Hiến kế giảm thiểu tác động do thiên tai ở khu vực miền Trung

Ngày 16-1, tại TP Hội An (Quảng Nam), Tổng hội Xây dựng Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức hội thảo 'Thiên tai lũ quét, sạt lở đất ở khu vực miền Trung, nguyên nhân và giải pháp giảm thiểu'. Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo các bộ ngành Trung ương, đại diện các sở, ban, ngành các địa phương ở khu vực miền Trung và nhiều chuyên gia trong lĩnh vực phòng chống thiên tai.

Ngày 16-1, tại TP Hội An (Quảng Nam), Tổng hội Xây dựng Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức hội thảo “Thiên tai lũ quét, sạt lở đất ở khu vực miền Trung, nguyên nhân và giải pháp giảm thiểu”. Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo các bộ ngành Trung ương, đại diện các sở, ban, ngành các địa phương ở khu vực miền Trung và nhiều chuyên gia trong lĩnh vực phòng chống thiên tai.

Các lực lượng chức năng tìm kiếm người dân bị sạt lở đất vùi lấp ở xã Trà Leng.

Các lực lượng chức năng tìm kiếm người dân bị sạt lở đất vùi lấp ở xã Trà Leng.

Thiệt hại nặng nề

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho hay, năm 2020 Quảng Nam chịu ảnh hưởng hết sức nặng nề do thiên tai với 43 người chết, 17 người mất tích; cơ sở hạ tầng bị hư hỏng nghiệm trọng, tổng thiệt hại gần 11.000 tỷ đồng. Đây là sự tổn thất to lớn trong khi Quảng Nam là tỉnh còn nhiều khó khăn. Không riêng gì Quảng Nam, năm 2020 các tỉnh, TP khu vực miền Trung cũng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng do thiên tai.

Chính vì thế, Hội thảo lần này để các cơ quan nghiên cứu khoa học, cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương tập trung thảo luận tìm nguyên nhân, đề xuất các giảm pháp khắc phục. “Quảng Nam cũng như các tỉnh, TP khác ở khu vực miền Trung có địa hình dốc, hẹp và núi cao, năm nào cũng bị ảnh hưởng bởi lũ ống, lũ quét, sạt lở đất ở khu vực miền núi. Tôi mong rằng tại hội thảo này sẽ tập trung phân tích, mổ xẻ để làm rõ hơn các vấn đề liên quan đối với khu vực miền núi của miền Trung, cần có những giải pháp phù hợp nhất, thích ứng nhất đối với tình hình thiên tai và biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, đi sâu phân tích việc ứng dụng khoa học công nghệ để cảnh báo, dự báo sớm giúp công tác phòng chống thiên tai chủ động hơn, giảm thiểu thiệt hại hơn” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhấn mạnh.

T.S Hoàng Ngọc Tuấn báo cáo tham luận về nguyên nhân gây sạt lở đất và giải pháp khắc phục.

T.S Hoàng Ngọc Tuấn báo cáo tham luận về nguyên nhân gây sạt lở đất và giải pháp khắc phục.

Theo T.S Đặng Việt Dũng – Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, trong năm 2020, đồng bào miền Trung liên tiếp gánh chịu thiên tai bão lũ kéo dài chưa từng có trong nhiều năm qua. Bão lũ gây sập đổ nhà cửa, phá hủy nhiều công trình từ tỉnh Nghệ An đến Khánh Hòa, nghiêm trọng nhất là gây ra nhiều vụ sạt lở nghiêm trọng ở thủy điện Rào Trăng 3, Trạm kiểm lâm 67 (TT – Huế); Đoàn kinh tế Quốc phòng 337 (Quảng Trị); 3 xã Trà Leng, Trà Vân, Phước Lộc (Quảng Nam) đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm người dân và CBCS.

