Hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Ninh Thuận giai đoạn 2011-2020 chỉ rõ, kết cấu hạ tầng vẫn là điểm nghẽn cản trở sự phát triển của Ninh Thuận, đồng thời xác định mục tiêu phát triển nhanh kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông; hình thành cơ bản hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại, coi đây là một đột phá chiến lược, là yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và cơ cấu lại nền kinh tế.

Hoàn thiện bộ mặt đô thị địa phương

Khát vọng phát triển và ý chí vươn lên, biến những bất lợi thành lợi thế đã giúp Ninh Thuận trở thành điểm sáng trong bức tranh phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Ninh Thuận đã khoác trên mình một tấm áo mới với ba khu vực phát triển riêng biệt. Phía Bắc dành cho du lịch, với những khu nghỉ dưỡng cao cấp, có quy mô lớn dọc theo ven biển từ Bình Tiên đến Vĩnh Hy. Phía Nam dành cho phát triển công nghiệp, trọng tâm là Khu công nghiệp Phước Nam và Cà Ná. Còn vùng đồng bằng dành để phát triển đô thị và dịch vụ - thương mại, trong đó lấy TP. Phan Rang - Tháp Chàm làm động lực phát triển, tạo sức lan tỏa thu hút đầu tư. Nói cách khác, đô thị đã và đang là một trong những mũi nhọn kinh tế toàn tỉnh.

 Ông Lê Phạm Quốc Vinh - Giám đốc Sở Xây dựng Ninh Thuận (thứ hai từ phải sang) kiểm tra dự án xây dựng cơ sở hạ tầng vịnh Vĩnh Hy

Ông Lê Phạm Quốc Vinh - Giám đốc Sở Xây dựng Ninh Thuận (thứ hai từ phải sang) kiểm tra dự án xây dựng cơ sở hạ tầng vịnh Vĩnh Hy

Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã xác định những mục tiêu cụ thể: Hoàn thiện hệ thống giao thông có tính chất kết nối đối ngoại và nội tỉnh; phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải đầu tư hoàn chỉnh quốc lộ 27, đường cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa bàn tỉnh Ninh Thuận; kêu gọi đầu tư xây dựng cảng biển tổng hợp Cà Ná, Ninh Chữ…

 Đường dây 500kV tại Ninh Thuận

Đường dây 500kV tại Ninh Thuận

Ông Trần Quốc Nam - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận - cho biết, xác định kinh tế đô thị là một trong những loại hình mang lại giá trị cao trong quá trình phát triển của tỉnh, giai đoạn vừa qua, Ninh Thuận đã đưa ra những trọng điểm và có nhiều chính sách thu hút đầu tư, nghiên cứu, triển khai dự án trong lĩnh vực này.

Đơn cử, hiện nay, cảng biển tổng hợp Cà Ná giai đoạn 1 do Tập đoàn Trung Nam đầu tư đang nỗ lực triển khai để hoàn thành vào năm 2021. Dự án khu bến Cảng Cà Ná giai đoạn 1 - Cảng biển tổng hợp Cà Ná có tổng diện tích quy hoạch hơn 108 ha, với các phân khu chức năng chính, gồm: Hai bến cảng 70 - 100 nghìn tấn; một bến cảng 20 nghìn tấn và khu kho bãi, hạ tầng dịch vụ. Việc hoàn thành giai đoạn 1 của dự án trong năm 2021 sẽ là nền tảng quan trọng tạo dựng lên một khu đô thị hậu cần - công nghiệp - khoáng sản - năng lượng, với quy mô lên đến hàng tỷ USD trong tương lai. Sau khi hoàn thành và đi vào hoạt động sẽ góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ công tác vận chuyển thiết bị các dự án năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời, sớm đưa Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. Ngoài ra, dự án còn phục vụ trung chuyển hàng hóa của khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên.

 Khai trương Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Ninh Thuận

Khai trương Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Ninh Thuận

Trước khi khởi công Dự án Cảng Tổng hợp Cà Ná thuộc địa phận xã Phước Diêm (Thuận Nam), nơi đây là khu vực có diện tích rộng lớn chưa được khai thác, chưa được phát huy tiềm năng thế mạnh. Từ khi UBND tỉnh có chủ trương đầu tư và quyết định giao Trung Nam Group làm chủ đầu tư, nơi đây trở thành vùng dự án trọng điểm của tỉnh. Qua một thời gian Trung Nam Group tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thi công đã “làm thay da đổi thịt” vùng dự án.

