Hải Dương: Giải ngân vốn đầu tư công vượt cao so với kế hoạch
Năm 2024, giải ngân vốn đầu tư công của Hải Dương vượt kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, trở thành một trong những nhân tố quan trọng đóng góp vào tốc độ tăng trưởng cao của kinh tế Hải Dương.
Vượt kế hoạch
Năm 2024, tổng vốn ngân sách Nhà nước trong kế hoạch thanh toán là 9.445,3 tỷ đồng, trong đó, vốn trong nước là 9.090,4 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 354,9 tỷ đồng. Năm 2024, giải ngân vốn đầu tư công của Hải Dương đạt tỷ lệ 96,6% so với tổng kế hoạch vốn thanh toán (9.445,3 tỷ đồng) và bằng 131,7% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (6.931,7 tỷ đồng). Kế hoạch vốn cấp tỉnh không có khả năng giải ngân (do không thể thực hiện điều chỉnh cho dự án khác) khoảng 180 tỷ đồng, bao gồm: vốn ngân sách Trung ương là 2,5 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương năm 2023 kéo dài sang năm 2024 là 111,4 tỷ đồng; vốn ODA là 65,9 tỷ đồng.
Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương, năm 2024, công tác lập, quản lý và sử dụng vốn đầu tư công triển khai thực hiện đúng luật, bảo đảm công khai, minh bạch trong công tác phân bổ vốn đầu tư; tiếp tục khắc phục tình trạng đầu tư manh mún, dàn trải, phân tán, kém hiệu quả, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư. Tỉnh ủy, HĐND, UBND và lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh thường xuyên quan tâm chỉ đạo quyết liệt tháo gỡ dứt điểm các khó khăn, vướng mắc; thành lập Tổ công tác chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh và xây dựng kế hoạch giải ngân, xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành, ban quản lý dự án và chủ đầu tư trong việc nâng cao hiệu quả đầu tư. Các ngành, địa phương đã khẩn trương, quyết liệt triển khai công việc ngay từ đầu năm; tập trung xử lý, kiến nghị xử lý kịp thời khó khăn, vướng mắc trong thực hiện dự án.
Theo đánh giá của UBND tỉnh Hải Dương, công tác giải ngân vốn đầu tư công ở địa phương này vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Công tác lựa chọn nhà thầu của một số dự án trong các tháng đầu năm còn chậm do phải chờ Chính phủ ban hành nghị định; Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành thông tư hướng dẫn. Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của một số dự án chưa đáp ứng được tiến độ yêu cầu, chủ yếu là hộ dân chưa thống nhất phương án bồi thường, xác định nguồn gốc đất khó khăn.
Bên cạnh đó, quy hoạch chung đô thị, quy hoạch vùng huyện, quy hoạch phân khu, quy hoạch chung xây dựng xã của một số địa phương chưa được phê duyệt, ảnh hưởng đến tiến độ lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500. Một số dự án phải tiến hành lập quy hoạch hoặc điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng (do không còn phù hợp). Đối với các đồ án được lập theo quy trình rút gọn (quy trình lập quy hoạch tổng mặt bằng) theo Nghị định 35/2023/NĐ-CP và các đồ án quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch chi tiết tại khu vực nông thôn đến ngày 20/5/2024, Bộ Xây dựng mới có Thông tư 02/2024/TT-BXD hướng dẫn xác định và quản lý chi phí quy hoạch chi tiết theo quy trình rút gọn.
Đồng thời, thời gian chuẩn bị đầu tư dự án kéo dài. Theo quy định từ khi hình thành dự án đến khi có thể giải ngân được vốn, tổ chức thực hiện qua nhiều giai đoạn, tương ứng với từng giai đoạn thì quy trình, trình tự, thủ tục chịu sự điều chỉnh của nhiều luật theo từng tính chất của dự án. Tình trạng khan hiếm nguồn cung một số loại vật liệu xây dựng như đất đắp, cát san nền... cũng ảnh hưởng tới tiến độ các dự án. Đối với các dự án khởi công mới, sau khi có quyết định giao vốn mới bắt đầu triển khai công tác lựa chọn nhà thầu tư vấn lập thiết kế thi công, dự toán làm căn cứ phê duyệt để tổ chức lựa chọn nhà thầu xây dựng... dẫn đến những tháng đầu năm không có khối lượng xây lắp hoàn thành. Vốn cấp huyện, xã chủ yếu từ nguồn thu sử dụng đất và việc giải ngân được thực hiện sau khi có số thu nộp tiền sử dụng đất, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ giải ngân của dự án.
Phấn đấu đạt kết quả cao năm 2025
Căn cứ Quyết định số 1508/QĐ-TTg ngày 04/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2025, giao dự toán, kế hoạch đầu tư công từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương, kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ngân sách Trung ương, tổng kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách Nhà nước của Hải Dương năm 2025 là 9.952,595 tỷ đồng.
Để đạt kết quả đầu tư công theo kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, quan điểm của UBND tỉnh Hải Dương là định hướng đầu tư công năm 2025 phải phù hợp với định hướng chung của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công 5 năm 2021-2025 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Trong đó, năm 2025 tập trung thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; vốn phân bổ phải theo thứ tự ưu tiên quy định tại Luật Đầu tư công, quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2025. Nâng cao chất lượng công tác lập kế hoạch, bảo đảm phù hợp với khả năng thực hiện và giải ngân vốn của dự án. Xác định dự án đầu tư trọng tâm, trọng điểm thực hiện trong năm 2025, bảo đảm triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, tránh đầu tư phân tán, dàn trải, nhỏ lẻ.
