Hà Nội định hướng giảm 5 sở, 2 đảng ủy khối, giảm đầu mối bên trong sau khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy

Ngày 13/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài đã ký ban hành Thông báo Kết luận của Thường trực Ban Chỉ đạo TP Hà Nội về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW sau khi tiếp thu ý kiến của Ban Chỉ đạo Trung ương (Thông báo số 07-TB/BCĐ)

Quang cảnh Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ 20.

Quang cảnh Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ 20.

Theo Thông báo trên, ngày 3/12, Thường trực Ban Chỉ đạo TP Hà Nội về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2015 “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” đã họp, cho ý kiến về dự thảo định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị thành phố theo chỉ đạo và định hướng của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương.

Sau khi báo cáo và tiếp thu ý kiến của Ban Chấp hành Đảng bộ TP tại Hội nghị ngày 4/12; đồng thời tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương tại Công văn số 22-CV/BCĐ ngày 5/12/2024 về triển khai nhiệm vụ tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW; trên cơ sở đó, Thường trực Ban Chỉ đạo TP kết luận về định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị thành phố gồm 3 phần lớn: Về nguyên tắc; Một số định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy; Phân công tổ chức thực hiện.

Bảo đảm 4 nguyên tắc

Cụ thể, về nguyên tắc, Thường trực Ban Chỉ đạo TP nêu 4 nội dung.

Một là đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với công tác sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị.

Hai là bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, liên thông; kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển; gắn đổi mới tổ chức bộ máy với nâng cao chất lượng, hiệu quả, đổi mới phương thức lãnh đạo, tinh giản biên chế, cải cách chế độ tiền lương; cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Ba là một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính.

Bốn là khắc phục triệt để chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, chia cắt về địa bàn, lĩnh vực; hạn chế tổ chức trung gian.

Đối với các cơ quan, tổ chức Đảng thành phố

Thông báo nêu một số định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo 5 mục tương ứng với khối các cơ quan. Trong đó, đối với các cơ quan, tổ chức Đảng TP, Thường trực Ban Chỉ đạo TP Hà Nội định hướng:

Thực hiện việc sáp nhập Ban Tuyên giáo Thành ủy và Ban Dân vận Thành ủy.

Kết thúc hoạt động của Đảng ủy Khối các cơ quan thành phố và Đảng ủy Khối doanh nghiệp thành phố.

Báo cáo, xin ý kiến Ban Chỉ đạo Trung ương về việc tiếp tục mô hình Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng thành phố do đặc thù của thành phố là nơi tập trung nhiều trường đại học, cao đẳng.

Thường trực Ban Chỉ đạo TP Hà Nội cũng nêu rõ kết thúc hoạt động 3 Ban cán sự Đảng và 8 đảng đoàn. Đó là Ban Cán sự Đảng UBND TP; Ban Cán sự Đảng Tòa án Nhân dân TP và Ban Cán sự Đảng Viện Kiểm sát Nhân dân TP; 8 đảng đoàn thuộc Thành ủy gồm: Đảng đoàn HĐND TP, Đảng đoàn ủy ban MTTQ TP, Đảng đoàn Liên đoàn Lao động TP, Đảng đoàn Hội Liên hiệp phụ nữ TP, Đảng đoàn Hội Nông dân TP, Đảng đoàn Hội Cựu chiến binh TP, Đảng đoàn Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật TP và Đảng đoàn Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật TP.

Định hướng về thành lập 2 đảng bộ theo từng khối cơ quan Đảng, đoàn thể, HĐND, UBND, tư pháp, Thường trực Ban Chỉ đạo TP nêu cụ thể:

Đảng bộ cơ quan Đảng, đoàn thể, HĐND, Tư pháp TP trực thuộc Thành ủy, gồm các đảng bộ (chi bộ) trong các cơ quan tham mưu, giúp việc của Thành ủy (Ban Tổ chức, Ủy ban Kiểm tra, Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận, Ban Nội chính, Văn phòng Thành ủy), Báo Hà Nội mới, Trường đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong, HĐND, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, viện kiểm sát nhân dân, tòa án nhân dân, các hội quần chúng cấp thành phố do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ.

Đảng bộ chính quyền TP trực thuộc Thành ủy, gồm các Đảng bộ (chi bộ) trong các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp thuộc UBND TP, Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất, Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc, một số doanh nghiệp nhà nước (tùy theo quy mô, tính chất quan trọng của Đảng bộ doanh nghiệp).

