Hành trình tri ân thầm lặng đưa các liệt sỹ về với đất mẹ
Khi tình nguyện nhận nhiệm vụ, tất cả đều cùng chung một ý chí, và xác định, đây không chỉ là nhiệm vụ mà còn là mong muốn, khát khao đưa được các chú, các anh (liệt sỹ) về với đất Mẹ.

Lãnh đạo tỉnh An Giang dâng hoa lên Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ tỉnh An Giang. (Ảnh: Công Mạo-TTXVN)
Hàng nghìn hài cốt liệt sỹ đã được cán bộ, chiến sỹ Đội K93 (Đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sỹ hy sinh qua các thời kỳ chiến tranh) - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang tìm kiếm, quy tập, đưa về an nghỉ tại nghĩa trang liệt sỹ Dốc Bà Đắc (xã Thới Sơn, tỉnh An Giang) và các nghĩa trang liệt sỹ trong nước, hưởng sự chăm sóc của chính quyền, nhân dân và thân nhân liệt sỹ.
Đằng sau con số ấy là nỗ lực âm thầm, không biết mệt mỏi của những người lính đang chạy đua với thời gian, để sớm đưa các liệt sỹ, quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh qua các thời kỳ chiến tranh ở Campuchia và trong nước về với đất mẹ thân yêu.
Mệnh lệnh từ trái tim
Thượng tá Phan Thanh Vũ, Chính trị viên Đội K93 (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh An Giang) cho biết, cứ vào cuối tháng 10 hàng năm, khi mùa mưa dứt, những người lính Đội K93 lại lên đường sang các tỉnh Takeo và Kampon Speu, Campuchia để tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trên nước bạn.
Chuyến đi thường kéo dài khoảng 10 tháng và được chia thành 2 đợt; đợt 1 bắt đầu từ tháng 3-7, đợt 2 từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 năm sau. Thời gian xen kẽ giữa hai đợt (tháng 8,9,10), Đội tổ chức tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ trên địa bàn tỉnh An Giang. Đối với cán bộ, chiến sĩ Đội K93, đây là hành trình thiêng liêng, đầy trọng trách và là mệnh lệnh từ trái tim.
Theo Thượng tá Phan Thanh Vũ, một ngày làm việc của Đội K93 bắt đầu từ lúc trời chưa sáng đến khi hoàng hôn buông xuống. Những ngày đi rừng sâu, toàn đội thức dậy từ 3 giờ, nấu cơm, chuẩn bị trang thiết bị, hành quân qua các đường mòn hoặc tự phát quang. Các chiến sỹ vừa chịu đựng cái nắng gắt, vừa đối mặt với rắn rết, vắt rừng.
Có chuyến đi kéo dài 3-4 ngày mới tiếp cận được tọa độ nghi có mộ liệt sỹ. Khi đó, cả đơn vị căng bạt, mắc võng ngủ giữa rừng.
“Để có thể tìm kiếm được nhiều điểm cùng lúc, Đội K93 thường chia thành hai phân đội, mỗi phân đội gồm nhiều tổ, mỗi tổ 3 người. Có điểm, đội phải đào tới 2-3 lần, có lúc sâu tới cả chục mét mới phát hiện vài mẩu xương, chiếc cúc áo, vài mảnh vải nhỏ. Những lúc đấy, dù rất mệt, nhưng anh em ai cũng mừng rơi nước mắt, như tìm được người thân của mình,” Thượng tá Phan Thanh Vũ chia sẻ.
Nhớ về kỷ niệm tìm được hài cốt liệt sỹ tại tỉnh Takeo, Campuchia trong giai đoạn mùa khô 2024-2025, Trung tá Đường Thanh Sang, Phân đội trưởng Phân đội 2, Đội K93 dùng từ “sung sướng” để diễn tả cảm xúc lúc ấy.
Trung tá Đường Thanh Sang kể: “Vào đầu tháng 3/2025, sau gần 5 ngày đào, tìm giữa cánh đồng dưới chân một ngọn núi ở tỉnh Takeo, Campuchia; trời nắng nóng, oi bức và phải đào bằng cuốc xẻng, nên tay của anh em trong đội ai cũng bị rộp phồng, nhưng không một ai nản chí, bỏ cuộc. Các tổ tiếp tục chia nhau đào mở rộng ra các khu vực xung quanh. Và rồi chúng tôi tìm được 11 hài cốt liệt sỹ, cùng nhiều di vật như: Cúc áo, cây bút, ống bi...”.