Đặc biệt, kế hoạch đầu tư công 2025 phải ưu tiên bố trí đủ vốn đầu tư hoàn thành các dự án trọng điểm, dự án thuộc các chương trình, đề án thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025; dự án phát triển hạ tầng trọng điểm có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, tạo đột phá thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước.
Phấn đấu giảm thời gian thực hiện và bố trí vốn các dự án theo nhóm dự án (A, B, C) so với thời gian tối đa được phép quy định tại Điều 52 Luật Đầu tư công, sớm đưa công trình vào sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư... Thực hiện tốt nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng của các dự án.
Nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn đầu tư công năm 2025 phải tuân thủ thực hiện các quy định của pháp luật về đầu tư công, ngân sách Nhà nước, quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2025. Trong đó, danh mục dự án và dự kiến kế hoạch vốn năm 2025 phải thuộc danh mục kế hoạch đầu tư công 5 năm 2021-2025. Mức vốn bố trí cho từng dự án không vượt quá tổng mức đầu tư dự án trừ đi lũy kế vốn đã bố trí đến hết năm 2024 và không vượt quá kế hoạch vốn 5 năm 2021-2025 trừ đi vốn đã bố trí hằng năm trong giai đoạn 2021-2024. Xác định dự án đầu tư trọng tâm, trọng điểm. Chỉ giao kế hoạch vốn cho các dự án đã đủ thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công. Phân bổ vốn cho các nhiệm vụ, dự án phù hợp với tiến độ thực hiện, khả năng giải ngân trong năm 2025 và theo thứ tự ưu tiên như sau: Bố trí đủ vốn thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản (nếu có); trả nợ gốc vốn vay đến hạn phải trả; dự án đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng trước ngày 31/12/2024. Bố trí đủ vốn cho dự án chuyển tiếp phải hoàn thành trong năm 2025 theo tiến độ, quy định về thời gian bố trí vốn theo nhóm dự án (A, B, C) và các dự án thực hiện các chương trình, đề án. Bố trí đủ vốn cho các nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch và vốn đối ứng dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo phương thức đối tác công tư (nếu có). Bố trí vốn cho các dự án chuyển tiếp theo tiến độ được duyệt. Sau khi bố trí đủ vốn cho các nhiệm vụ, dự án theo thứ tự trên, nếu còn vốn mới bố trí khởi công mới dự án.
UBND tỉnh Hải Dương đề nghị các cấp, các ngành và đơn vị liên quan trong tỉnh quản lý chặt chẽ công tác đầu tư công, đảm bảo các dự án bố trí kế hoạch đầu tư công năm 2025 phải có đầy đủ thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công và hoạch vốn năm 2025 được phân bổ chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án xong trước ngày 31/12/2024.
Vốn phân bổ cho từng dự án phải thực hiện theo thứ tự ưu tiên quy định của pháp luật về đầu tư công và nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn đầu tư công năm 2025 và phù hợp với tiến độ thực hiện, khả năng giải ngân; ưu tiên bố trí đủ vốn đầu tư hoàn thành các dự án chuyển tiếp và nhanh chóng hoàn thiện thủ tục về đầu tư, triển khai đầu tư các dự án trọng điểm, đề án thực hiện theo nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025. Khắc phục ngay tình trạng bố trí vốn không theo thứ tự ưu tiên quy định. Phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành trong việc tổ chức thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2025.
Chỉ đạo, thực hiện quyết liệt các giải pháp, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong giải ngân vốn đầu tư công; phân công lãnh đạo phụ trách từng dự án. Kiểm tra hiện trường để kịp thời chấn chỉnh các tồn tại, bất cập; lựa chọn các nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án. Ban Quản lý dự án, chủ đầu tư và nhà thầu lập tiến độ tổng thể, chi tiết, ký cam kết về tiến độ hoàn thành, giải ngân vốn đầu tư công cho từng dự án.
Nâng cao năng lực, trách nhiệm thực thi công vụ, gắn trách nhiệm, đánh giá mức độ hoàn thành công việc với tiến độ thực hiện giải ngân của từng dự án, nhất là Ban quản lý dự án các cấp; luân chuyển, điều động, kỷ luật đối với cán bộ gây khó khăn, không hoàn thành nhiệm vụ.
Các cấp, các ngành và chủ đầu tư chủ động, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong triển khai kế hoạch đầu tư công, thực hiện dự án. Chủ động điều chỉnh hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trước ngày 15/11/2025 (nếu có) để nâng cao hiệu quả đầu tư, phấn đấu năm 2025 giải ngân hết 100% kế hoạch vốn giao.
Nâng cao chất lượng công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu có đầy đủ năng lực thực hiện dự án bảo đảm chất lượng công trình và theo đúng tiến độ quy định. Xử lý nghiêm các tổ chức, người đứng đầu và cá nhân liên quan gây khó khăn, chậm trễ trong việc giao và giải ngân vốn đầu tư công.