Hệ thống chợ, kho bãi tại biên giới chưa theo kịp nhu cầu phát triển

Theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Cao Bằng hiện nay toàn tỉnh Cao Bằng có 80 chợ, trong đó có 21 chợ biên giới, được phân bố trên địa bàn 6 huyện, các chợ biên giới cũng là chợ miền núi. Trong số 21 chợ biên giới có 3 chợ hạng II, 18 chợ hạng III, chủ yếu họp theo phiên.

Chợ tạm biên giới đáp ứng nhu cầu cơ bản của người dân trên địa bàn. Ảnh: CTV

Chợ tạm biên giới đáp ứng nhu cầu cơ bản của người dân trên địa bàn. Ảnh: CTV

Công tác quản lý, kinh doanh chợ biên giới chủ yếu được giao cho UBND xã có chợ trực tiếp quản lý, một số chợ được giao cho hợp tác xã, tổ quản lý chợ quản lý vận hành theo quy định.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 4 kho ngoại quan và 12 điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hóa phục vụ công tác quản lý nhà nước về hải quan theo quy định; 1 kho lạnh tại lối mở Nà Đoỏng (Trà Lĩnh); kho bãi phục vụ hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất. Khu vực biên giới chưa có hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm hội chợ triển lãm...

Theo đánh giá của Sở Công Thương tỉnh Cao Bằng, kết cấu hạ tầng thương mại biên giới hiện nay của tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, các dự án thu hút đầu tư chủ yếu là dự án kho bãi vừa và nhỏ nên hiệu quả phục vụ hạ tầng thương mại biên giới còn hạn chế.

Để phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu, phát triển hoạt động trao đổi hàng hóa cư dân biên giới giữa 2 bên Việt Nam - Trung Quốc, quy hoạch tỉnh Cao Bằng đã định hướng, tiếp tục đầu tư một số dự án hạ tầng trọng điểm phục vụ công tác quản lý nhà nước và hoạt động kinh tế biên mậu; thu hút đầu tư đối với dự án kho, bãi, chế biến nông lâm, thủy sản.

Việc phát triển hạ tầng thương mại biên giới tại các cửa khẩu phụ, lối mở còn hạn chế do thu hút đầu tư kém, thiếu vốn đầu tư. Một số dự án trọng điểm phục vụ xuất nhập khẩu chưa được đầu tư tương xứng, kịp thời do nguồn lực tài chính hạn chế; một số chợ được đầu tư từ lâu, một số hạng mục công trình đã xuống cấp nên chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển; chợ các xã biên giới nằm sâu trong nội địa, chủ yếu phục vụ nhu cầu mua bán của nhân dân trong xã, chưa tham gia nhiều vào hoạt động trao đổi, mua bán hàng hóa của cư dân biên giới hai nước.

Trước những khó khăn vướng mắc trên, ông Nông Văn Khương, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Cao Bằng đề xuất Trung ương tiếp tục quan tâm hỗ trợ phân bổ nguồn vốn từ ngân sách nhà nước để tỉnh đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, đặc biệt là quan tâm hỗ trợ vốn để đầu tư xây mới, nâng cấp hệ thống chợ đối với các huyện miền núi, biên giới có điều kiện kinh tế khó khăn và đặc biệt khó khăn do Cao Bằng có địa hình trải rộng, chia cắt, sức mua của dân cư hạn chế nên hiệu quả đầu tư đối với mạng lưới chợ thấp, khả năng thu hồi vốn không cao nên không thu hút được các nhà đầu tư đến đầu tư xây dựng chợ trên địa bàn.

Đề xuất Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 02/2003/NĐ-CP, Nghị định số 114/2009/NĐ-CP về quản lý, đầu tư và phát triển chợ phù hợp với bối cảnh phát triển mới và phù hợp với đặc thù các vùng miền trong cả nước. Đề nghị Bộ Công Thương thường xuyên tổ chức các hội nghị tập huấn tại địa phương về đào tạo, phát triển đội ngũ thương nhân tham gia hoạt động kinh doanh trong các loại hình hạ tầng thương mại biên giới; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác phát triển và quản lý hạ tầng thương mại biên giới.

Theo Quy hoạch tỉnh Cao Bằng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giai đoạn 2023-2030 hạ tầng thương mại biên giới được phát triển theo định hướng như sau: Nâng cấp 3 cặp cửa khẩu quốc tế; mở mới 2 cặp cửa khẩu song phương; mở 5 lối mở thông quan/đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa thuộc các cặp cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu song phương, tầm nhìn đến 2050; mở mới cửa khẩu Nà Lạn - Bố Cục thành cửa khẩu song phương, thực hiện mở 11 lối mở theo quy trình thủ tục mở lối mở theo quy định tại Nghị định 112/2014/NĐ -CP.

Cẩm Linh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/he-thong-cho-kho-bai-tai-bien-gioi-chua-theo-kip-nhu-cau-phat-trien-post484033.html