Hà Nội sẽ hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn

Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu các cơ quan liên quan hỗ trợ sách giáo khoa và học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời, đầu tư cơ sở vật chất, giải quyết tình trạng nơi thừa, nơi thiếu giáo viên.

 Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Theo nội dung trong Kế hoạch 270/KH-UBND năm 2024, thì việc hỗ trợ sách giáo khóa cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu các cơ quan liên quan thực hiện các nhiệm vụ sau:

Hằng năm đề nghị các cơ sở giáo dục, các Phòng Giáo dục và Đào tạo rà soát và báo cáo số lượng học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, học sinh vùng sâu, vùng xa, học sinh đồng bào dân tộc thiểu số, học sinh thuộc đối tượng chính sách để trao tặng sách giáo khoa và học bổng hỗ trợ.

Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục phối hợp với các nhà xuất bản, các tổ chức đoàn thể, tổ chức chương trình tặng sách giáo khoa, học bổng hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Yêu cầu các nhà trường bổ sung sách giáo khoa cho các thư viện trường học, tổ chức cho học sinh mượn sách giáo khoa để học tập; vận động học sinh quyên góp, ủng hộ sách giáo khoa cũ vào thư viện để học sinh các lớp sau, các học sinh có hoàn cảnh khó khăn được mượn và sử dụng sách giáo khoa hiệu quả.

Ngoài ra, tại Nghị quyết 32/NQ-CP năm 2024, thì việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông do Chính phủ ban hành yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện các nhiệm vụ sau:

Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ tại địa phương; thực hiện linh hoạt, bố trí, sắp xếp giáo viên bảo đảm đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu theo quy định; tiếp tục tuyển dụng bảo đảm đủ số biên chế được giao tại Quyết định 72-QĐ/TW năm 2022 của Bộ Chính trị; thực hiện đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên theo lộ trình.

Tập trung đầu tư kiên cố hóa trường lớp học, xóa phòng học tạm; phát triển trường lớp học ở các khu vực có dân số tăng nhanh, khu vực đông dân cư.

Bảo đảm đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu phục vụ triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018; quản lý, sử dụng hiệu quả thiết bị dạy học.

Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; tiếp tục ưu tiên ngân sách địa phương cho giáo dục và đào tạo. Bố trí đầy đủ và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, nhất là nguồn vốn từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, đề án, dự án đã được phê duyệt.

Bố trí ngân sách thực hiện việc lựa chọn sách giáo khoa; in, phát hành tài liệu giáo dục địa phương; sách chữ nổi Braille cho người khiếm thị. Ưu tiên bố trí kinh phí hợp đồng giáo viên theo Nghị định 111/2022/NĐ-CP.

Xây dựng phương án và triển khai thực hiện việc hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, vùng sâu, vùng xa, học sinh đồng bào dân tộc thiểu số, học sinh thuộc đối tượng chính sách.

Ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, giá, phí dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước đối với các cơ sở giáo dục phổ thông.

Kim Quyên

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/ha-noi-se-ho-tro-sach-giao-khoa-cho-hoc-sinh-co-hoan-canh-kho-khan-178133.html