Theo Thông báo, Báo Hà Nội mới được định hướng tổ chức lại trên cơ sở sáp nhập 3 cơ quan báo chí của các tổ chức chính trị - xã hội thành phố (Báo Lao động Thủ đô, Báo Phụ nữ Thủ đô và Báo Tuổi trẻ Thủ đô) vào Báo Hà Nội mới. Thường trực Ban Chỉ đạo TP Hà Nội cũng định hướng rà soát lại tất cả hoạt động của các ban chỉ đạo theo hướng kết thúc hoạt động, chỉ giữ lại những ban chỉ đạo có chức năng, nhiệm vụ thực sự cần thiết.

Đối với các cơ quan, đơn vị thuộc UBND thành phố

Đối với các cơ quan, đơn vị thuộc UBND thành phố, Thường trực Ban Chỉ đạo TP Hà Nội định hướng:

Hợp nhất Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính.

Hợp nhất Sở Giao thông vận tải và Sở Xây dựng.

Hợp nhất Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Hợp nhất Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Khoa học và Công nghệ.

Hợp nhất Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Sở Nội vụ; chuyển chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp sang Sở Giáo dục và Đào tạo; chuyển chức năng quản lý nhà nước về bảo trợ xã hội, trẻ em, phòng, chống tệ nạn xã hội sang Sở Y tế.

Thường trực Ban Chỉ đạo TP cũng định hướng chuyển Ban Tôn giáo thuộc Sở Nội vụ về Ban Dân tộc, thành lập Ban Dân tộc - Tôn giáo.

Nghiên cứu, đề xuất phương án sắp xếp đối với các cơ quan báo chí, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước thuộc UBND TP; rà soát lại tất cả hoạt động của các ban chỉ đạo theo hướng kết thúc hoạt động, chỉ giữ lại những ban chỉ đạo có chức năng, nhiệm vụ thực sự cần thiết.

Đối với các cơ quan của Đoàn đại biểu Quốc hội; HĐND thành phố và quận, thị xã

Đối với các cơ quan của Đoàn đại biểu Quốc hội TP; HĐND TP và HĐND quận, thị xã; Thường trực Ban Chỉ đạo TP định hướng tiếp tục giữ nguyên tổ chức bộ máy như hiện nay, cấp thành phố gồm Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố và 4 ban, cấp huyện gồm 2 ban; việc thành lập thêm ban của HĐND các cấp theo Luật Thủ đô năm 2024 sẽ xem xét cụ thể sau khi ổn định tổ chức bộ máy thành phố.

Đối với các ban Đảng, Văn phòng Thành ủy; các sở, ban, ngành thành phố; MTTQ TP, các tổ chức chính trị - xã hội thành phố, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ; Ban Chỉ đạo thành phố Hà Nội định hướng rà soát, tinh gọn, giảm đầu mối bên trong, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Đối với các quận, huyện, thị xã, Thường trực Ban Chỉ đạo TP yêu cầu nghiên cứu, đề xuất sáp nhập, giải thể một số ban, cơ quan, Ban Chỉ đạo cấp ủy cấp huyện; cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện tương tự như ở TP.

Cụ thể, sáp nhập Ban Tuyên giáo và Ban Dân vận quận, huyện, thị ủy; thành lập 2 đảng bộ theo khối: Đảng bộ cơ quan Đảng, đoàn thể, HĐND, tư pháp cấp huyện và Đảng bộ chính quyền cấp huyện; hợp nhất Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội và Phòng Nội vụ, chuyển một số chức năng, nhiệm vụ sang Phòng Giáo dục và Đào tạo và Phòng Y tế; hợp nhất Phòng Tài nguyên và Môi trường và Phòng Kinh tế.

Các quận, huyện, thị xã rà soát lại tất cả hoạt động của các Ban Chỉ đạo theo hướng kết thúc hoạt động, chỉ giữ lại những Ban Chỉ đạo có chức năng, nhiệm vụ thực sự cần thiết.

Cũng trong thông báo trên, Thường trực Ban Chỉ đạo phân công thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể nhằm bảo đảm thực hiện đúng chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương tại Công văn số 22-CV/BCĐ, ngày 6/12/2024 và để đảm bảo bộ máy mới đi vào hoạt động ngay; không để ngắt quãng công việc, không để khoảng trống về thời gian, không để bỏ trống địa bàn, lĩnh vực; không để ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của xã hội, của người dân.

Nguyên Bảo

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ha-noi-dinh-huong-giam-5-so-2-dang-uy-khoi-giam-dau-moi-ben-trong-sau-khi-sap-xep-tinh-gon-bo-may.html