Hiệu quả thực hiện chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số
Trà Vinh có dân số trên 01 triệu người, có 03 dân tộc chính là Kinh, Khmer, Hoa, trong đó dân tộc Khmer chiếm 31,53%, dân tộc Hoa khoảng 0,66% và một số dân tộc khác chiếm 0,05%. Các dân tộc Kinh, Khmer, Hoa, Chăm ở Trà Vinh luôn kề vai sát cánh, gắn bó với nhau đấu tranh chống giặc ngoại xâm, chống thiên tai địch họa và trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.
Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc
Đồng bào Khmer ở Trà Vinh đại đa số theo Phật giáo Nam tông Khmer, toàn tỉnh có 143 chùa Phật giáo Nam tông Khmer, với trên 3.000 chư tăng. Phật giáo Nam tông Khmer có Hội đoàn kết sư sãi yêu nước từ tỉnh đến huyện, các cấp Hội đã tích cực tham gia công tác xã hội, từ thiện. Đồng bào Hoa đa số sống ở thành thị, cần cù, chịu khó, dễ hòa nhập, có tính cộng đồng cao, đoàn kết giúp đỡ nhau vượt khó để xây dựng cuộc sống ổn định và phát triển. Đồng bào Chăm và một số dân tộc khác cùng sinh sống gắn bó đoàn kết với các dân tộc Kinh, Khmer, Hoa, tích cực phát triển sản xuất, kinh doanh và tham gia các phong trào cách mạng ở địa phương.
Mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng tạo nên sự đa dạng, phong phú của nền văn hóa Việt Nam. Bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc luôn được bảo tồn và phát huy; luôn đoàn kết, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Thực hiện tốt chính sách dân tộc
Tiêu biểu là việc thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở, nước sinh hoạt, chuyển đổi nghề cho đồng bào dân tộc và những nhu cầu bức thiết về cơ sở hạ tầng ở các xã vùng đồng bào DTTS thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 -2030. Trong đó, từ năm 2021 đến nay, từ nguồn vốn phân bổ của Trung ương và đối ứng của tỉnh, toàn tỉnh đã đầu tư 181 công trình hạ tầng thiết yếu và duy tu, bảo dưỡng 97 công trình, tổng kinh phí thực hiện 222,7 tỷ đồng, hỗ trợ đất ở 34 hộ, (kinh phí trên 1,5 tỷ đồng), 767 hộ được hỗ trợ về nhà ở (kinh phí 35,3 tỷ đồng), 510 hộ được hỗ trợ chuyển đổi nghề với (5,1 tỷ đồng), 418 hộ được hỗ trợ nước sinh hoạt (gần 1,3 tỷ đồng), triển khai xây dựng 03 công trình nước sinh hoạt tập trung tại xã Thanh Sơn, Kim Sơn, Ngãi Xuyên, huyện Trà Cú với kinh phí trên 7,54 tỷ đồng, hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị 08 trường phổ thông dân tộc nội trú, kinh phí gần 39 tỷ đồng…
Các công trình hoàn thành đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả, người dân thuận tiện trong việc đi lại và giao thương hàng hóa, bộ mặt nông thôn vùng đồng bào DTTS khởi sắc rõ nét, góp phần đáng kể cho việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Quá trình triển khai, người dân các địa phương, trong đó có đồng bào DTTS tích cực hưởng ứng, hiến đất, cây trái, hoa màu và ngày công lao động góp phần thực hiện các công trình.
Sản xuất trong vùng đồng bào DTTS có bước phát triển, các mô hình sản xuất lúa kênh bê-tông nổi xã Phú Cần, mô hình cánh đồng lớn xã Tập Ngãi, Châu Điền, vùng sản xuất lúa chất lượng cao ở xã Nhị Trường, Trường Thọ, vùng chuyên canh rau màu ở huyện Châu Thành, mô hình nuôi heo thịt, bò sinh sản, gà thịt sử dụng đệm lót sinh học, phát triển nhiều làng nghề như bánh tét Trà Cuôn (xã Kim Hòa), làng nghề cốm dẹp Ba So (xã Nhị Trường), làng nghề dệt chiếu xã Hàm Tân, nhiều tổ hợp tác, hợp tác xã trong vùng đồng bào DTTS hoạt động có hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, thực hiện tốt công tác giảm nghèo tại các địa phương.
Đoàn kết, giúp nhau, vươn lên phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững
Tại đại hội đại biểu các DTTS huyện Trà Cú lần thứ IV năm 2024, địa phương có đông đồng bào Khmer nhất trong tỉnh, đồng chí Kim Sang, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy ghi nhận, biểu dương những kết quả đạt được của đồng bào các DTTS trên địa bàn huyện. Đề nghị đồng bào các DTTS tiếp tục phấn đấu vươn lên, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, đoàn kết, giúp đỡ nhau trong lao động, sản xuất, vươn lên phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững. Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước do địa phương phát động. Cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể 02 cấp và đồng bào các dân tộc tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác dân tộc trong tình hình mới.
Tại đại hội đại biểu các DTTS huyện Tiểu Cần lần thứ IV năm 2024, đơn vị được tỉnh chọn làm điểm chỉ đạo, đồng chí Lê Thanh Bình, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh ghi nhận và biểu dương những kết quả đạt được trong công tác dân tộc của huyện Tiểu Cần và tỉnh Trà Vinh những năm qua. Tin rằng, thời gian tới, đồng bào DTTS tiếp tục tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tích cực tham gia các phong trào cách mạng ở địa phương, nêu cao ý chí tự lực vươn lên xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Các cấp ủy Đảng, chính quyền ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, kịp thời đấu tranh, vô hiệu hóa với mọi âm mưu thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch…
Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Trà Vinh lần thứ IV với chủ đề “Các dân tộc đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát triển”, Đại hội là diễn đàn giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, tạo sự đồng thuận và niềm tin vững chắc của đồng bào các DTTS vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, là sự kiện có ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc, thể hiện tình đoàn kết các dân tộc, thống nhất ý chí và hành động vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, góp phần cùng Đảng bộ tỉnh Trà Vinh hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra.