Hải Phòng: giữ gìn và phát huy trò chơi dân gian pháo đất

Pháo đất là trò chơi dân gian độc đáo mà hiện nay ở Hải Phòng chỉ còn vùng đất Vĩnh Bảo lưu giữ và phát huy.

Ngày 23/11, tại xã Tân Liên đã diễn ra hội thi pháo đất năm 2024 với sự tham gia của 20 đội thi đến từ 11 xã, bao gồm: Vĩnh An, Tân Liên, Giang Biên, Việt Tiến, Thắng Thủy, Hiệp Hòa, An Hòa, Hùng Tiến, Trung Lập, Vĩnh Long và Hưng Nhân.

Hội thi pháo đất không chỉ là một hoạt động giải trí mà còn mang ý nghĩa sâu sắc, góp phần duy trì tinh thần thượng võ, bồi đắp giá trị truyền thống và gắn kết cộng đồng.

Hội thi pháo đất nhằm lưu giữ trò chơi dân gian truyền thống. Ảnh: Tiến Bảo

Hội thi pháo đất nhằm lưu giữ trò chơi dân gian truyền thống. Ảnh: Tiến Bảo

Pháo đất được làm từ loại đất đặc biệt, thường lấy ở đáy sông hoặc tầng sâu của đồng ruộng. Đất phải được chọn lọc kỹ, loại bỏ tạp chất như cát, sỏi, rễ cây. Sau đó, đất được thái lát, ủ vào tường để rút bớt nước trước khi giã nhuyễn.

Đất làm pháo cũng cần lựa chọn công phu. Ảnh: Tiến Bảo

Đất làm pháo cũng cần lựa chọn công phu. Ảnh: Tiến Bảo

Bây giờ cũng là lúc mà dài pháo (các đội chơi của các dòng họ) mời 1 cụ già làm lễ cáo yết với Thành Hoàng làng để cầu cho cuộc chơi hanh thông. Lễ vật thường là hương hoa và không quên một nắm đất pháo để kính cáo với bề trên. Sau khi ăn cơm tối xong, các pháo thủ tập trung nhau giã đất, dùng dây thái (xén) đất thành từng mảnh mỏng để làm sạch các xơ cỏ, rễ cây, rồi nhào, nặn cho thật nhuyễn, thật mịn như khoanh giò lụa.

Cùng với sự giúp đỡ động viên của các cụ già trong xóm, các pháo thủ làm đất cho tới tận khuya, dưới ánh trăng bên nồi nước chè xanh và khói thuốc lào, chuyện trò say sưa rôm rả.

Bằng sự khéo léo của đôi bàn tay, người làm pháo có thể phát hiện ra độ dày, mỏng khác nhau của manh pháo dù chỉ một vài li, phát hiện ra cả những tạp chất nhỏ lẫn vào đất và những bóng khí bên trong rồi nắn, bóp sao cho toàn bộ giềng pháo phải đều, chắc và dẻo như nhau, để khi tung ra giềng không bị đứt. Thành phẩm là những chiếc pháo có hình dạng elip dài từ 70 cm đến hơn 1 m, nặng từ 30 kg đến 40 kg. Mỗi chiếc pháo làm xong như một tác phẩm nghệ thuật, thon thả, đều đặn, quanh giềng in những dấu vân tay như hoa văn độc đáo giống như những chiếc chiêng đồng.

Vĩnh Bảo hiện còn duy trì và lưu giữ được trò chơi này. Ảnh: Tiến Bảo

Vĩnh Bảo hiện còn duy trì và lưu giữ được trò chơi này. Ảnh: Tiến Bảo

Cũng như cách chọn đất và làm pháo, việc tổ chức hội thi pháo đất cũng mang tính hoàn mỹ, đậm nét cổ điển. "Chi dài pháo" – cách gọi một nhóm người cùng nhau làm việc, thường gồm từ 8 đến 10 pháo thủ – thể hiện tinh thần đoàn kết chặt chẽ của cộng đồng. Theo truyền thống, mỗi xóm hoặc làng thường có một "dài pháo", và mỗi pháo được xem là tài sản chung của cả nhóm. Đó không chỉ là niềm tự hào của một dài pháo mà còn là biểu tượng văn hóa của làng, xóm. Đặc biệt, bất kỳ quả pháo nào trong hội thi giành chiến thắng đều được cả cộng đồng tôn vinh, thể hiện sự trân trọng và đề cao giá trị tập thể.

