Hải quân Ukraine áp dụng lại chiến thuật ngụy trang từ thời Thế chiến I
Hải quân Ukraine vừa tiết lộ về lớp sơn mới trên một số tàu của họ, có vẻ như đã áp dụng chiến thuật ngụy trang từng gây ấn tượng từ thời Thế chiến I.
Hải quân Ukraine đã chia sẻ những hình ảnh này trên mạng xã hội trong tuần, cho thấy nhiều phiên bản sơn của tàu. Theo trang quân sự MilitaryNYI, các tàu này bao gồm ít nhất một tàu pháo bọc thép nhỏ và một tàu tuần tra.
Hải quân Ukraine cho biết những chiếc thuyền này đang tham gia một cuộc diễn tập dành cho các chuyên gia hải quân đến từ Đan Mạch, nước đang hợp tác với Ukraine về nhiều vấn đề hải quân. Không rõ công việc sơn lớp ngụy trang này được áp dụng khi nào.
Trong ảnh, những chiếc thuyền có hoa văn góc cạnh, đặc biệt với nhiều mảng màu xám khác nhau, có thể là một cách thiết kế nhằm mục đích gây nhầm lẫn cho kẻ thù. Ý tưởng của kiểu ngụy trang này là các hình dạng khác nhau đánh lừa thị giác, khiến việc tính toán tốc độ và hướng của con tàu trở nên khó khăn.
Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, vẫn còn phải chờ xem nó thực sự mang lại lợi thế như thế nào cho các tàu thuyền của Ukraine trong chiến tranh hiện đại.
Sidharth Kaushal, chuyên gia về sức mạnh hải quân tại Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia Anh, cho hay: “Đây dường như là một màn ngụy trang rực rỡ”.
Ông cho biết chiến thuật này có thể có một số tiện ích chống lại các cảm biến quang học - chẳng hạn như trên máy bay không người lái, "nhưng sẽ có ít giá trị hơn trước các mối đe dọa do radar dẫn đường".
Ngụy trang kiểu này lần đầu tiên xuất hiện trong Thế chiến I như một phương pháp để gây nhầm lẫn cho tàu ngầm đối phương và làm giảm khả năng nhắm ngư lôi hiệu quả của chúng. Tuy nhiên, nó cũng có một số cách ứng dụng hiện đại.
BBC đưa tin, vào năm 2021, tàu HMS Tamar của Hải quân Hoàng gia Anh đã được sơn lại với màu rằn ri rực rỡ như một cách để tạo cho nó một "bản sắc riêng biệt" trước khi bắt đầu hành trình.
Vào tháng 7/2023, Nga cũng sử dụng một phương pháp tương tự khi sơn các con tàu của mình bằng các khối màu đen ở mỗi đầu nhằm mục đích làm cho chúng trông có vẻ nhỏ hơn và do đó khó tấn công chính xác hơn.
Vào thời điểm đó, Hạm đội Biển Đen của Nga đang là mục tiêu của Ukraine, nước đang sử dụng tên lửa tầm xa và máy bay không người lái để tiêu diệt tàu.
Điều này dẫn đến việc phần lớn hạm đội Nga phải di dời từ cảng chiến lược Sevastopol ở Crimea tới cảng Novorossysk xa hơn.
Hải quân Ukraine không có tàu lớn đang hoạt động mà chủ yếu chỉ có các tàu nhỏ. Hải quân Ukraine cho biết, sự hợp tác giữa Đan Mạch với Ukraine nhằm giải quyết các vấn đề bảo vệ các cảng của Ukraine và đảm bảo hành lang ngũ cốc ở Biển Đen, cũng như loại bỏ mìn trên biển và giúp nước này phát triển một hạm đội hiện đại hơn.
Vào tháng 10, Đan Mạch công bố gói viện trợ trị giá 340 triệu USD cho Ukraine, bao gồm vũ khí và thiết bị mới.