Hé lộ dàn vũ khí 'khủng' Mỹ sắp chuyển cho Ukraine

Nhà Trắng đã công bố gói viện trợ quân sự cho Ukraine, trong đó bao gồm bom lượn AGM-154 JSOW để trang bị cho các máy bay chiến đấu F-16, đạn dành cho pháo phản lực HIMARS và các loại tên lửa chống tăng cùng nhiều loại khí tài, thiết bị khác.

Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên Mỹ cung cấp cho Ukraine bom lượn dẫn đường chính xác có tên là Joint Standoff Weapon - AGM-154.

Vũ khí tấn công AGM -154 là một loại bom lượn dẫn đường chính xác tầm xa được thiết kế để tăng hiệu quả tác chiến của lực lượng không quân. Loại bom này nặng hơn 450 kg và có cánh bật ra trong khi bay, được Không quân và Hải quân Mỹ và một số lực lượng quân đội khác sử dụng. Loại vũ khí này có thể tiêu diệt công sự ngầm, xe tăng thiết giáp, tàu chiến.

AGM-154 sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính kết hợp với hệ thống định vị toàn cầu để dẫn đường. Biến thể AGM-154C tích hợp dẫn đường hồng ngoại đầu cuối để tăng độ chính xác khi ngắm bắn. Khi được phóng từ độ cao thấp bom có tầm hoạt động 22km, ở độ cao lớn, bom có thể tấn công mục tiêu ở khoảng cách lên tới 130km.

Bom lượn AGM-154. Ảnh: Military.com.

Bom lượn AGM-154. Ảnh: Military.com.

Thiết kế mô-đun của AGM-154 cho phép bom có nhiều biến thể, mỗi biến thể được điều chỉnh theo từng nhiệm vụ cụ thể thông qua các cấu hình tải trọng khác nhau. Tính mô-đun này tạo điều kiện thuận lợi cho việc nâng cấp và tích hợp các công nghệ mới. AGM-154 có chiều dài 410cm, sải cánh rộng 270cm và trọng lượng khoảng 480 kg, tùy thuộc vào từng biến thể. Loại bom này có tính linh hoạt cao nhờ khả năng tương thích với nhiều loại máy bay

AGM-154 có khả năng tấn công các mục tiêu trên mặt đất từ khoảng cách mà máy bay phóng nằm ngoài phạm vi hiệu quả của hệ thống phòng không đối phương. Khả năng tấn công tầm xa này cho phép máy bay triển khai vũ khí trong khi giảm tiếp xúc với hỏa lực của đối phương, do đó tăng cường khả năng sống sót của máy bay. Loại vũ khí này đã được sử dụng trong nhiều cuộc xung đột khác nhau kể từ khi ra mắt vào những năm 1990 và được đánh giá cao về độ chính xác cũng như tính linh hoạt trong tấn công nhiều mục tiêu, bao gồm cả xe bọc thép và bệ phóng tên lửa.

Có nhiều biến thể của AGM-154, nhưng các báo cáo cho biết Ukraine sẽ nhận được loại có bom chùm, là những quả bom nhỏ phát tán giữa không trung, có khả năng gây ra nhiều thiệt hại hơn so với đầu đạn đơn.

Mặc dù vũ khí này không có tầm bắn mà Ukraine yêu cầu, nhưng chúng sẽ cung cấp cho các phi công Ukraine vũ khí mới mạnh mẽ khi lực lượng nước này giao tranh với lực lượng Nga đang tiến về phía đông, nơi quân đội Ukraine liên tục mất dần kiểm soát lãnh thổ của mình.

Trên thực tế, tầm bắn của AGM-154 sẽ cho phép phi công Ukraine vượt qua hệ thống phòng không và kho vũ khí tiền tuyến của Nga, qua đó cung cấp cho Kiev một phương tiện khác để tấn công các địa điểm này và tạo ra nhiều thách thức hơn nữa cho quân đội Nga.

Theo kế hoạch, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng sẽ cung cấp cho Ukraine thêm nhiều tên lửa Patriot. Tổ hợp tên lửa Patriot là sản phẩm từ thời Chiến tranh Lạnh do Tập đoàn Raytheon của Mỹ phát triển với mục tiêu tạo ra vũ khí phòng không đa dụng và là đối trọng với dòng tên lửa phòng không S-300 của Liên Xô và Nga. Hệ thống tên lửa Patriot gồm 4 tổ hợp: hệ thống thông tin liên lạc; hệ thống chỉ huy điều khiển; hệ thống radar cảnh giới; hệ thống dẫn đường. Bốn thành phần này được tích hợp, tạo ra một hệ thống có tính cơ động rất cao. Hiện nay, hệ thống tên lửa Patriot đã được mô-đun hóa nên việc triển khai một khẩu đội chỉ mất khoảng 1 giờ.

