Hai phụ nữ làm kinh tế giỏi

Hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng với ý chí cần cù, sáng tạo trong sản xuất kinh doanh, các chị đã nỗ lực vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương, đóng góp cho sự phát triển của địa phương.

1 Được sự giới thiệu của Hội LHPN phường 6 (TP Tuy Hòa), chúng tôi đến tham quan mô hình kinh doanh tôm sấy khô của gia đình chị Nguyễn Thị Tâm Thảo ở khu phố Trần Hưng Đạo. Chị Thảo cho biết, ngày trước chị buôn bán tạp hóa trước cửa Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũ, còn anh Trần Văn Cư - chồng chị lái xe thuê cho doanh nghiệp, cuộc sống cũng tạm ổn.

Nhưng sau khi bệnh viện chuyển đến địa điểm mới, để Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên mới thành lập ổn định trật tự an ninh trên địa bàn, chính quyền địa phương cấm tiểu thương buôn bán trước cửa bệnh viện. Không được buôn bán, gia đình chị mất đi nguồn thu nhập chính. Để vượt qua khó khăn, chị Thảo bàn với chồng mở cơ sở sản xuất tôm sấy khô. Cùng với tiền tiết kiệm và vay thế chấp ngân hàng, vợ chồng chị mua một số trang thiết bị để làm tôm sấy và mua đất làm cơ sở sản xuất.

Chị Nguyễn Thị Tâm Thảo. Ảnh: THANH HÀ

Chị Nguyễn Thị Tâm Thảo. Ảnh: THANH HÀ

Sau khi tìm hiểu, học hỏi nhiều nơi, chị Thảo tự mày mò mua tôm về sấy. Ban đầu, chị làm thủ công đem tôm khô vào TP Hồ Chí Minh bán. Do chưa có kinh nghiệm nên sản phẩm làm ra khó tiêu thụ. Không nản chí, chị cần mẫn mày mò, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Sau 5 năm kiên trì sản xuất, năm 2010, sản phẩm tôm sấy khô của chị được các tiểu thương TP Hồ Chí Minh chấp nhận mua theo giá thị trường.

Chị cho biết: Để đạt chất lượng tôm sấy theo yêu cầu xuất khẩu có rất nhiều yếu tố. Trong đó, tôm mua phải tươi sống, kích cỡ đúng chuẩn, tôm trung 100 con/kg hoặc tôm lớn 50 con/kg. Tôm mua về cho thở ôxy ngay cho đến khi mang vào luộc, sau đó tôm được bóc vỏ, khâu sấy cũng rất quan trọng vì nhiệt độ cao, tôm luộc chín quá sẽ bị teo; sau khi tôm được sấy chín thì đóng gói bao bì, đưa vào cấp đông.

Công việc buôn bán phát triển, anh Cư nghỉ lái xe ở nhà phụ giúp vợ kinh doanh. Vợ chồng chị mở rộng quy mô, mua sắm máy móc, trang thiết bị hiện đại phục vụ cho việc sản xuất, chế biến. Mỗi ngày cơ sở của gia đình chị sấy từ 800-1.000kg tôm tươi, thu hút gần 50 lao động, với mức thu nhập từ 4,5-5 triệu đồng/người/tháng.

Đầu ra ổn định, kinh tế ngày càng phát triển, vợ chồng chị sắm 2 xe đông lạnh để thu mua tôm nguyên liệu và chở tôm thương phẩm đi TP Hồ Chí Minh, mua ô tô 4 chỗ để đi lại giao dịch, đồng thời xây nhà cửa khang trang. Bên cạnh làm kinh tế giỏi, chị Thảo còn chăm lo xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con tốt.

Không chỉ làm giàu cho bản thân, chị Thảo luôn sẵn sàng giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn ở phường 6. Từ năm 2017 đến nay, chị nhận giúp đỡ hàng tháng từ 1-2 trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn từ 200.000-300.000 đồng/hộ; tặng quà cho các gia đình nghèo, khó khăn trong dịp Tết.

Chủ tịch Hội LHPN phường 6 Đặng Thị Mộng Hoàng nhận xét: Chị Thảo không chỉ làm kinh tế giỏi, sáng tạo trong kinh doanh mà còn sẵn sàng giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, tích cực tham gia các hoạt động của địa phương và Hội Phụ nữ.

2 Sau khi lập gia đình, cuộc sống của chị Trần Thị Hoa ở thôn Ngân Điền, xã Sơn Hà (huyện Sơn Hòa) khó khăn thiếu thốn đủ bề, thường xuyên thuộc diện hộ khó khăn của xã. Năm 2012, chị vay 40 triệu đồng từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để mua bò về nuôi. Tuy nhiên, ban đầu do thiếu kinh nghiệm và kiến thức chăn nuôi nên bò của gia đình chị phát triển chậm.

Không nản lòng, chị ấp ủ ý tưởng xây dựng mô hình trồng trọt và chăn nuôi trên diện tích đất sẵn có của gia đình. Từ đó, chị tích cực tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật do Hội LHPN xã phối hợp tổ chức; chủ động học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt khắp nơi. Chị tiếp tục đầu tư nuôi bò là vật nuôi chính và nuôi gà, vịt để lấy ngắn nuôi dài cải thiện đời sống. Bên cạnh đó, chị trồng hơn 2ha mía, 1ha dưa và bắp.

Chị Hoa đang chăm sóc ruộng dưa của gia đình mình. Ảnh: THU HUYÊN

Chị Hoa đang chăm sóc ruộng dưa của gia đình mình. Ảnh: THU HUYÊN

Từ kiến thức, kinh nghiệm tích lũy được, chị đã áp dụng vào việc chăm sóc cây trồng theo từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển. Nhờ cần cù chịu khó cộng với áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi nên việc chăn nuôi, trồng trọt ngày càng phát triển, bình quân mỗi năm chị thu hoạch 85 tấn/ha mía, 10 tấn/ha dưa và bắp, sau khi trừ chi phí, gia đình thu nhập từ 200-300 triệu đồng.

Không chỉ lo phát triển kinh tế gia đình, chị Hoa còn tham gia các hoạt động của chi hội phụ nữ và tổ vay vốn, chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả, vận động chị em gửi tiền tiết kiệm định kỳ, giúp vốn, ngày công lao động để hỗ trợ hội viên phụ nữ nghèo phát triển kinh tế gia đình. Chị còn là thành viên CLB Nhà sạch, ngõ đẹp của Chi hội Phụ nữ thôn Ngân Điền. Đồng thời tích cực vận động chị em trong thôn xóm trồng hoa trước nhà mình để tạo mỹ quan đường làng ngõ xóm, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Với những nỗ lực của bản thân, năm 2020, chị Hoa đạt danh hiệu “Phụ nữ tiêu biểu”, được Hội LHPN Việt Nam tặng bằng khen.

Hoàn cảnh khó khăn, chị Thảo, chị Hoa không buông xuôi mà nỗ lực sản xuất, vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê nhà. Thành quả hai chị đạt được là động lực để nhiều gia đình nỗ lực phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, chung tay xây dựng cuộc sống mới ở các địa phương.

THANH HÀ - THU HUYÊN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/251092/hai-phu-nu-lam-kinh-te-gioi.html