Hà Tĩnh có bao nhiêu vị quan từng giữ chức Tế tửu Văn Miếu - Quốc Tử Giám?
Trong lịch sử, Hà Tĩnh từng có nhiều bậc danh nho, hiền tài và đại thần được giao trọng trách giữ chức Tế tửu (Hiệu trưởng) của Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
Hà Tĩnh có bao nhiêu vị quan từng giữ chức Tế tửu Văn Miếu - Quốc Tử Giám?
A: 6
B: 7
C: 8
D: 9
Giải thích

Chức quan Tế tửu (Hiệu trưởng) giữ việc trông coi Văn Miếu - Quốc Tử Giám, rèn tập sĩ tử, đào tạo nhân tài và kiêm việc chủ tế ở Văn Miếu. Dưới Tế tửu là quan Tư nghiệp (Hiệu phó) giúp việc cho quan Tế tửu (nhà Trần chưa có chức Tế tửu nên Tư nghiệp đứng đầu Quốc Tử Giám). Triều đình trong thời đại phong kiến thường tuyển chọn những bậc danh Nho, hiền tài, những bậc đại thần có đạo đức trong sáng giữ những chức vụ này. Theo sách “Các vị Tư nghiệp & Tế tửu Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà nội” xuất bản năm 2010, của Nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin, từ khi các triều đại quy định về các chức quan trên, cả nước có 103 vị Tế tửu và Tư nghiệp. Riêng quê hương Hà Tĩnh có 6 vị Tế tửu, gồm: Phan Viên; Hà Công Trình; Phan Ứng Toản; Trần Viết Thứ; Nguyễn Nghiễm; Nguyễn Khản.
Những vị quan nào người Hà Tĩnh đứng đầu kinh thành Thăng Long thời nhà Lê?
A: Hà Tông Mục, Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Huy Oánh
B: Nguyễn Nghiễm, Bùi Dương Lịch, Nguyễn Tôn Tây
C: Nguyễn Tôn Tây, Nguyễn Tất Bột, Nguyễn Huy Oánh
D: Nguyễn Tôn Tây , Nguyễn Tất Bột, Hà Tông Mục
Giải thích

Trải qua các triều đại phong kiến: Lý, Trần, Hồ, Lê sơ, Mạc, Lê Trung Hưng, Thăng Long luôn là trung tâm chính trị, kinh tế, quốc phòng, ngoại giao, văn hóa... của cả nước. Dưới thời Lê - Mạc, Thăng Long là kinh đô của cả nước, trực thuộc Phủ Phụng Thiên, đứng đầu là Tri phủ Phụng Thiên, sau đổi thành Phủ doãn Phụng Thiên. Trong số 11 vị đại quan đứng đầu kinh thành Thăng Long thời nhà Lê (thế kỷ XV-XVIII), Hà Tĩnh tự hào có 3 người con ưu tú được lịch sử ghi nhận với nhiều đóng góp to lớn cho kinh đô. Đó là: Quyền Tri phủ Phụng Thiên - Nguyễn Tôn Tây, Phủ Doãn phủ Phụng Thiên Nguyễn Tất Bột và Phủ doãn phủ Phụng Thiên Hà Tông Mục.
Ai là người đã phong tặng danh hiệu “La Sơn phu tử” cho học giả Nguyễn Thiếp?
A: Vua Gia Long
B: Vua Quang Trung
C: Chúa Trịnh Doanh
D: Vua Lê Hiển Tông
Giải thích