Lần đầu tiên được triển khai năm 1984, qua các lần nâng cấp, đến nay Patriot đã có thế hệ PAC-3. Hệ thống tên lửa Patriot PAC-3 được nâng cấp từ PAC-2. PAC-3 được coi là sở trường để đối phó/ đánh bại/ tiêu diệt các mối đe dọa mới nhất và tăng cường khả năng của tên lửa Patriot trong thực hiện các nhiệm vụ tác chiến trong tình hình mới; là thành phần then chốt của toàn bộ việc cải tiến hệ thống phòng thủ tên lửa chiến trường, góp phần mở rộng không gian chiến trường, nâng cao độ chính xác và khả năng sát thương mục tiêu.

Tên lửa Patriot được khai hỏa từ mặt đất. Ảnh: DefenseNews.

Tên lửa Patriot được khai hỏa từ mặt đất. Ảnh: DefenseNews.

Patriot PAC-3 sử dụng động cơ rốc-két một tầng, nhiên liệu rắn với cơ cấu điều khiển độc cao đặc biệt để cơ động trong khi bay; được trang bị đầu đạn HE nổ mảnh có đương lượng nổ 73kg với ngòi nổ cận đích. Độ cao bay tối đa của loại tên lửa này khoảng 15.000m; tầm bay tối đa khoảng 15.000m. Tên lửa dài 5,2m, đường kính thân 25cm, sải cánh 50cm, tốc độ tối đa khoảng 6.500 km/h, trọng lượng phóng 312kg.

Nó có khả năng vô hiệu hóa các mối đe dọa như tên lửa đường đạn chiến dịch-chiến thuật mang đầu đạn hạt nhân, tên lửa hành trình, các loại máy bay hiện đại…

Mặc dù được coi là hệ thống phòng không tiên tiến nhất trên thế giới, tổ hợp Patriot vốn được Ukraine triển khai để bảo vệ các thành phố lớn không khó phát hiện. Radar của chúng phát ra các tần số mà Nga có thể nhận biết được và Moscow đa sử dụng một trong những tên lửa tốt nhất, khó tiêu diệt nhất để tấn công các khẩu đội Patriot của đối phương.

Tuy vậy, một chuyên gia phòng thủ tên lửa cho rằng Patriot vẫn có khả năng đánh chặn Kinzhal khi nó trở thành mục tiêu của tên lửa, song vẫn có những giới hạn nhất định.

Gói viện trợ trị giá 375 triệu USD mà Mỹ công bố cho Ukraine vào ngày 25/9 cũng bao gồm tên lửa chống tăng Javelin. Đây là tên lửa lần đầu tiên được đưa vào sử dụng vào giữa những năm 1990 để thay thế M47 Dragon đã cũ. Nhiều biến thể của hệ thống tên lửa chống tăng này đã xuất hiện trong những năm qua và mẫu hiện tại là FGM-148F.

Các thành viên quân đội Ukraine đang kiểm tra tên lửa chống tăng Javelin ở Kiev vào tháng 2/2022. Ảnh: Reuters.

Các thành viên quân đội Ukraine đang kiểm tra tên lửa chống tăng Javelin ở Kiev vào tháng 2/2022. Ảnh: Reuters.

Dòng tên lửa này do Raytheon và Lockheed Martin sản xuất. Javelin cho phép người điều khiển không bị phát hiện sau khi phóng. Sau khi được khai hỏa bằng bộ phận phóng chỉ huy, tên lửa Javelin sẽ phóng ra và di chuyển với tốc độ khoảng 290m/s.

Tổng trọng lượng của Javelin không quá lớn, khoảng 22,5kg, nên một binh sĩ có thể sử dụng nó để hoàn thành các nhiệm vụ chống tăng một mình.

Theo tờ Military Times, đầu đạn của tên lửa Javelin có thể xuyên qua thép dày từ 60-78cm. Với tầm bắn hiệu quả trên 2,5km, đầu đạn của Javelin bay được khoảng 3km trước khi nhắm trúng mục tiêu. Đầu tên lửa Javelin được trang bị hai đầu nổ. Đầu nổ thứ nhất sẽ kích nổ khối giáp phản ứng nổ (ERA) bên ngoài và để lộ ra lớp giáp chính của xe tăng, sau đó phần đầu nổ thứ hai sẽ trực tiếp tấn công vào đó.

