Hải Phòng: Khẩn trương triển khai phòng chống dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn huyện Thủy Nguyên

Trước tình hình dịch bệnh tả lợn Châu Phi gia tăng nhanh trên địa bàn, UBND huyện Thủy Nguyên (TP.Hải Phòng) đã tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tả lợn Châu Phi.

Ông Nguyễn Văn Viển, Ủy viên BTV Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên chủ trì hội nghị. Cùng tham dự có các cán bộ sở, ban ngành liên quan.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Thủy Nguyên có 1.090 hộ chăn nuôi lợn với tổng số 8.945 con. Trong đó, lợn nái là 831 con, lợn đực giống 35 con, lợn thịt 6.920 con, lợn con theo mẹ 1.159 con. Toàn huyện có 3 Cơ sở chăn nuôi của các Công ty với tổng đàn 5.877 con, trong đó có 1.850 lợn nái, 27 lợn đực giống, 1.000 lợn thịt, 1.090 lợn con theo mẹ, 2.000 lợn cai sữa.

Mới đây, đàn lợn của ông Vũ Trọng Đông ở thôn 8, xã Minh Tân xuất hiện tình trạng ốm, chết bất thường. UBND huyện phối hợp Chi cục Thú y thành phố lấy mẫu xét nghiệm đối với số lợn ốm, chết này. Đến 17 giờ ngày 16/7/2024 có kết quả xét nghiệm, phát hiện thấy vi rút dịch tả lợn Châu Phi chủng thực địa trong mẫu kiểm tra. Sau khi có kết quả xét nghiệm, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch xã Minh Tân đã tổ chức tiêu hủy số lợn bị mắc bệnh và chết vì bệnh dịch tả lợn Châu Phi theo quy định.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, đề ra nhiều ý kiến để kiểm soát tình hình bệnh dịch. Theo đó, cần có sự vào cuộc cả hệ thống chính trị, nhanh chóng thống kê, rà soát tổng đàn lợn chi tiết đến từng hộ chăn nuôi; tăng cường kiểm tra các hoạt động mua bán, giết mổ lợn và các sản phẩm lợn trên địa bàn, các hộ chăn nuôi phải chủ động cùng địa phương trong việc phát hiện, tiêu hủy lợn.

UBND xã Minh Tân, huyện Thủy Nguyên thành lập các chốt kiểm soát phòng, chống dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn. Ảnh: Báo Hải Phòng

UBND xã Minh Tân, huyện Thủy Nguyên thành lập các chốt kiểm soát phòng, chống dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn. Ảnh: Báo Hải Phòng

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ông Nguyễn Văn Viển, Phó Chủ tịch UBND huyện yêu cầu các cơ quan chuyên môn của huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức, ý thức cho người chăn nuôi trong việc thực hiện nghiêm quy trình chăn nuôi an toàn sinh học. Đồng thời chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi; không giấu dịch, không bán chạy động vật mắc bệnh, không vứt xác động vật bừa bãi ra ngoài môi trường.

Đối với xã Minh Tân và Hòa Bình, cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc mua, bán lợn nghi mắc bệnh ra, vào địa bàn nếu phát hiện cần phối hợp xử lý nghiêm theo quy định. Các cấp ủy, chính quyền, các ngành đoàn thể và toàn thể nhân dân cùng chung tay góp sức để giúp ngành nông nghiệp, chăn nuôi của huyện vượt qua giai đoạn khó khăn, sớm dập tắt dịch bệnh trên địa bàn. Các xã, thị trấn theo dõi chặt chẽ, nắm bắt tình hình diễn biến dịch bệnh ở đàn gia súc trên địa bàn, kịp thời báo cáo, tham mưu, đề xuất UBND huyện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra.

Chủ động triển khai các giải pháp khi có tình huống lây lan bệnh trên địa bàn; xây dựng phương án, kế hoạch, chốt kiểm soát liên ngành để kiểm tra chặt chẽ các phương tiện vận chuyển, mua bán gia súc trên địa bàn huyện. Chuẩn bị đầy đủ nguồn lực, vật tư để phòng chống dịch bệnh. Đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng đại trà cho đàn gia súc gia cầm, đảm bảo 100% vật nuôi trong diện tiêm phải được tiêm phòng đầy đủ.

Sông Hồng

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/thuy-nguyen-hai-phong-trien-khai-thuc-hien-bien-phap-phong-chong-dich-ta-lon-chau-phi-90509.html