Nguyễn Thiếp (1723 - 1804) được sinh ra trong một gia đình hiếu học tại làng Mật Thôn, xã Nguyệt Ao, tổng Lai Thạch, huyện La Sơn, phủ Đức Quang (nay thuộc xã Trường Lưu, Hà Tĩnh). Ông là một trong bốn nhân vật được giới học thuật xếp vào hàng phu tử (nhà hiền triết) trong lịch sử dân tộc. Năm 1768, sau thời gian làm quan cho triều Lê, Nguyễn Thiếp từ quan về núi Bùi Phong (xã Thiên Nhẫn, Nghệ An ngày nay) ở ẩn. Tại đây, ông đọc sách, dạy học và làm ruộng, sống cuộc đời thanh bần, không màng danh lợi. Từ năm 1786 đến cuối năm 1788, Nguyễn Huệ 3 lần kéo quân ra Bắc dẹp loạn, đã 3 lần gửi thư mời Nguyễn Thiếp ra phò tá, kèm lễ vật hậu hĩnh. Tuy nhiên, lần thứ nhất ông từ chối; lần thứ 2, Nguyễn Thiếp gặp mặt hội đàm vui vẻ nhưng sau lại xin lui về ở ẩn. Đến cuối năm 1788, khi Lê Chiêu Thống rước hơn 29 vạn quân Thanh sang xâm chiếm nước ta, Vua Quang Trung từ Phú Xuân đưa quân ra dẹp giặc, bấy giờ Nguyễn Thiếp mới chính thức nhận lời. Nhờ sự quân sư hiến kế của Nguyễn Thiếp cùng các nhân tài khác, Nguyễn Huệ đã đánh bại quân Thanh xâm lược, giành lại bờ cõi núi sông đất nước vào mùa xuân Kỷ Dậu (1789). Danh hiệu “La Sơn phu tử” được Vua Quang Trung đặt cho Nguyễn Thiếp. Điều này thể hiện sự kính trọng của vua đối với Nguyễn Thiếp về học vấn, tài năng và tư cách, cũng như sự tin tưởng vào đóng góp của ông trong việc xây dựng đất nước.
Vị quan nào quê Hà Tĩnh có công khai hoang, mở mang vùng Kim Sơn, Tiền Hải ở phía Bắc?
A: Nguyễn Du
B: Phan Đình Phùng
C: Nguyễn Công Trứ
D: Nguyễn Thiếp
Giải thích

Nguyễn Công Trứ (1778-1858), tự là Tồn Chất, hiệu Ngộ Trai, biệt hiệu là Hi Văn, người làng Uy Viễn (nay là xã Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh). Theo sách “Kể chuyện danh nhân Việt Nam, Nguyễn Công Trứ làm quan ở các triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Ông nổi tiếng là vị quan thanh liêm, chính trực, tài trí hơn người. Trong sự nghiệp của mình, Nguyễn Công Trứ đã làm hai việc đáng chú ý hơn cả là khai hoang và giúp triều đình “an dân”. Về công cuộc khai hoang, theo sách “Kể chuyện Danh nhân Việt Nam”, Nguyễn Công Trứ có công lớn trong việc tổ chức khẩn hoang hai huyện Tiền Hải cũ (tỉnh Thái Bình, nay là tỉnh Hưng Yên) và huyện Kim Sơn cũ (tỉnh Ninh Bình), được Nhân dân ở đây lập sinh từ thờ. Về việc này, sách “Đại Nam liệt truyện” viết, sau khi xem phần đất hoang ở một dải Tiền Châu, phủ Kiến Xương, tỉnh Nam Định cũ, “chia cấp cho dân cùng, gồm được 14 làng, 27 ấp, 20 trại 10 giáo, đinh hơn 2.350 người, ruộng hơn 18.970 mẫu. Xin lập làm một huyện, gọi là huyện Tiền Hải…. Lại xin đo đạc chia khẩn đất ở ven biển ngoài núi Hồng Lĩnh, phủ Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình, được 3 làng, 22 ấp, 24 trại, 4 giáp, đinh hơn 1.260 người, ruộng hơn 14.600 mẫu, lập làm một huyện, gọi tên là huyện Kim Sơn”.
Câu ca “Kiệt Thạch tam khoa tam tiến sĩ” để chỉ vùng đất nào của Hà Tĩnh?
A: Thanh Lộc (nay thuộc xã Gia Hanh)
B: Tiên Điền (nay thuộc xã Tiên Điền)
C: Trường Lưu (nay thuộc xã Trường Lưu)
D: Đông Thái (nay thuộc xã Đức Thọ)
Giải thích

Làng Kiệt Thạch, tổng Đậu Liêu, huyện Thiên Lộc xưa, nay thuộc xã Gia Hanh (Hà Tĩnh) là vùng quê có nhiều người đỗ đạt cao trong các triều đại. Vùng đất này trong lịch sử nổi tiếng với câu truyền ngôn “Kiệt Thạch tam khoa tam tiến sĩ”. Cụ Hoàng Hiền (1444-?) đỗ tiến sĩ năm 1478; Nguyễn Cung (1448-?) đỗ tiến sĩ năm 1493; Thái Kính (1479-?) đỗ tiến sĩ năm 1511 là ba người của câu nói nổi tiếng ấy. Ngoài ra, vào cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX, làng Kiệt Thạch còn có 2 anh em ruột đỗ đại khoa là Nguyễn Văn Trình đỗ Tiến sĩ khoa Mậu Tuất (1898) và Nguyễn Quýnh đỗ Phó bảng khoa Canh Tuất (1910).
Giải thích
Bạn hãy chăm chỉ hơn nhé!
Điểm