Hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nông nghiệp công nghệ cao
Những năm gần đây, tại nhiều địa phương của tỉnh Thanh Hóa, ngành nông nghiệp đã và đang thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng công nghệ cao để thích ứng và phát triển bền vững trước thách thức từ biến đổi khí hậu.
Vốn là HTX nông nghiệp truyền thống, thành lập từ năm 1996, HTX Dịch vụ nông nghiệp (DVNN) Thiệu Hưng, xã Thiệu Hóa đã quyết tâm ứng dụng công nghệ cao (CNC) trong sản xuất nông nghiệp.
Góp phần thay đổi tư duy sản xuất
Giám đốc HTX Nguyễn Văn Dương cho biết: "Từ năm 2015, HTX đã nỗ lực đổi mới mọi mặt, hoạt động có nhiều chuyển biến tích cực và ngày càng phát triển. Đặc biệt, từ năm 2018, khi UBND huyện Thiệu Hóa (cũ) vận dụng chính sách tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh để hỗ trợ, khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển nông nghiệp quy mô lớn, theo chiều sâu; đồng thời, được sự đồng lòng của thành viên, HTX đã thực sự “lột xác” không chỉ phát triển bền vững những dịch vụ truyền thống mà còn mở rộng quy mô, phát triển mạnh các dịch vụ cạnh tranh, trở thành “đầu tàu” để đẩy mạnh ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn”.

Dưa kim hoàng hậu của HTX dịch vụ nông nghiệp Thiệu Hưng có chất lượng cao, được thị trường tin dùng.
Bên cạnh phát triển 4 dịch vụ công, HTX DVNN Thiệu Hưng còn phát triển mạnh các dịch vụ cạnh tranh như điện, tín dụng nội bộ, cung ứng giống và phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC.
Đặc biệt, nhờ sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương và Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa, năm 2019, HTX đã phát triển được 0,5ha nhà màng, trở thành một trong những đơn vị đi đầu của tỉnh trong phong trào phát triển nhà màng, nhà lưới để sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng CNC. HTX đã ký hợp đồng với Công ty CP Mía đường Lam Sơn chuyển giao khoa học - kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm dưa vàng kim hoàng hậu, đồng thời vận động các thành viên mở rộng quy mô sản xuất nhà màng, nhà lưới.
Bà Lê Thị Thắm ở tiểu khu phố 4, xã Thiệu Hóa – một thành viên của HTX cho hay, khi HTX phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, thành viên HTX không chỉ có việc làm ổn định, có thêm thu nhập mà còn được tập huấn, nâng cao kiến thức sản xuất để phát triển kinh tế gia đình. Sau thời gian làm công cho khu sản xuất của HTX, đến nay gia đình bà Thắm đã có 500m2 nhà màng, nhà lưới để sản xuất rau an toàn.
Không ngừng mở rộng quy mô
Theo thông tin của đại diện HTX DVNN Thiệu Hưng, tính đến thời điểm hiện tại, HTX đã đầu tư hơn 6,3 tỷ đồng để xây dựng 8 nhà màng với tổng diện tích 12.761m2 để sản xuất các sản phẩm rau, quả an toàn.
Nhờ có kinh nghiệm, kỹ thuật, hàng năm HTX sản xuất 3 vụ dưa vàng và 1 vụ dưa baby, tổng sản lượng khoảng 170 - 180 tấn/năm, lợi nhuận từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng. Đồng thời, HTX tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho hàng chục thành viên tham gia mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp theo hướng CNC, góp phần nâng cao trình độ sản xuất nông nghiệp và tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động địa phương.
Từ năm 2024, sau khi tham quan, học hỏi các mô hình, HTX đã vận động một số hộ thành viên đưa cây nho sữa Hàn Quốc vào trồng thử nghiệm. Hiện, một số diện tích đang cho quả lứa đầu tiên và hứa hẹn cho năng suất khá. Sản phẩm được HTX kết nối tiêu thụ tại các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch trong và ngoài tỉnh.
Bên cạnh đó, HTX DVNN Thiệu Hưng còn có 2 sản phẩm OCOP 4 sao là “dưa vàng Vạn Hà” và “dưa chuột baby Vạn Hà” đang được tiêu thụ mạnh theo các chuỗi liên kết sản xuất trong và ngoài tỉnh. Doanh thu hằng năm của HTX đạt hơn 25,5 tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng 15%/năm trở lên.
Trong khi đó, để phát huy tiềm năng và thế mạnh cây rau màu trong tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, từ 3 năm trước, HTX Dịch vụ nông nghiệp Thiệu Đô trên địa bàn xã Thiệu Hóa đã vận động người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích sản xuất lúa hiệu quả kinh tế thấp.
