Hà Nội: Nâng cao hiệu quả quản lý và giải ngân vốn FDI trên địa bàn

UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Văn bản số 2303/UBND-KTN về việc nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác xúc tiến, thu hút và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn Thành phố.

Hà Nội tăng công tác xúc tiến đầu tư, chấp hành quy định pháp luật về đầu tư, kinh doanh và nâng cao hiệu quả công tác quản lý và giải ngân vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trên địa bàn. (Ảnh minh họa)

Hà Nội tăng công tác xúc tiến đầu tư, chấp hành quy định pháp luật về đầu tư, kinh doanh và nâng cao hiệu quả công tác quản lý và giải ngân vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trên địa bàn. (Ảnh minh họa)

Theo đó, nhằm tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, chấp hành quy định pháp luật về đầu tư, kinh doanh và nâng cao hiệu quả công tác quản lý và giải ngân vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trên địa bàn. UBND Thành phố Hà Nội yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Thành phố và các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan nghiêm túc tập trung triển khai các nội dung công việc sau:

Công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư: Chủ động bám sát định hướng của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Chính phủ, chương trình xúc tiến đầu tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong công tác xây dựng và triển khai chương trình xúc tiến đầu tư hàng năm của Thành phố; tham mưu các nội dung để lãnh đạo Thành phố tham gia các Đoàn Trung ương nhằm thu hút các dự án đầu tư lớn, chất lượng, hiệu quả. Khẩn trương hoàn thiện Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với UBND thành phố Hà Nội; xây dựng nội dung, Chương trình ký kết và báo cáo UBND Thành phố triển khai trong tháng 7/2024.

Đề xuất triển khai, tổ chức kêu gọi Nhà đầu tư thực hiện các dự án theo Danh mục dự án thu hút đầu tư thành phố Hà Nội đợt 1/2024. Thường xuyên rà soát, đề xuất điều chỉnh, bổ sung danh mục dự án thu hút đầu tư, đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu, hiệu quả thu hút đầu tư.

Chủ trì, phối hợp các Sở, ban, ngành, đơn vị liên quan rà soát, chuẩn bị các điều kiện về mặt bằng, đất đai, hạ tầng, lao động… để sẵn sàng đón nhận các Nhà đầu tư, Tập đoàn lớn; đẩy mạnh nâng cấp cơ sở hạ tầng khu công nghiệp đồng bộ để tạo ưu thế cạnh tranh thu hút đầu tư trung và dài hạn.

Giải quyết thủ tục về đầu tư, doanh nghiệp: Tăng cường năng lực cán bộ thực thi, tập trung cải cách thủ tục hành chính và bộ máy hành chính theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ; xử lý nhanh, đúng quy định pháp luật các thủ tục về đầu tư, kinh doanh; tuyệt đối không tùy tiện đặt ra các yêu cầu, điều kiện không phù hợp quy định pháp luật trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính. Trường hợp còn các tồn tại bất cập, không thống nhất khi áp dụng các quy định pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp với các quy định liên quan khác; cần khẩn trương tham mưu, báo cáo và dự thảo văn bản của UBND Thành phố xin ý kiến các Bộ, ngành Trung ương làm căn cứ triển khai thực hiện.

Chủ động tiếp cận, hỗ trợ các Nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư. Tổng hợp các dự án đang gặp khó khăn, vướng mắc, nêu rõ trách nhiệm của từng sở, ngành, đơn vị và báo cáo, đề xuất UBND Thành phố chỉ đạo giải quyết cụ thể.

Công tác giám sát, đánh giá đầu tư: Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư là đầu mối thực hiện các nhiệm vụ về giám sát, đánh giá đầu tư của Thành phố; có trách nhiệm chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư và giám sát, đánh giá dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quản lý.

Cơ quan đăng ký đầu tư có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, đúng thời hạn chế độ báo cáo định kỳ theo quy định, đảm bảo thông tin cập nhật và chất lượng, đặc biệt là chế độ báo cáo trực tuyến trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư.

Thu Quỳnh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/ha-noi-nang-cao-hieu-qua-quan-ly-va-giai-ngan-von-fdi-tren-dia-ban-379661.html