Với những khả năng trên, tên lửa Javelin được coi là đóng vai trò quan trọng đối với khả năng chiến đấu của lực lượng Ukraine trong cuộc xung đột.

Hệ thống tên lửa chống tăng vác vai Javelin. Ảnh: Wilcox.

Hệ thống tên lửa chống tăng vác vai Javelin. Ảnh: Wilcox.

Tính năng “bắn và quên” của hệ thống tên lửa cho phép các binh sĩ Ukraine cơ động vào các vị trí tấn công trước khi phân tán để tránh bị phản công. Khi xung đột bùng phát, NATO đã cung cấp hàng nghìn hệ thống chống tăng Javelin cho Ukraine. Những tên lửa này đã được chứng minh là chìa khóa cho hệ thống phòng thủ của Ukraine.

Tuy nhiên, dù cách sử dụng Javelin đơn giản hơn nhiều so với các tên lửa chống tăng tương tự, việc huấn luyện binh sĩ vẫn rất cần thiết. Vào mùa hè năm 2022, xuất hiện báo cáo trên chiến trường ở Ukraine về việc hướng dẫn sử dụng tên lửa Javelin bị mất và vũ khí này đã được sử dụng không đúng cách.

Ngoài ra, tên lửa chống tăng TOW và súng chống tăng AT4 cũng nằm trong gói viện trợ quân sự của Mỹ dành cho Ukraine.

Tổ hợp tên lửa chống tăng BGM-71 TOW và các biến thể là một trong những dòng tên lửa chống tăng phố biến nhất trên thế giới. Vũ khí này cũng do Raytheon sản xuất. Toàn tổ hợp nặng khoảng 22kg, trong đó tên lửa có độ dài 116cm, đường kính 15,2cm, đầu đạn nặng 2,63kg, tầm bắn tới 4.200m.

TOW có thể được mang vác, lắp trên giá ba chân, xe đa năng bánh lốp cơ động cao, xe chiến đấu bộ binh, xe thiết giáp hạng nhẹ và trực thăng vũ trang.

Tên lửa chống tăng TOW. Ảnh: Modern War Institute.

Tên lửa chống tăng TOW. Ảnh: Modern War Institute.

Tên lửa chống tăng TOW được trang bị động cơ đẩy nhiên liệu rắn 2 tầng. Khi bắn, người lính theo dõi mục tiêu qua ống ngắm. Hệ thống điều khiển trên tên lửa được kết nối với một máy tính hướng dẫn qua 2 đường dây cuộn sau tên lửa.

Trong khi đó, súng chống tăng AT4 có cỡ nòng 84 mm, có chiều dài tổng thể gần 1m, trọng lượng 6,7kg. Nó chắc chắn, nhẹ, cơ động và có thể đeo vào vai, vì vậy người lính vẫn có thể mang theo súng trường. Do đây là vũ khí không có điều khiển dùng một lần, nên người sử dụng cần phải cố gắng nhắm trúng mục tiêu bởi ống phóng sẽ bị loại bỏ sau khi đã khai hỏa.

Súng chống tăng vác vai AT-4. Ảnh: Military-Today.com.

Súng chống tăng vác vai AT-4. Ảnh: Military-Today.com.

Tuy có cấu tạo đơn giản và dễ sử dụng, nhưng súng chống tăng AT4 lại được coi là khắc tinh của xe tăng và xe thiết giáp, có thể giúp ích rất nhiều cho các lực lượng phòng vệ. Các chuyên gia Mỹ tin rằng, những tình nguyện viên không có kinh nghiệm quân sự tại Ukraine có thể nâng cao sức chiến đấu với loại vũ khí này vì trước đó phần lớn quân nhân dự bị chỉ được trang bị AK-47.

Tổng thống Biden đã yêu cầu Lầu Năm Góc mở rộng chương trình huấn luyện cho phi công Ukraine để có thể vận hành máy bay F-16. Ông cũng cho biết sẽ triệu tập cuộc họp của Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine vào tháng tới tại Đức, để phối hợp các nỗ lực của hơn 50 quốc gia là đồng minh của Ukraine.

Ngoài các loại vũ khí trên, Mỹ cũng sẽ cung cấp cho Ukraine đạn cho tổ hợp HIMARS, đạn pháo 155mm và 105mm, thiết giáp kháng mìn và nhiều loại khí tài, thiết bị khác.

Trí Đức

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/he-lo-dan-vu-khi-khung-my-sap-chuyen-cho-ukraine-268559.htm