Hàng loạt phòng trọ 'ế ẩm', vắng bóng người thuê

Thời gian gần đây, nhiều người lao động (NLĐ), nhất là lao động tự do, thường xuyên không có việc làm ổn định, thu nhập bấp bênh nên phải trả phòng trọ đi nơi khác làm ăn hoặc trở về quê sinh sống. Điều này đã khiến cho hàng loạt phòng trọ bỏ trống trong suốt thời gian dài vì không có người thuê.

Ông Lương Ngọc Nhẹ bên khu nhà trọ 200 phòng của gia đình tại ấp 5, xã Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu). Ảnh: A.Nhơn

Ông Lương Ngọc Nhẹ bên khu nhà trọ 200 phòng của gia đình tại ấp 5, xã Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu). Ảnh: A.Nhơn

Mặc dù các chủ nhà trọ đã có các “chương trình ưu đãi” như: tân trang khu nhà trọ và không tăng giá thuê phòng, thậm chí giảm giá phòng trọ đến 30-40% nhưng vẫn “ế”…

Nhu cầu thuê giảm

Những ngày cuối tháng 9-2024, dạo trên các tuyến đường quanh Khu công nghiệp Thạnh Phú (thuộc xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu), dễ dàng bắt gặp hàng loạt khu nhà trọ có nhiều phòng đóng cửa im lìm, phía trước treo biển “còn phòng trọ cho thuê”, kèm theo số điện thoại của chủ nhà.

Ông Lương Ngọc Nhẹ, chủ nhà trọ ở ấp 5, xã Thạnh Phú, cho biết gia đình ông đã đầu tư kinh doanh phòng trọ từ nhiều năm nay. Hiện ông có 2 dãy nhà trọ với khoảng 200 phòng lớn, nhỏ. Trước đây, nhiều NLĐ đến thuê ở chật kín các phòng nhưng trong những tháng gần đây, NLĐ lần lượt trả phòng rất nhiều, khiến cho số lượng phòng bỏ trống ngày càng tăng (hiện có khoảng 60 phòng bỏ trống). Để chia sẻ khó khăn với NLĐ, ông Nhẹ đã thực hiện giảm giá thuê phòng từ 30-40% nhưng vẫn vắng bóng khách thuê.

“Theo tôi, việc NLĐ bỏ đi không phải chê phòng trọ kém chất lượng, chật chội hay giá phòng quá cao mà do công việc không ổn định, thu nhập bấp bênh. Cho nên, họ buộc phải trả phòng để đến các địa phương khác trong tỉnh hoặc các tỉnh, thành lân cận như: Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh… tìm việc làm mới với hy vọng cuộc sống tốt hơn; hoặc họ trở về quê sinh sống. Việc nhiều phòng trọ bỏ trống kéo dài đã gây ảnh hưởng ít nhiều đến nguồn thu nhập của gia đình tôi…” - ông Nhẹ bộc bạch.

Gần khu nhà trọ của ông Nhẹ, khu nhà trọ 40 phòng của bà Nguyễn Thị Kim Vân đang bỏ trống tới 10 phòng. Dù đăng thông tin cho thuê phòng trọ khá lâu nhưng vẫn chưa tìm được khách thuê. Thỉnh thoảng có người gọi điện đến hỏi nhưng sau khi nghe báo giá thì không liên lạc lại, hoặc có người đến xem phòng trọ rồi hẹn ngày sẽ dọn đến ở, nhưng sau đó không quay lại.

Trong khi đó, khu nhà trọ 22 phòng của gia đình ông Phạm Văn Vui (78 tuổi, ngụ ấp 1, xã Thạnh Phú) nằm ở ngay trung tâm xã nên đông NLĐ thuê ở ổn định. Hiện khu nhà trọ của ông chỉ trống có một phòng.

Tiếp chuyện chúng tôi, ông Vui cho biết, gia đình ông trước đây sinh sống ở Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2018, gia đình ông quyết định về xã Thạnh Phú mua đất xây nhà trọ để ở, vừa cho thuê.

Khu nhà trọ của ông Vui trước đây luôn có đông người đến thuê ở ổn định. Tuy nhiên, sau khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, tình hình các doanh nghiệp khó khăn vì không có đơn hàng sản xuất khiến cho nhiều công nhân lao động bị ảnh hưởng theo. Nhiều người không có việc làm ổn định, thu nhập bấp bênh nên bỏ đi nơi khác hoặc về quê. Từ đó, số lượng người thuê phòng trọ giảm dần, thậm chí có thời điểm khu nhà trọ của ông Vui để trống từ 5-6 phòng.

