăng cường giao thông công cộng, hay những chính sách để hỗ trợ việc chuyển đổi xe cho người dân.
Cùng quan điểm, PGS.TS Vũ Thanh Ca, nguyên giảng viên cao cấp Trường Đại học Tài nguyên Môi trường cho rằng, nguyên nhân làm chất lượng không khí tại Hà Nội ngày càng kém đi là do sự gia tăng các nguồn thải, chủ yếu là phương tiện giao thông kết hợp với điều kiện thời tiết không thuận lợi, tạo ra nghịch nhiệt.
Hơn nữa, trong số các loại phương tiện giao thông đang được sử dụng ở Việt Nam hiện nay có một số lượng cực lớn xe máy. Nhiều xe máy cũ không được bảo dưỡng định kỳ có mức độ phát thải rất cao và đóng góp khá đáng kể vào mức độ ô nhiễm không khí.
Để không khí sạch hơn, cần phải giảm nguồn thải. Hiện, nước ta đã di dời hầu hết các cơ sở công nghiệp và dịch vụ có phát thải ở mức độ nhất định ra khỏi nội đô. Vấn đề còn lại là phương tiện giao thông.
"Chúng ta đang sử dụng quá nhiều phương tiện giao thông cá nhân nên lượng phát thải từ phương tiện giao thông là rất lớn. Muốn giảm phát thải, cải thiện chất lượng không khí thì phải giảm phương tiện cá nhân, đồng thời tăng phương tiện công cộng để thúc đẩy sự thuận tiện cho việc đi lại của người dân", PGS.TS Vũ Thanh Ca nêu ý kiến.
Ngoài việc sẽ kiểm soát phát thải từ các phương tiện tham gia giao thông, PGS.TS Vũ Thanh Ca cũng cho rằng, để gia tăng chất lượng không khí, Hà Nội đã cần kiểm soát chặt chẽ hơn nữa việc đốt rơm rạ sau vụ thu hoạch hoặc đốt than tổ ong trong nội thành…