Cán bộ, chiến sỹ và đại biểu dành phút tưởng niệm các Anh hùng, liệt sĩ tại nhà quàn của Đội K93. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)
Theo Trung tá Sang, trước khi tham gia Đội K93, mỗi thành viên đảm nhận một vị trí chuyên môn riêng, nhưng khi tình nguyện nhận nhiệm vụ của đội, tất cả đều cùng chung một ý chí, và xác định, đây không chỉ là nhiệm vụ mà còn là mong muốn, khát khao đưa được các chú, các anh (liệt sỹ) về với đất Mẹ.
Chính vì thế, gần 25 năm nhận nhiệm vụ đặc biệt, chưa bao giờ bước chân của những chiến sĩ Đội K93 mỏi mệt hay chùn bước. Các anh băng rừng, xẻ núi, bới từng tấc đất để đưa hơn 3.500 hài cốt liệt sỹ về an táng tại các nghĩa trang trong nước.
Riêng giai đoạn mùa khô 2024-2025, Đội K93 đã khảo sát, tìm kiếm 42 thông tin và cất bốc, quy tập được 56 hài cốt liệt sỹ, xác định danh tính 2 liệt sỹ. Trong đó, trên địa bàn 2 tỉnh Takeo, Kampong Speu là 51 hài cốt liệt sỹ và trên địa bàn tỉnh An Giang 5 hài cốt liệt sỹ. Hầu hết các thông tin cung cấp đều nằm trong rừng sâu, các chiến sĩ phải mất 2-3 ngày hành quân bộ đến vị trí đào tìm.
Mọi hoạt động tìm kiếm đều phải dựa vào sức người, phương tiện thô sơ. Vừa đi, các chiến sĩ vừa phải mở đường. Nhiều thông tin mộ liệt sỹ, Đội K93 đã tìm kiếm từ năm này sang năm khác, đào hàng chục ngàn hố và hàng trăm ngàn m3 đất, đá mới có thể tìm đúng nơi các liệt sỹ bị vùi lấp trong chiến tranh năm xưa.
Chạy đua với thời gian
Biên giới Tây Nam từng là chiến trường ác liệt, nơi hàng chục nghìn cán bộ, chiến sỹ anh dũng hy sinh để giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả. Những cánh rừng xưa, những con đường hành quân nay đã thay thế bằng khu dân cư đông đúc, hay những khu công nghiệp, đô thị sầm uất. Với thông tin ít ỏi và dấu tích mờ nhạt, hành trình tìm kiếm, quy tập càng gian nan.
Trên hành trình thiêng liêng của cán bộ, chiến sỹ Đội K93, những kỷ niệm khó quên chẳng thể nào kể hết. Bởi ở mỗi chuyến đi, các anh luôn phải đối mặt với những bất lợi bất ngờ từ nguồn thông tin, thời tiết, địa hình và áp lực thời gian, vì càng lâu, thì thông tin về mộ liệt sỹ càng ít, càng khó tìm...
Đại tá Chau Chắc, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh An Giang cho biết, khó khăn không chỉ bởi địa hình hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn hay bom đạn còn sót lại, mà còn ở việc xác định vị trí mộ liệt sỹ. Nhân chứng ngày càng ít, trí nhớ suy giảm, địa hình, địa vật thay đổi. Dù có bản đồ, sơ đồ mộ chí, thông tin từ các đơn vị, cựu chiến binh và người dân cung cấp, việc tìm kiếm vẫn vô cùng khó khăn. Nhiều khu mộ đã bị thiên nhiên xóa nhòa, chìm sâu trong lòng đất, khe suối, cây rừng, hoặc các công trình dân sinh.
Để xác định vị trí, họ phải quan sát kỹ từng dấu vết hiện trường.Với phương châm “Còn thông tin về liệt sỹ, mộ liệt sỹ còn tổ chức tìm kiếm, quy tập,” hiện nay, các đơn vị trên địa bàn tỉnh An Giang đã và đang phải chạy đua với thời gian.
Hàng năm, các đơn vị đều xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ chặt chẽ; tổ chức thông tin, tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin về liệt sỹ, mộ liệt sỹ; rà soát, xác minh bổ sung, cung cấp thông tin về những trường hợp mộ liệt sỹ chưa quy tập sau khi tiến hành khảo sát địa bàn, lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ...
Đại tá Chau Chắc cho biết, thời gian qua, Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang và nhân dân đã tập trung chỉ đạo, triển khai tìm kiếm, cất bốc, quy tập, an táng hài cốt liệt sỹ hy sinh qua các thời kỳ đạt được nhiều kết quả. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hài cốt của các cô, chú, anh, chị chưa tìm kiếm được, vẫn còn nằm lại đâu đó nơi chiến trường đã ngã xuống hoặc trên đất bạn Campuchia.

Nghĩa trang liệt sỹ Dốc Bà Đắc (An Giang), nơi an nghỉ của hơn 9.000 liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh qua các thời kỳ chiến tranh ở Campuchia và trong nước. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)
“Trong điều kiện tài liệu, thông tin về nơi chôn cất liệt sỹ hy sinh qua các thời kỳ trên địa bàn tỉnh An Giang và quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam hy sinh qua các thời kỳ chiến tranh trên đất bạn Campuchia ngày càng ít, độ chính xác không cao, địa hình địa vật thay đổi do quá trình phát triển kinh tế-xã hội, thời tiết diễn biến cực đoan... buộc chúng tôi phải nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nhằm chạy đua với thời gian; phải bám dân, bám địa bàn, không quản gian khổ, sẵn sàng đến mọi nơi để thực hiện nhiệm vụ với tinh thần, trách nhiệm cao nhất,” Đại tá Chau Chắc nhấn mạnh.
Chiến tranh đã lùi xa hơn nửa thế kỷ, nhưng với nhiều gia đình liệt sỹ, nỗi đau chưa thể nguôi khi hài cốt của người thân vẫn còn nằm đâu đó trên khắp các nẻo đường Tổ quốc và cả ở nước bạn. Việc đưa các liệt sỹ về với quê hương, đất mẹ gặp muôn vàn khó khăn, gian khổ, song hành trình ấy vẫn đang được Đảng, Nhà nước, các cán bộ chiến sỹ và người dân cả nước thực hiện với quyết tâm cao nhất, để người thân và nhân dân có điều kiện viếng thăm, tri ân./.