Mô hình nhà lưới trồng dưa hoàng kim, dưa chuột baby dần thay thế, từng bước giúp HTX mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/vụ, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động là các thành viên của HTX.
Việc ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp cũng được HTX dịch vụ tổng hợp Thọ Thanh (xã Thọ Xuân) thực hiện gần 5 năm nay. HTX ứng dụng CNC trong trồng dưa vàng kim hoàng hậu và rau, củ, quả an toàn trong nhà lưới theo quy trình VietGAP. 100% diện tích sản xuất của HTX được ứng dụng CNC, từ khâu chọn giống, gieo hạt, ươm mầm, đến trồng thương phẩm. Nhờ luôn quan tâm đến sản xuất sạch, an toàn, năng suất và giảm nhân công lao động, nên việc đầu tư xây dựng nhà lưới, nhà màng, công nghệ tưới được ưu tiên hàng đầu...

Nhờ áp dụng CNC và hệ thống nhà màng, nhà lưới mà cây trồng ít bị tác động từ môi trường bên ngoài, hạn chế sâu bệnh, cho năng suất cao.
Bà Hoàng Thị Lài, thành viên HTX, cho biết: "Từ khi HTX ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp, trình độ sản xuất và thu nhập của thành viên được nâng lên. Không chỉ được tham gia tập huấn, chuyển giao công nghệ mà người sản xuất còn được tiếp cận với tư duy sản xuất hiện đại, xây dựng các chuỗi liên kết bền vững gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Nhờ áp dụng CNC và hệ thống nhà màng, nhà lưới mà cây trồng ít bị tác động từ môi trường bên ngoài, hạn chế sâu bệnh, năng suất đạt cao hơn sản xuất truyền thống, được người tiêu dùng và thị trường đánh giá cao về chất lượng”.
Nhân rộng mô hình HTX công nghệ cao
Xác định chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với ứng dụng CNC là hướng phát triển chủ đạo và tất yếu để nâng cao sức cạnh tranh của nền nông nghiệp, tiến tới xây dựng nền nông nghiệp bền vững. Nhờ đó, tại nhiều địa phương đã hình thành các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC như dưa kim hoàng hậu, dưa lưới, dưa chuột baby, rau an toàn, hoa... Các mô hình chuyển đổi sang trồng các loại dưa, cây ăn quả sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ có thể mang lại doanh thu hàng năm đạt từ 600 triệu đồng/ha trở lên.
Thực tế cho thấy, cùng với mong muốn đưa sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của địa phương vươn ra thị trường, nhiều HTX nông nghiệp trong tỉnh cũng đang nỗ lực trong khẳng định vị thế bằng cách đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật hiện đại vào sản xuất.
Theo thống kê của Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa, tính đến tháng 12/2024, tỉnh có khoảng 150 HTX nông nghiệp, trang trại và hộ nông dân áp dụng, ứng dụng CNC vào quá trình sản xuất. Từ đó, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, áp dụng CNC và các chuỗi giá trị trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Để tiếp tục phát huy các mô hình CNC vào quá trình sản xuất, đại diện Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa cho biết: Thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh đã tổ chức nhiều lớp tập huấn để các HTX nông nghiệp tiếp cận với khoa học - kỹ thuật hiện đại. Đồng thời, khuyến khích các HTX chủ động học hỏi, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, CNC vào sản xuất, nhằm giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường. Cùng với đó, Liên minh HTX tỉnh đã và đang thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn để các HTX tiếp cận nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh Thanh Hóa, góp phần tạo nguồn lực để các HTX đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
Các HTX nông nghiệp phát triển khá ổn định, ngày càng tập trung hơn vào việc hỗ trợ kinh tế hộ thành viên, hộ nông dân, thực hiện tốt chức năng là “bà đỡ” cho kinh tế hộ phát triển; tư duy tổ chức, quản lý HTX được đổi mới, chất lượng hoạt động được nâng lên, đã chủ động đổi mới phương thức quản lý, điều hành, đẩy mạnh đầu tư máy móc thiết bị, ứng dụng CNC trong sản xuất kinh doanh, hướng tới sản xuất hàng hóa; đã xuất hiện nhiều HTX hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
“Thời gian tới, Sở sẽ tham mưu cho tỉnh, ưu tiên xây dựng, phát triển các HTX kiểu mới, hiệu quả gắn với chuỗi giá trị, sản xuất sản phẩm OCOP; khuyến khích các tổ chức kinh tế tập thể, HTX kết nạp thêm thành viên, mở rộng quy mô, tăng cường liên kết, hợp tác với doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác theo chuỗi giá trị phát triển bền vững; triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ HTX nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế, yếu kém, nâng cao hiệu quả hoạt động; tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về kinh tế tập thể, HTX, tạo môi trường thuận lợi cho khu vực kinh tế tập thể, HTX phát triển” – đại diện Sở NN&MT tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh.