Hành trình khởi nghiệp của bà giáo về hưu

Dựa trên nguồn nguyên liệu của địa phương như vỏ bưởi, cây sả…, bà Trương Thị Mỹ Dung đã dày công nghiên cứu và sản xuất thành công sản phẩm nhang sinh học. Bà còn thành lập Tổ hợp tác 'Sản xuất nhang sinh học từ vỏ bưởi và sả' tại Khu phố 7, phường An Hội (TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre), tạo việc làm cho nhiều lao động nữ tại địa phương.

 Bà Trương Thị Mỹ Dung, Tổ trưởng tổ hợp tác “Sản xuất nhang sinh học từ vỏ bưởi và sả”

Bà Trương Thị Mỹ Dung, Tổ trưởng tổ hợp tác “Sản xuất nhang sinh học từ vỏ bưởi và sả”

Bà giáo về hưu kiên trì học xe nhang

Bà Trương Thị Mỹ Dung, 58 tuổi, Tổ trưởng Tổ hợp tác "Sản xuất nhang sinh học từ vỏ bưởi và sả", từng là giáo viên dạy môn Sinh học tại Trường THCS Phạm Viết Chánh (xã Mỹ Thạnh, Giồng Trôm, Bến Tre).

Năm 2021, trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, có nhiều thời gian rảnh tại nhà, bà trăn trở muốn làm một điều gì đó ý nghĩa. Vừa muốn tận dụng thời gian rảnh, vừa muốn giúp phụ nữ địa phương có thêm thu nhập, bà bắt đầu nhen nhóm ý tưởng khởi nghiệp.

Trong quá trình giảng dạy, bà biết có một số loại hóa chất có thể đuổi muỗi hiệu quả nhưng nếu sử dụng nhiều, thường xuyên, chúng có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, đặc biệt là với trẻ em.

Kinh nghiệm dân gian thường dùng vỏ bưởi hun khói để đuổi muỗi hoặc trồng sả để đuổi côn trùng. Từ những điều đó, bà Dung đã nảy ra ý tưởng làm nhang đuổi muỗi.

Dự án “Nhang sinh học từ vỏ bưởi và sả” đoạt giải Khuyến khích cấp vùng phía Nam tại cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” năm 2024

Dự án “Nhang sinh học từ vỏ bưởi và sả” đoạt giải Khuyến khích cấp vùng phía Nam tại cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” năm 2024

"Khi nghỉ hưu, có nhiều thời gian rảnh nên tôi muốn nghiên cứu và tạo ra sản phẩm thân thiện với môi trường, coi như một công trình nhỏ để lại cho đời. Mục đích khởi nghiệp của tôi không đặt nặng vấn đề lợi nhuận mà xuất phát từ mong muốn bảo vệ môi trường và trao truyền những giá trị tốt đẹp", bà Dung cho hay.

Nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp đầy bỡ ngỡ, bà Dung cho biết, do chưa có kinh nghiệm nên những cây nhang bà làm ra thường to và dài, gây khó khăn trong việc sử dụng cũng như bảo quản.

Trong thời gian tới, để tổ hợp tác phát triển bền vững, các cấp Hội trong tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ bằng nhiều hình thức. Cụ thể, nếu tổ hợp tác có nhu cầu vay vốn, Hội sẽ giới thiệu các nguồn phù hợp, như Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế của Hội LHPN tỉnh. Nếu xét thấy có tiềm năng, tổ hợp tác có thể được hỗ trợ để nâng tầm lên thành hợp tác xã, thông qua chương trình phối hợp với Liên minh Hợp tác xã, để được hướng dẫn và tạo điều kiện cần thiết. Bên cạnh đó, Hội sẽ kết nối với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh nhằm giúp tổ hợp tác có thể tiếp cận máy móc, hỗ trợ cải tiến bao bì, đăng ký sản phẩm OCOP… để nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh cho sản phẩm. Đây không chỉ là hướng hỗ trợ với riêng tổ hợp tác của chị Dung, mà còn là định hướng chung trong việc hỗ trợ và phát triển các tổ hợp tác khác trên toàn tỉnh”.

Bà Võ Ái Hòa, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bến Tre

"Nhang đuổi muỗi cần thời gian cháy lâu, nếu làm ngắn thì cháy hết nhanh, còn nếu làm to như tôi làm lúc đầu thì chưa được thuận tiện. Hồi đó, tôi nghĩ theo kiểu "tốt gỗ hơn tốt nước sơn", chỉ chú trọng đến chất lượng nguyên liệu.

Nhưng khi đưa sản phẩm vào sử dụng thực tế, tôi mới hiểu rằng, nguyên liệu có tốt đến đâu mà sản phẩm cồng kềnh, khó sử dụng thì cũng khó tiếp cận được người tiêu dùng", bà Dung chia sẻ.

Các thành viên trong tổ hợp tác “Sản xuất nhang sinh học từ vỏ bưởi và sả” thực hiện công đoạn đóng gói sản phẩm Ảnh: PNBT

Các thành viên trong tổ hợp tác “Sản xuất nhang sinh học từ vỏ bưởi và sả” thực hiện công đoạn đóng gói sản phẩm Ảnh: PNBT

Sau khi tự đúc rút kinh nghiệm cũng như nhận được nhiều góp ý chân thành từ các chị em phụ nữ, từ Chủ tịch Hội LHPN phường, bà Dung quyết định chuyển hướng làm nhang sinh học phục vụ đời sống tâm linh và văn hóa thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam.

Tiếp tục tận dụng phế phẩm và các nguyên liệu bản địa như vỏ bưởi, cây sả, bà Mỹ Dung bắt đầu nghiên cứu công thức để tạo ra nhang thắp. Mất hơn 4 tháng thử nghiệm, cuối cùng bà cũng cho ra đời được sản phẩm.

"Làm ra được cây nhang cũng trầy trật dữ lắm. Lúc đầu, tôi đem vỏ bưởi phơi khô nhưng phần trắng nhiều quá nên nhang không thơm. Sau đó, tôi rút kinh nghiệm, bỏ bớt phần trắng đi. Còn việc pha bột làm nhang cũng tốn không ít thời gian, trộn sai tỷ lệ là cây nhang bị xấu, đốt lại không thơm", bà Dung kể.

Dần dần tích lũy được kinh nghiệm, bà Dung quyết định mang bột nhang đến nhờ người có máy chuyên dụng hỗ trợ xe nhang. Từ đó, những cây nhang làm ra đều và đẹp mắt hơn. Sau 4 năm bền bỉ theo đuổi dự án khởi nghiệp, đến nay, sản phẩm nhang sinh học làm từ vỏ bưởi và sả của bà Mỹ Dung đã được nhiều người biết đến và tin dùng.

Với đặc điểm không sử dụng hương liệu, phẩm màu hay chất tạo cháy, mỗi cây nhang có thể cháy liên tục từ 80 đến 90 phút, sản phẩm thân thiện với môi trường.

Tạo việc làm cho nhiều phụ nữ địa phương

Với sự hỗ trợ tích cực từ Hội LHPN phường An Hội, vào tháng 7/2022, Tổ hợp tác "Sản xuất nhang sinh học từ vỏ bưởi và sả" tại khu phố 7, phường An Hội, đã chính thức được thành lập. Tổ có 10 thành viên tham gia, trong đó bà Dung đảm nhận vai trò tổ trưởng.

Sản phẩm nhang sinh học

Sản phẩm nhang sinh học

Sản phẩm nhang sinh học của tổ hợp tác được làm từ nguyên liệu thiên nhiên theo tỷ lệ 3:1, tức là 3kg vỏ bưởi kết hợp với 1kg sả có thể sản xuất khoảng 3.000 cây nhang. Tháng cao điểm, tổ có thể bán ra thị trường khoảng 90-100kg nhang. Những tháng mưa hoặc tháng trái mùa bưởi thì lượng bán ít hơn.

Sự ra đời của tổ hợp tác đã tạo việc làm ổn định cho khoảng 20-30 lao động nữ, bao gồm cả những chị em cung cấp nguyên liệu thô, với mức thu nhập trung bình từ 600.000 đồng đến 2 triệu đồng mỗi tháng.

Ngoài ra, tổ hợp tác còn gây quỹ nhằm hỗ trợ hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Bà Dung cho biết thêm: "Tổ hợp tác ưu tiên thu mua nguyên liệu vỏ bưởi của phụ nữ địa phương với giá cao hơn thị trường. Trong khi giá thị trường dao động từ 15.000 đến 20.000 đồng/kg vỏ bưởi khô thì chúng tôi mua với giá 30.000 - 40.000 đồng/kg. Đây là cách thiết thực để giúp chị em tại địa phương có thêm thu nhập. Giúp được ai, chúng tôi là cảm thấy vui".

Hiện tại, tổ hợp tác chưa có điều kiện đầu tư máy móc hiện đại. Vì vậy, quá trình sản xuất còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là phụ thuộc nhiều vào thời tiết.

"Chúng tôi chủ yếu tranh thủ sản xuất vào mùa nắng. Mùa mưa thì gặp khó khăn vì phơi không đủ nắng, nguyên liệu dễ ẩm mốc, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Mong muốn của các thành viên tổ hợp tác là có thể xây dựng một nhà xưởng khang trang, ứng dụng công nghệ hiện đại và có lực lượng lao động trẻ để tổ hợp tác phát triển bền vững hơn", bà Dung chia sẻ.

Mặc dù quy mô còn nhỏ nhưng tổ hợp tác đã góp phần thiết thực vào việc thực hiện Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp", đồng thời giải quyết việc làm cho nhiều hội viên, phụ nữ nghèo tại địa phương. Với những nỗ lực của các thành viên trong tổ hợp tác, dự án "Nhang sinh học từ vỏ bưởi và sả" từng đạt giải Ba cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp do Hội LHPN tỉnh Bến Tre tổ chức năm 2021.

Đến năm 2024, dự án tiếp tục lọt vào vòng chung kết khu vực miền Nam và đoạt giải Khuyến khích cấp vùng cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh" do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức.

Cá nhân bà Trương Thị Mỹ Dung là 1 trong 7 đại diện khu vực miền Nam được vinh danh tại giải thưởng "Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế"- giải thưởng do Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam phối hợp với Hội LHPN Việt Nam trao tặng.

Thông qua các cuộc thi khởi nghiệp, sản phẩm nhang sinh học của tổ hợp tác đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành khu vực miền Nam, mở ra nhiều cơ hội phát triển cho tổ trong tương lai.

Phạm Thương

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/hanh-trinh-khoi-nghiep-cua-ba-giao-ve-huu-20250513110304616.htm