Hiệu quả mô hình 'Từ trang trại đến bàn ăn'

Tuyên Quang đứng thứ 4 trong các tỉnh miền núi phía Bắc về tổng số lượng sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) khi có 248 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên. Các sản phẩm OCOP đều bảo đảm chất lượng, khẳng định được thương hiệu và được người tiêu dùng ưu chuộng. Để đạt được kết quả này, tỉnh đã không ngừng đổi mới, sáng tạo, áp dụng nhiều mô hình hay vào sản xuất. Trong đó phải kể đến mô hình 'từ trang trại đến bàn ăn' đem lại hiệu quả kinh tế cao, với 2 hợp tác xã (HTX) tiêu biểu như: HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Tâm Hương với sản phẩm chủ lực thịt lợn đen, thịt gà đen; HTX sản xuất chế biến thực phẩm an toàn Sáng Nhung với thịt lợn Thảo dược…

Mô hình sản xuất thực phẩm an toàn khép kín

HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Tâm Hương là một trong 17 HTX của tỉnh Tuyên Quang ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Với mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững theo hướng “từ trang trại đến bàn ăn”, hay còn gọi là mô hình 3F (Feed - Farm - Food). HTX đã xây dựng mô hình sản xuất thực phẩm an toàn, khép kín từ khâu nuôi, trồng đến chế biến (mở bếp cơm văn phòng, chế biến thực phẩm tươi sống) và tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, sau cơ duyên được gặp và hướng dẫn của Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam Hà Phúc Mịch, HTX đã áp dụng mô hình nông nghiệp tuần hoàn vào trang trại để vừa phát triển sản xuất, vừa bảo đảm môi trường. Theo đó, HTX đang áp dụng đệm lót sinh học, trong đệm lót sinh học có chứa men vi sinh sẽ phân hủy chất thải. Vì vậy, ngay cả trong thời gian cao điểm, HTX có khoảng 1.000 con lợn, 1-2.000 con gà nhưng chuồng không có mùi hôi, không chất thải ra môi trường. Hơn nữa, sau 6 tháng thu lớp đệm lót sẽ trở thành nguồn phân bón dinh dưỡng cho cây trồng.

Mô hình “Từ trang trại đến bàn ăn” đem lại hiệu quả kinh tế cao

Mô hình “Từ trang trại đến bàn ăn” đem lại hiệu quả kinh tế cao

Từ khi thành lập tháng 3.2021, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Tâm Hương đã tiếp cận với các dự án, chương trình phát triển sản phẩm đặc sản địa phương, đặc trưng vùng miền, OCOP. Theo đó, HTX không chỉ bán các sản phẩm của bà con địa phương mà còn mở rộng được quy mô trang trại, thu hút được nhiều người dân địa phương tham gia, sản xuất các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, thành lập chuỗi 3 cửa hàng để trưng bày, giới thiệu, bán các sản phẩm OCOP tại thị trấn Na Hang và thành phố Tuyên Quang. Không những thế, hiện nay tại HTX đã lắp đặt hệ thống nhà màng trồng rau củ quả hữu cơ trị giá 500 triệu đồng; liên kết với các thành viên người Dao, người Mông ở xã Hồng Thái tham gia trồng 10ha rau củ quả hữu cơ; tham gia dự án chuỗi liên kết nuôi lợn đen giữa huyện Na hang và Chiêm hóa; mô hình chăn nuôi giống gà đen của người Mông theo hướng an toàn sinh học. Mỗi năm HTX nhận được nhiều đơn đặt hàng giỏ quà tặng của các cơ quan, đơn vị.

Sáng tạo với mô hình lợn Thảo dược

Cũng áp dụng mô hình phát triển sản phẩm OCOP “từ trang trại đến bàn ăn”, HTX sản xuất chế biến thực phẩm an toàn Sáng Nhung, thôn Đông Thịnh, xã Đông thọ, huyện Sơn Dương đã xây dựng và phát triển thương hiệu thịt lợn Thảo dược với quy trình khép kín từ con giống, thức ăn chăn nuôi đến các món sơ chế, chế biến từ thịt lợn. Về con giống, HTX chọn con giống tốt nhất được nhập khẩu nước ngoài sau đó nhân giống. Đối với thức ăn chăn nuôi, HTX lựa chọn phương pháp tự phối trộn từ các nguyên liệu trong nước hoặc nhập khẩu có đầy đủ chứng từ như: cám gạo, cám ngô, khô đậu tương... sau đó trộn thêm thảo dược gừng, tỏi, quế, hồi, đinh lăng, cỏ nhọ nồi, cát sâm, cà gai leo, kim ngân... Với mục đích tăng cường sức đề kháng cho lợn, hạn chế bệnh tật, đào thải những chất độc hại để tạo ra thịt lợn chất lượng tốt, săn chắc, thơm ngon và bổ dưỡng. Đặc biệt nhờ có phương pháp này, khu chuồng hàng nghìn con lợn của HTX không hề có mùi mà thay vào đó là mùi thơm thoang thoảng của quế, hồi, sâm, đỗ tương, ngô, cùi gạo rang - đây là sự thay đổi ngoạn ngục, rõ rệt từ chăn nuôi thông thường sang chăn nuôi an toàn sinh học.

Từ mô hình chăn nuôi khép kín, HTX sản xuất chế biến thực phẩm an toàn Sáng Nhung đã từng bước xây dựng chuỗi sản xuất đạt tiêu chuẩn cung cấp thịt lợn Thảo dược ra thị trường, đem đến cho người tiêu dùng thịt lợn chất lượng cao với cam kết "sạch từ trang trại đến bàn ăn", không chất tăng trọng, chất tạo nạc, chất bảo quản. Tháng 12.2021, HTX đã chế biến thịt lợn và đầu tư dây chuyền chế biến thực phẩm, sản xuất giò, chả, xúc xích, lạp xưởng… Đến nay, HTX đã có 2 cửa hàng để trưng bày, giới thiệu, bán các sản phẩm OCOP của HTX và các sản phẩm liên kết khác. HTX có 7 sản phẩm được chứng nhận OCOP, gồm 3 sản phẩm 4 sao: thịt lợn Thảo dược, giò lụa và xúc xích; 4 sản phẩm 3 sao: chả mỡ, giò dăm bông, chả quế, lạp xườn.

Với quy mô trang trại hơn 20ha, diện tích sử dụng để chăn nuôi, sản xuất gần 5ha, khoảng 4.000 con lợn VietGAP, 1.000 con lợn Thảo dược, mỗi tháng HTX cung cấp cho thị trường 40 tấn thịt. Đặc biệt, Năm 2020, sản phẩm Thịt lợn sạch Sáng Nhung đã được Cục Sở hữu Trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ bảo hộ nhãn hiệu. Ông Nguyễn Ngọc Sáng, Giám đốc HTX thực phẩm sạch Sáng Nhung đã được tôn vinh và trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc" năm 2022 với mô hình nuôi lợn Thảo dược, cho thu lãi 23 tỷ đồng/năm. Năm 2023, ông Nguyễn Ngọc Sáng được tôn vinh là một trong số 10 công dân tiêu biểu của tỉnh Tuyên Quang.

Trần Thu

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/hieu-qua-mo-hinh-tu-trang-trai-den-ban-an-i359569/