Hãng xe có thể mất bao nhiêu lợi nhuận khi ông Trump lên nắm quyền?
Chuyên gia cảnh báo một số nhà sản xuất ôtô có thể mất đến 20% lợi nhuận trong các năm tiếp theo do ảnh hưởng từ chính sách thuế quan của Mỹ.
Theo Carscoops, loạt nhà sản xuất ôtô toàn cầu, bao gồm những hãng có trụ sở ở Mỹ, cần chuẩn bị cho những khủng hoảng tài chính có thể xảy đến trong nhiều năm tiếp theo trong trường hợp Tổng thống đắc cử Donald Trump thực hiện lời hứa về thuế nhập khẩu mới.
Nhóm chuyên gia tại S&P Global khẳng định các hãng xe châu Âu và Mỹ có thể chứng kiến lợi nhuận hàng năm giảm tới 17% do các mức thuế tiềm tàng có thể được áp dụng với hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ từ Mexico và Canada. Một số hãng có thể ghi nhận mức giảm lợi nhuận đến hơn 20%.
S&P Global liệt kê loạt hãng xe dễ bị tổn thương nhất, có thể mất đến hơn một phần năm lợi nhuận trước lãi vay, thuế, khấu hao… gồm có General Motors, Stellantis, Volvo và Jaguar Land Rover. Volkswagen và Toyota có thể ghi nhận lợi nhuận hao hụt 10-20%, còn BMW, Ford, Mercedes và Hyundai-Kia là những hãng xe chịu thiệt hại từ 10% lợi nhuận trở xuống.
Hồi đầu tuần, ông Donald Trump đã khẳng định một trong những việc đầu tiên mình làm khi đặt chân vào Nhà trắng là áp thuế 25% với bất kỳ mặt hàng nào nhập khẩu từ Canada và Mexico. Hiện, Canada và Mexico là những quốc gia vẫn đang có Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) với Mỹ.
Ông Trump cho biết các loại thuế này nhằm ứng phó lượng ma túy và người di cư tràn vào nước Mỹ. Một khi được thực thi, các loại thuế nói trên vẫn sẽ có hiệu lực cho đến khi Canada và Mexico có những hành động siết chặt kiểm soát biên giới.
Chuyên trang Carscoops bình luận nếu ông Trump kiên trì với quan điểm của mình, đây sẽ là tin xấu với những cái tên đang sản xuất bên ngoài nước Mỹ để cung cấp ôtô cho khách hàng Mỹ như General Motors, Ford và Stellantis.
Các nhà sản xuất ôtô này đều có nhà máy ở Mỹ và theo tính toán của S&P Global, General Motors, Ford và Stellantis có thể chuyển toàn bộ hoạt động sản xuất ở nước ngoài đến các địa điểm ít được sử dụng ở Mỹ.
Theo S&P Global, Stellantis có hiệu suất nhà máy ở Mỹ dưới 50%, còn công suất các cơ sở sản xuất của General Motors và Ford tại xứ cờ hoa đang dư thừa đến một triệu đơn vị.
Volkswagen, BMW và Mercedes sẽ thấy khó khăn hơn trong quá trình di chuyển dây chuyền sản xuất từ Mexico vào Mỹ. Báo cáo của S&P Global cho biết các hãng này cũng sẽ cần phải chi nhiều tiền để mở rộng, cải tạo các nhà máy hiện có ở Mỹ.
Một số hãng xe bao gồm Jaguar, Audi và Porsche hiện không có cơ sở sản xuất tại Mỹ. Audi có thể nhận trợ giúp từ các cơ sở của Volkswagen, nhưng Jaguar Land Rover không có đối tác nào có thể giúp đỡ.
Chuyên trang Carscoops dẫn kết luận từ các chuyên gia của S&P Global cho rằng với các hãng xe không thể tránh khỏi mức thuế nhập khẩu cao, gánh nặng chi phí có thể được chuyển một phần sang khách hàng.