Hàng nội địa chịu sức ép lớn từ hàng ngoại nhập

Mặc dù doanh thu bán lẻ hàng hóa trong nước 11 tháng đạt gần 6 triệu tỷ đồng, nhưng hiện hàng Việt Nam đang chịu sức ép cạnh tranh lớn từ hàng ngoại nhập.

 Diễn đàn Thúc đẩy thị trường trong nước chiều 11-12 tại Hà Nội. Ảnh: VĂN PHÚC

Diễn đàn Thúc đẩy thị trường trong nước chiều 11-12 tại Hà Nội. Ảnh: VĂN PHÚC

Chiều 11-12, tại Hà Nội, Bộ Công thương đã tổ chức diễn đàn Thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng hàng Việt Nam.

Tại diễn đàn này, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) Lê Việt Nga chia sẻ, sau hơn 14 năm triển khai cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, hàng Việt Nam đã tạo được thế mạnh (đặc biệt hàng thiết yếu, hàng tiêu dùng). Các mặt hàng “Made in Việt Nam” hiện bao phủ rộng khắp các mạng lưới phân phối, từ kênh truyền thống tới hệ thống hiện đại.

 Bà Lê Việt Nga phát biểu tại diễn đàn

Bà Lê Việt Nga phát biểu tại diễn đàn

Bà Lê Việt Nga cho biết, trong hệ thống siêu thị của một số doanh nghiệp trong nước, hàng hóa sản xuất trong nước hiện chiếm tỷ trọng tới 80%-90%, như Co.opmart (90%), Winmart (90%), BRG Retail (80%-90%)… Các hệ thống phân phối có vốn đầu tư nước ngoài như Aeon, Central Retail, MM Mega Market, Lotte Mart… cũng có nhiều đóng góp cho cộng đồng tại nơi mở cơ sở kinh doanh bằng việc thu mua, hỗ trợ xúc tiến tiêu thụ sản phẩm địa phương, đặc sản vùng miền (OCOP), hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu, hàng chủ lực của địa phương… và giữ tỷ lệ hàng Việt Nam ở mức cao trong kênh phân phối của mình.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước trong tháng 11 ước đạt 552.700 tỷ đồng, tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt hơn 5,6 triệu tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước.

“Thị trường trong nước đã đóng góp vào tăng trưởng các ngành công nghiệp chế biến chế tạo, cũng như ngành sản xuất, chế biến nông lâm thủy sản, góp phần tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội cho người dân”, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước thông tin.

Tuy nhiên, bà Lê Việt Nga cũng nêu một số khó khăn, sức ép với hàng hóa tiêu dùng trong nước. Cụ thể, tình trạng nhiều mặt hàng ngoại nhập đang có xu hướng chuyển dịch mạnh vào tiêu thụ tại thị trường nội địa, sau khi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP, EVFTA...) chính thức có hiệu lực. Đây cũng là thách thức rất lớn đối với hàng hóa sản xuất trong nước trong bối cảnh hội nhập chung.

 Quang cảnh diễn đàn chiều 11-12

Quang cảnh diễn đàn chiều 11-12

“Tỷ trọng hàng ngoại nhập trong hệ thống phân phối, đặc biệt kênh thương mại điện tử xuyên biên giới, nhiều khả năng sẽ tăng lên trong thời gian tới”, bà Lê Việt Nga dự báo. Các nền tảng số, thương mại điện tử đang ngày càng phát triển nhanh, liên tục và sẽ chiếm lĩnh thị trường, với tốc độ tăng trưởng hơn 20% mỗi năm.

Cạnh đó, nhiều chuỗi bán lẻ nước ngoài cả trực tuyến và trực tiếp đã tích cực đầu tư mở rộng hệ thống cửa hàng vật lý, kho hàng hóa tại Việt Nam, để phân phối hàng ngoại nhập, nhất là mỹ phẩm, hàng thời trang (dệt may, da giày), thực phẩm chức năng và thực phẩm cao cấp, đồ nội thất và gia dụng, sản phẩm phục vụ mẹ và bé…

Diễn đàn là cơ hội để các cơ quan, đơn vị, địa phương và doanh nghiệp thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn hoạt động sản xuất và tiêu dùng hàng Việt. Từ đó, có giải pháp hỗ trợ, chính sách khuyến khích, ưu đãi nhằm đẩy mạnh sản xuất, tiêu dùng hàng Việt trong những năm tiếp theo, góp phần thực hiện hiệu quả cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Thông qua diễn đàn, các cơ quan quản lý nhà nước mong nhận được ủng hộ, chung tay của các hiệp hội ngành hàng, ngành nghề, cộng đồng doanh nghiệp và đặc biệt là cộng đồng người tiêu dùng trong nước.

VĂN PHÚC

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/hang-noi-dia-chiu-suc-ep-lon-tu-hang-ngoai-nhap-post717888.html