Hào hứng và hồi hộp nhất là lúc chơi pháo, trong không khí rộn ràng, thôi thúc của tiếng trống ngũ liên, 3 -4 người nâng pháo lên tay cho người chơi, sao cho pháo không bị rã, bị lệch. Khi pháo đã nằm gọn trên tay pháo thủ, mọi người lui ra, đó là lúc phảo thủ phải tự mình dùng toàn thân đỡ pháo và bằng sự khéo léo tuyệt vời của đôi tay, gieo cho pháo tiếp đất thật cân bằng, cùng với tiếng nổ là giềng pháo tung ra. Cũng có pháo khi tiếp đất không có tiếng nổ, không ra manh đó là pháo tịt, có pháo manh tung ra nhưng bị đứt làm hai hoặc nhiều đoạn đó là pháo tan, cả hai đều là pháo hỏng.

Mỗi pháo thủ trong cuộc chơi phải tung 3 pháo (gọi là tung tiên, tung nhì, tung ba) và úp 3 pháo (gọi là úp tiên, úp nhì, úp ba). Mỗi lần tung hoặc úp đều dùng trượng để đo, ai có giềng pháo ra dài nhất sẽ được thưởng. Độc đáo nhất là dù ít hay nhiều người, nhiều dài dự thi thì hội pháo cũng chỉ diễn ra trọn một ngày.

Đây là cuộc chơi tuy đơn sơ, mộc mạc nhưng lại chặt chẽ và công phu. Ảnh: Tiến Bảo

Đây là cuộc chơi tuy đơn sơ, mộc mạc nhưng lại chặt chẽ và công phu. Ảnh: Tiến Bảo

Quy ước tính điểm hơn kém trong cuộc chơi tuy đơn sơ, mộc mạc nhưng rất chặt chẽ và công khai. Dù hội pháo có 2 dài hay 20 dài dự thi thì thủ tục cũng giống hệt nhau. Mỗi dài có một thủ trịch làm nhiệm vụ ghi điểm và giám sát các thủ trịch khác, 1 thủ trượng để đo và giám sát cách đo lẫn nhau. Hội thi pháo đất tuyệt nhiên không có ăn thua. Sau hội, nếu có thắng, thua là thắng thua tuyệt đối, không có 2 dài hòa; đã có 2 dài hòa là hòa cả làng.

Pháo đất có từ bao giờ không ai còn nhớ nhưng trò chơi này vẫn diễn ra từ nhiều đời nay. Ảnh: Tiến Bảo

Pháo đất có từ bao giờ không ai còn nhớ nhưng trò chơi này vẫn diễn ra từ nhiều đời nay. Ảnh: Tiến Bảo

Pháo đất có từ bao giờ không ai còn nhớ rõ, nhưng trò chơi này đã tồn tại hàng ngàn năm, gắn liền với nền văn hóa lúa nước. Dù trò chơi này từng phổ biến ở nhiều vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ, hiện nay pháo đất chỉ còn duy trì ở một số ít địa phương như Thái Bình, Hải Dương, Vĩnh Phúc và đặc biệt là Vĩnh Bảo, Hải Phòng.

Việc tổ chức lễ hội pháo đất tại Vĩnh Bảo không chỉ lưu giữ trò chơi dân gian mà còn góp phần khơi dậy niềm tự hào dân tộc, bồi đắp tình yêu quê hương và giữ gìn bản sắc văn hóa. Đây là một hoạt động cần được bảo tồn và phát huy để thế hệ trẻ hiểu thêm về giá trị truyền thống của cha ông.

Tiến Bảo

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/hai-phong-giu-gin-va-phat-huy-tro-choi-dan-gian-phao-dat.html