Hà Nội yêu cầu 'xe khách không được chở quá 20 người'

Hà Nội quán triệt ôtô khách không được chở quá 50% số chỗ và không được quá 20 khách đối với các xe cỡ lớn. 'Kể cả xe 80 chỗ cũng không được chở quá 20 khách', Phó chủ tịch TP nói.

Tại phiên họp chiều 3/2, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Hà Nội cho biết đến nay, TP đã xác định được 21 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.

Những ca này đều liên quan đến ổ dịch tại Hải Dương, Quảng Ninh. Các đơn vị đã xác định được 757 trường hợp F1, 711 mẫu xét nghiệm đã cho âm tính lần 1; 29 mẫu đang chờ kết quả và 17 mẫu dương tính.

Để phòng ngừa các nguy cơ làm lây lan dịch bệnh trên địa bàn, Phó chủ tịch Hà Nội Chử Xuân Dũng đồng ý với đề xuất của Sở Giao thông Vận tải về việc hạn chế số người sử dụng các loại xe dịch vụ, hợp đồng, xe buýt trên địa bàn.

Ông Dũng quán triệt nguyên tắc xe khách không được chở quá 50% số chỗ và không được quá 20 khách đối với các xe cỡ lớn. "Kể cả xe 80 chỗ ngồi cũng không được chở quá 20 khách", Phó chủ tịch thành phố nhấn mạnh.

Báo cáo về tình hình dịch, Phó giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh cho biết nguồn dịch hiện nay chỉ xuất hiện ở Hải Dương, Quảng Ninh, còn Hà Nội chưa có ca mắc mới mang nguồn lây từ nội địa. Vì vậy, có thể tạm yên tâm đã khoanh vùng và thực hiện các biện pháp phòng dịch hiệu quả.

 Ông Hoàng Đức Hạnh lo ngại dịch vẫn có nguy cơ bùng phát vì nhiều F0 còn trong cộng đồng. Ảnh: Lê Trung.

Ông Hoàng Đức Hạnh lo ngại dịch vẫn có nguy cơ bùng phát vì nhiều F0 còn trong cộng đồng. Ảnh: Lê Trung.

Tuy nhiên, ông Hạnh lo ngại các ca bệnh có lịch trình đi lại dày đặc, phức tạp, nguy cơ lây lan ở cộng đồng vẫn rất cao. Dự báo những ngày tới vẫn có thể phát hiện trường hợp mắc mới trong cộng đồng.

"Phải quyết liệt truy vết hết được các trường hợp F0 thì mới có hy vọng sớm khống chế được dịch", lãnh đạo Sở Y tế thể hiện quan điểm.

Đánh giá cao các đơn vị rất quyết liệt trong truy vết, cách ly trường hợp tiếp xúc, song lãnh đạo Sở Y tế đề nghị Phòng Y tế các quận, huyện cần tham mưu kỹ cho ban chỉ đạo cấp huyện về việc xác định F1, F2 và F3.

"Cần xác định rõ thế nào là F1, có định nghĩa hẳn hoi, chứ đến chung một hội trường cũng cho vào diện F1 là không đúng", ông Hạnh nói. Ông nhắc lại chỉ trường hợp F1 cần cách ly tập trung, lấy mẫu xét nghiệm. Trường hợp F2 cách ly tại nhà và lấy mẫu, F3 lập danh sách, theo dõi sức khỏe.

Đồng ý với quan điểm trên của Sở Y tế, Phó chủ tịch UBND Hà Nội Chử Xuân Dũng yêu cầu các đơn vị truy vết, khoanh vùng nhanh trường hợp dương tính, hạn chế mọi rủi ro không mong muốn.

"Từ khi phát hiện F0, tối đa 4 tiếng, tất cả mẫu F1 phải chuyển đến CDC Hà Nội và 6 tiếng sau phải có kết quả. Như vậy trong 10 tiếng từ khi phát hiện ca bệnh CDC phải có kết quả xét nghiệm các trường hợp F1", Phó chủ tịch Hà Nội giao nhiệm vụ.

Ông yêu cầu các đơn vị phối hợp chặt, nếu CDC Hà Nội chậm trả kết quả, các địa phương báo cáo ngay lên Ban chỉ đạo TP. Ngược lại, nếu các địa phương chậm gửi mẫu, TP cũng sẽ có phương án xử lý.

Bên cạnh việc quán triệt các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phòng chống dịch, lãnh đạo TP yêu cầu các đơn vị tích cực truy vết, xét nghiệm nhanh. Không để tình trạng ùn ứ, xét nghiệm không kịp như ở CDC Hà Nội những ngày qua.

Trước việc một bộ phận người dân chủ quan, không thực hiện các biện pháp an toàn, lãnh đạo TP yêu cầu các quận, huyện xử lý nghiêm, đưa thông tin về danh tính, cơ quan đối với người vi phạm rộng rãi. Ông cũng yêu cầu các đơn vị báo cáo kết quả xử phạt về TP hàng ngày để theo dõi.

"Việc không mong muốn nhưng vẫn phải thực hiện vì đây là vấn đề kỷ cương", ông Dũng quán triệt.

Sơn Hà

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ha-noi-yeu-cau-xe-khach-khong-duoc-cho-qua-20-nguoi-post1179614.html