Trước tình hình đó, ông Vui đã thực hiện nhiều “khuyến mãi” cho người ở trọ như: không thu tiền trong nhiều tháng đối với những trường hợp bị thất nghiệp, chưa tìm được việc làm mới; giảm tiền phòng trọ từ 1,5 triệu đồng/tháng xuống còn 1,3 triệu đồng/tháng…

“Khu nhà trọ của tôi còn lợi thế là nằm sát tuyến đường lớn của xã và gần với Khu công nghiệp Thạnh Phú, chợ, trường học…, giúp cho việc đi lại, sinh hoạt thuận tiện. Nhờ đó, nhiều công nhân lao động chọn thuê ở đông, ổn định hơn so với các khu nhà trọ nằm trong những con hẻm sâu heo hút” - ông Vui chia sẻ.

Theo các chủ nhà trọ, do nhiều doanh nghiệp có ít đơn hàng sản xuất khiến việc làm của công nhân lao động không ổn định, thu nhập bấp bênh, dẫn đến đời sống gặp nhiều khó khăn. Đó là nguyên nhân để NLĐ trả phòng trọ, tìm kiếm việc làm ở nơi khác hoặc về quê sinh sống. Do vậy, mong muốn của các chủ nhà trọ cũng như NLĐ là tình hình kinh tế ngày càng ổn định hơn, mọi hoạt động kinh doanh thuận lợi để ai cũng có việc làm, có thu nhập ổn định nhằm đảm bảo cuộc sống.

Giảm giá sâu nhưng vẫn vắng người thuê trọ

Tương tự, dạo quanh các phường: Trảng Dài, Tân Phong, Hố Nai, Tân Hiệp… (thuộc thành phố Biên Hòa), dễ dàng bắt gặp hàng loạt khu nhà trọ treo biển cho thuê phòng kèm theo số điện thoại của người chủ nhà. Dù chủ nhà đã có nhiều chương trình “ưu đãi” như: thương lượng giá thuê phòng; giảm giá cho thuê khá sâu; sửa chữa, nâng cấp mới phòng cho thuê…, nhưng lượng khách thuê không nhiều.

Tại khu phố 3A, phường Trảng Dài, chúng tôi gặp vợ chồng ông Nguyễn Văn Trung đang lau dọn 2 căn phòng trọ vì lâu ngày không có người thuê. Ông Trung cho biết, 2 căn phòng trọ này được ông đầu tư xây dựng vào năm 2020 với tổng diện tích trên 60m2 (mỗi phòng rộng hơn 30m2 và có gác lửng). Trước đây, gia đình ông đã cho thuê mỗi căn phòng với giá 4,5 triệu đồng/tháng. Phòng trọ rộng rãi và nằm ngay mặt tiền đường nên bên thuê vừa sử dụng để ở, vừa kinh doanh buôn bán tạp hóa. Thế nhưng, việc kinh doanh buôn bán không thuận lợi nên họ quyết định trả mặt bằng sau một năm thuê.

Các khu nhà trọ treo biển cho thuê phòng tại phường Tân Phong (thành phố Biên Hòa).

Các khu nhà trọ treo biển cho thuê phòng tại phường Tân Phong (thành phố Biên Hòa).

Thấy tình hình kinh tế khó khăn chung, gia đình ông Trung quyết định giảm giá thuê nhà xuống còn 4 triệu đồng/tháng. Có khách đến thuê mặt bằng vừa để ở, vừa kinh doanh rau, củ, quả cho công nhân lao động nhưng buôn bán ngày càng ế ẩm nên họ quyết định đóng cửa sau một thời gian cầm cự không nổi. Lần này, vợ chồng ông Trung tiếp tục giảm giá thuê nhà xuống còn 3,7 triệu đồng/tháng nhưng suốt nhiều tháng nay vẫn chưa có khách thuê.

“Vị trí của 2 căn phòng trọ rất thích hợp cho việc ở, kết hợp kinh doanh buôn bán. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp trong vài năm nay liên tục ngưng hoạt động vì không có đơn hàng sản xuất, khiến đời sống công nhân lao động khó khăn. Điều này đã làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh của người thuê, họ trả mặt bằng vì buôn bán không có lời…” - ông Trung cho hay.

Trong nhiều tháng qua, gia đình bà Đinh Thị Thu Hiền (ngụ khu phố 11, phường Tân Phong) đã treo biển cho thuê phòng trọ nhưng vẫn không có người đến thuê ở. Bà Hiền cho hay, ngoài 4 phòng trọ cũ đã đưa vào hoạt động 5 năm, đầu năm 2024, gia đình bà đã đầu tư xây dựng thêm phòng trọ mới với tổng diện tích hơn 20m2 (4x5m). Gia đình bà ban đầu treo bảng cho thuê với giá 2,5 triệu đồng/tháng thì một số người đến hỏi nhưng không thuê. Lần này, gia đình bà quyết định giảm giá thuê phòng xuống còn 2 triệu đồng/tháng nhưng vẫn không có người đến thuê. “Chưa có lần nào việc cho thuê phòng trọ lại gặp nhiều khó khăn như thời gian gần đây…” - bà Hiền tâm sự.

An Nhơn

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202409/hang-loat-phong-tro-e-am-vang-bong-nguoi-thue-9c576cc/