Hải Phòng: Giảm thiểu nguy cơ xảy ra sự cố môi trường trong mùa mưa bão
Bão WIPHA (bão số 3) được dự báo có thể diễn biến rất phức tạp; ngành chức năng thành phố Hải Phòng đã chủ động triển khai các bước nhằm phòng ngừa và kịp thời ứng phó sự cố môi trường có thể xảy ra trước diễn biến của cơn bão số 3 nói riêng, mùa mưa bão nói chung.

Chiều 19/7, mưa lớn kèm theo gió mạnh, trên một số tuyến đường của thành phố Hải Phòng đã có trường hợp cây xanh bị gãy đổ.
Thực hiện chỉ đạo của , Sở Nông nghiệp và Môi trường (Cơ quan Thường trực về Phòng chống thiên tai của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố Hải Phòng), đã đề nghị: Các sở, ban, ngành, địa phương nghiên cứu, tổ chức triển khai thực hiện theo thẩm quyền các hoạt động phòng ngừa ứng phó sự cố chất thải theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, ứng phó sự cố chất thải và các quy định của pháp luật có liên quan; tăng cường kiểm tra, giám sát theo thẩm quyền việc vận hành hệ thống xử lý nước thải, hồ chứa nước thải, hồ chứa quặng đuôi, bãi chứa tro xỉ nhiệt điện than, bãi thải GYPS từ nhà máy DAP, các cơ sở khai thác khoáng sản... nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối trong mùa mưa bão.
Cùng với đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hải Phòng đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sự cố môi trường như bãi chôn lấp rác thải, trạm xử lý nước thải, các điểm tồn lưu hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, khu vực nuôi trồng thủy sản ven biển, vùng trũng thấp; chủ động xây dựng phương án ứng phó với sự cố môi trường do mưa lớn, triều cường, sạt lở, vỡ ao hồ nuôi thủy sản, xả thải không kiểm soát...
Sở cũng yêu cầu các chủ dự án đầu tư, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải trên địa bàn thành phố có trách nhiệm chủ động nghiên cứu, triển khai thực hiện các nội dung về phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải theo quy định của pháp luật có liên quan; lưu ý tổ chức rà soát, xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố môi trường cấp cơ sở (đối với các cơ sở chưa ban hành); thực hiện chế độ kiểm tra thường xuyên, áp dụng biện pháp quản lý, kỹ thuật nhằm loại trừ, giảm thiểu nguy cơ xảy ra sự cố môi trường; tập trung kiểm tra các hồ chứa chất thải, bãi lưu giữ chất thải, đặc biệt các bãi thải, hồ chứa quặng đuôi (đối với các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản, cơ sở sản xuất phân bón, hóa chất), bãi lưu giữ chất thải rắn của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy thép và cơ sở xử lý chất thải...
Trường hợp xảy ra sự cố, tổ chức thực hiện ứng phó và kịp thời thông tin, báo cáo đến các cơ quan có thẩm quyền theo quy định; tạm dừng hoặc hạn chế các hoạt động xả thải ra môi trường trong thời gian có mưa, bão nếu không có hệ thống xử lý bảo đảm an toàn; gia cố các bể chứa hóa chất, kho chứa thuốc bảo vệ thực vật, phân bón và hệ thống thu gom, xử lý nước thải, che phủ bãi chứa rác thải để tránh phát tán gây ô nhiễm môi trường; bố trí lực lượng thường trực 24/24 giờ, chuẩn bị đầy đủ vật tư, thiết bị, phương tiện sẵn sàng xử lý các tình huống khẩn cấp.
Cơ quan Thường trực về Phòng chống thiên tai của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố Hải Phòng cũng yêu cầu các phòng, chi cục có liên quan thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ động kiểm tra, đôn đốc các cơ sở trên địa bàn quản lý; phối hợp với Ủy ban nhân dân các xã, phường, đặc khu tổ chức kiểm tra hiện trường, phát hiện và xử lý kịp thời các nguy cơ xảy ra sự cố môi trường.