Hà Nội mở rộng thị trường, đẩy mạnh kết nối nông, lâm, thủy sản
Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, phục vụ nhu cầu tiêu dùng thực phẩm sạch cho người tiêu dùng Thủ đổ…
Đây là những nội dung được thảo luận trong Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình phối hợp về bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản giao thương giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố năm 2024 do Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức ngày 29-11.
Bảo đảm nguồn cung - cầu nông sản, thực phẩm
Theo báo cáo của Chi cục Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội), với khả năng tự sản xuất, cung ứng các sản phẩm nông, lâm, thủy sản của Hà Nội cơ bản đáp ứng đối với các sản phẩm thịt lợn, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thủy sản nước ngọt, các nông sản thực phẩm khác khả năng đáp ứng từ 20 đến 70%. Để bù đắp lượng hàng hóa còn thiếu, năm 2024, Sở NN&PTNT Hà Nội và 43 tỉnh, thành phố đã duy trì và hỗ trợ 1.372 chuỗi, tăng 330 chuỗi so với năm 2023. Riêng Hà Nội duy trì 170 chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông, lâm, thủy sản an toàn và 100% chuỗi cung cấp từ các tỉnh, thành phố đều được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc tương đương.
Các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Đồng bằng Sông Cửu Long… cung cấp cho Hà Nội hơn 2.000 tấn gạo/năm; tỉnh Lâm Đồng cung cấp hơn 66.000 tấn rau/năm; tỉnh Hòa Bình cung cấp hơn 2.000 tấn rau, củ, quả các loại; tỉnh Tiền Giang cung cấp cho Hà Nội hơn 200.000 tấn trái cây/năm… Các tỉnh, thành phố trong chương trình phối hợp cũng đẩy mạnh hỗ trợ hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nâng cao giá trị sản phẩm đặc sản vùng miền, tăng cường cấp mã số vùng trồng.
Chi cục trưởng Chi cục Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, công tác phối hợp giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong công tác nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm, xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ thực phẩm nông, lâm, thủy sản được thực hiện thường xuyên. Qua đó, góp phần bảo đảm nguồn cung các sản phẩm nông, lâm, thủy sản, cân đối cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Đại diện Công ty TNHH Dinh dưỡng Hadalifa Nguyễn Thị Hương - một doanh nghiệp chuyên sản xuất và chế biến các sản phẩm nông sản sạch chia sẻ, sản phẩm của doanh nghiệp đã có mặt tại 35 tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó đã vào được các thị trường khó tính, như: Chuỗi mầm non công lập và quốc tế, ký hợp tác vào siêu thị GO Vinh, Lotte Vinh, chuỗi siêu thị Win mart… và xuất khẩu sang Liên bang Nga, Thái Lan... Đặc biệt, thông qua các hội nghị kết nối cung cầu, sản phẩm giữa Hà Nội và các tỉnh, đã giúp công ty tiếp cận nhiều đối tác, nhất là các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị tiện lợi… yêu cầu cao về chất lượng.
Chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phối hợp bảo đảm an toàn thực phẩm, kết nối nông, lâm, thủy sản giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố còn khó khăn, do một số tỉnh, thành phố có số chuỗi cung ứng cho thành phố Hà Nội còn ít so với tiềm năng của tỉnh, như: Tiền Giang (5/108 chuỗi cung ứng về Hà Nội), Phú Thọ (27/123 chuỗi cung ứng về Hà Nội), Sóc Trăng (2/36 chuỗi cung ứng về Hà Nội), Ninh Bình (3/23 chuỗi cung ứng về Hà Nội)... Tỷ trọng sản lượng nông, lâm, thủy sản theo chuỗi của các tỉnh, thành phố tiêu thụ tại Hà Nội chưa cao. Một số chuỗi liên kết chưa hoàn chỉnh, quy mô liên kết vừa và nhỏ, việc liên kết giữa các doanh nghiệp với người sản xuất đôi khi còn chưa chặt chẽ. Kết quả phát triển các chuỗi và số lượng sản phẩm nông sản được đưa về tiêu thụ tại Hà Nội còn chưa đồng đều giữa các địa phương, do việc thực hiện quy hoạch vùng sản xuất ở một số địa phương chưa được quan tâm, chưa có nhiều vùng sản xuất bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, hữu cơ, HACCP...
Để tháo gỡ khó khăn và cung cấp nguồn nông sản sạch, an toàn cho người tiêu dùng Thủ đô, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Đình Hoa cho rằng, trong thời gian tới, các tỉnh, thành phố tăng cường tổ chức sản xuất theo chuỗi quy mô lớn, sản xuất công nghệ cao, bền vững, phát triển chuỗi sản xuất có chứng nhận GAP, GMP, HACCP…. Xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm, phát triển các chuỗi sản phẩm nông, lâm, thủy sản có thế mạnh của tỉnh, thành phố, nhằm gia tăng thị phần các sản phẩm nông, lâm, thủy sản của các địa phương tại Hà Nội. Chủ động phối hợp, thông tin hai chiều về những vấn đề, như: Tình hình dịch bệnh, công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm để thuận lợi trong công tác quản lý; chia sẻ thông tin về cơ chế, chính sách, rà soát danh mục sản phẩm nông sản, thực phẩm địa phương cần kết nối vào các kênh phân phối: Siêu thị, chuỗi thực phẩm, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu của Hà Nội để tổ chức kết nối, tiêu thụ.
Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) Phạm Văn Duy đánh giá cao sự phối hợp giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong công tác nâng cao chất lượng, vệ sinh, an toàn thực phẩm; xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ thực phẩm nông, lâm, thủy sản, góp phần quan trọng bảo đảm nguồn cung thực phẩm trên địa bàn Hà Nội trong mọi tình huống. Thời gian tới, Hà Nội cần giới thiệu các địa điểm thuận lợi tại các quận, huyện, thị xã, kênh phân phối... để hỗ trợ các tỉnh, thành phố tổ chức điểm bán sản phẩm tại Hà Nội theo nhu cầu, tập trung vào dịp lễ, Tết Nguyên đán, mùa thu hoạch nông sản... Các tỉnh, thành phố phải coi trọng chất lượng nông sản cũng như nắm được thông tin các đầu mối cung ứng và yêu cầu các đầu mối bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn, vệ sinh thực phẩm để cung ứng thực phẩm sạch cho thị trường Hà Nội.