Những hình ảnh tang thương do thiên tai gây ra đã trở thành nỗi đau, nỗi ám ảnh rất lớn của nhân dân cả nước. Năm 2020, thiên tai gây thiệt hại ở khu vực miền Trung hơn 30.000 tỷ đồng. Qua đó, chúng ta nhận thấy rõ sự tác động của thiên tai đến cuộc sống ngày càng khắc nghiệt. Trước tình hình đó, Đảng và Nhà nước đã tập trung mọi nguồn lực khắc phục thiên tai, chăm lo đời sống nhân dân sau bão lũ. Cứ mỗi khi đến mùa mưa bão trở thành nỗi lo cho các cấp lãnh đạo, vì thế Tổng hội Xây dựng Việt Nam với đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm, đã và đang phối hợp với các chuyên gia trong lĩnh vực phòng chống thiên tai, và các đơn vị chuyên môn khác đang khẩn trương tìm giải pháp hạn chế. Tìm ra nguyên nhân, để có biện pháp chủ động ứng phó, bố trí khu dân cư phù hợp an toàn, đảm bảo cuộc sống cho người dân. Hội thảo lần này là dịp các chuyên gia, các ngành chức năng ngồi lại tìm giải pháp khắc phục.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh phát biểu tại hội thảo.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh phát biểu tại hội thảo.

“Hiến kế” giải pháp khắc phục

Báo cáo tham luận về nguyên nhân chính gây sạt lở đất, T.S Hoàng Ngọc Tuấn – Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam cho rằng, khu vực miền Trung nằm ở vị trí thường xuyên chịu tác động trực tiếp của mưa bão. Đáng nói, các tỉnh, TP miền Trung có độ cao trung bình từ 700-800m nên độ dốc rất lớn, từ 25 đến 30 độ, có nơi trên 45 độ, đồng thời mức độ chia cắt địa hình rất lớn nên khi mưa bão kéo dài sẽ gây ra các thiên tai lũ quét, sạt lở đất. Đáng chú ý, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, trong 5 năm trở lại đây, các tỉnh, TP miền Trung liên tiếp xảy ra nhiều vụ lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng, nhất là trong năm 2020 gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.

T.S Đặng Việt Dũng – Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

T.S Đặng Việt Dũng – Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Qua khảo sát các điểm sạt lở ở 3 huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn (Quảng Nam), chúng tôi nhận thấy lớp đất đá phong hóa mạnh, độ kết dính kém khi gặp mưa lớn đất đá hòa nước gây nên sạt lở. Việc khai thác rừng, xây dựng cơ sở hạ tầng gây phá vỡ kết cấu địa hình cũng dẫn đến tình trạng sạt lở đất. Ngoài ra, hoạt động phân bố dân cư tại các khu vực miền núi mang tính tự phát dẫn đến tình trạng sạt lở đất, lũ quét gây thiệt hại lớn về người. Để cảnh báo sớm và phòng chống lũ quét, sạt lở đất ở khu vực miền Trung, ông Tuấn cho rằng, cần thực hiện một số biện pháp ứng dụng các phần mềm để xây dựng các bản đồ phân vùng cảnh báo các nguy cơ sạt lở đất, khảo sát những vị trí có nguy cơ bị sạt lở, lũ quét cao. Xây dựng hệ thống cảnh báo sớm là sự kết hợp của nhiều thiết bị như thiết bị đo mưa, cảm biến chấn rung, cảm biến căng kế, trạm thu thập xử lý dữ liệu quan trắc. Đánh giá, quy hoạch, bố trí khu dân cư ở miền núi đảm bảo an toàn, nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống lũ quét và sạt lở đất...

Kết thúc buổi hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đánh giá cao những ý kiến thảo luận, tham luận của các chuyên gia, đơn vị chức năng. Đây là cơ sở quan trọng cho từng tỉnh, TP khu vực miền Trung áp dụng nhằm giảm thiểu tác động do thiên tai. Bên cạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác cảnh báo thiên tai thì cần phải áp dụng kinh nghiệm sống của người dân địa phương, bởi không thể tách rời cộng đồng. Đối với khu vực miền núi, cần chú ý việc quy hoạch, bố trí khu dân cư hợp lý, vận dụng và phát huy hài hòa kinh nghiệm thực tiễn để đạt hiệu quả cao. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh mong muốn những giải pháp, đề xuất sẽ được cụ thể hóa, hệ thống để có thể mang tính ứng dụng cao trong thời gian tới, nhanh chóng triển khai được để từng bước ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

LÊ VƯƠNG

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/157_237519_hien-ke-giam-thieu-tac-dong-do-thien-tai-o-khu-vuc.aspx