Song song với dự án này, trong thời gian đến, tỉnh cũng đang tập trung các thủ tục để tiến hành đầu tư Dự án điện khí Cà Ná LNG giai đoạn 1, với công suất 1.500MW, cùng với đó, Khu công nghiệp Cà Ná sẽ được phát triển. Với mong muốn tạo thành tổ hợp kinh tế phía Nam, ông Trần Quốc Nam rất hy vọng như lời cam kết của chủ đầu tư, là sẽ hoàn thành dự án Cảng Cà Ná trong năm 2021. Qua đó tạo động lực kéo theo các ngành kinh tế khác của tỉnh phát triển và làm tiền đề để Ninh Thuận hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và xa hơn.

Ông Lê Phạm Quốc Vinh - Giám đốc Sở Xây dựng Ninh Thuận - chia sẻ thêm, trong 5 năm qua, ngành xây dựng Ninh Thuận đã hoàn thành phê duyệt 223 đồ án quy hoạch chi tiết; kêu gọi 7 dự án khu đô thị mới, khu dân cư. Tỷ lệ đô thị hóa đô thị toàn tỉnh đạt 35,72%, riêng trên địa bàn TP. Phan Rang - Tháp Chàm đạt 94,96%. Công tác cải thiện nhà ở và phát triển nhà ở được chú trọng đẩy mạnh, đặc biệt là nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp.

Sớm đưa các dự án hoàn thành đúng tiến độ

Ông Trần Quốc Nam nhấn mạnh, Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đối với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà đã xác định: “Trọng tâm là đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng cấp thiết về giao thông, thủy lợi, cảng biển theo hướng liên thông và đa mục tiêu... tập trung đầu tư phát triển các tuyến giao thông nội tỉnh kết nối với các tuyến cao tốc Bắc - Nam, quốc lộ 1, 27, tuyến đường ven biển… Coi đây là một trong những giải pháp kết nối Ninh Thuận với các tỉnh, thành phố khác, là động lực phát triển kinh tế - xã hội”.

Để cụ thể hóa Nghị quyết trên, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Ninh Thuận xác định trong giai đoạn đến năm 2030 cần định hướng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà, đẩy nhanh việc thực hiện các khẩu đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội mà Đại hội đảng bộ tỉnh xác định trong thời gian tới.

 Dự án cảng Cà Ná đang được Tập đoàn Trung Nam triển khai xây dựng

Dự án cảng Cà Ná đang được Tập đoàn Trung Nam triển khai xây dựng

Cụ thể, tỉnh đã và đang phối hợp với Ban quản lý dự án 85 - Bộ Giao thông Vận tải nhanh chóng giải phóng mặt bằng đúng thời gian đối với dự án tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn đi qua tỉnh Ninh Thuận có chiều dài 61,5 km, từ đó kịp triển khai thi công, hoàn thành dự án trong năm 2022; giải phóng mặt bằng tuyến quốc lộ 27 có chiều dài 11,18 km, phấn đấu đưa dự án vào hoàn thành, đi vào sử dụng năm 2021. Các dự án này sẽ giúp kết nối Ninh Thuận với các địa phương lân cận, là điều kiện đẩy mạnh thu hút đầu tư, giao thương hàng hóa.

Bên cạnh đó, hoàn chỉnh quy hoạch giao thông vận tải tích hợp trong quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2050. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương quan tâm hỗ trợ địa phương nguồn vốn đầu tư công trung hạn để cụ thể hóa các Nghị quyết của HĐND tỉnh về đầu tư các dự án giao thông giai đoạn 2021-2025, đặc biệt các dự án có tính kết nối liên vùng Ninh Thuận - Khánh Hòa - Bình Thuận - Lâm Đồng, các dự án giao thông đường bộ và đường sắt kết nối khu công nghiệp Cà Nà, cảng Cà Ná với cao tốc Bắc - Nam, các dự án giao thông kết nội các điểm du lịch trọng điểm của tỉnh.

Xác định khu cảng biển tổng hợp Cà Ná là một trong những dự án quan trọng với kinh tế - xã hội của tỉnh, tỉnh đang nỗ lực hoàn chỉnh điều chỉnh quy hoạch phân khu Cảng tổng hợp Cà Ná, phối hợp với UBND huyện Thuận Nam và các sở, ban, ngành hỗ trợ nhà đầu tư hoàn thành thi công cảng biển tổng hợp Cà Ná, giai đoạn 1; đồng thời tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thi công các giai đoạn tiếp theo của cảng biển tổng hợp Cà Ná, cảng biển Ninh Chữ và xây dựng các bến thủy nội địa. Từ đó, phát huy hơn nữa vai trò cảng biển trong kinh tế tỉnh.

Kinh tế đô thị được xác định là một trong những yếu tố quan trọng trong quá trình phát triển của Ninh Thuận. Do vậy, tỉnh đã có nhiều chính sách thu hút đầu tư, nghiên cứu, triển khai dự án trong lĩnh vực này.

Hồng Hà - Kim Xuyến

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/hinh-thanh-he-thong-ket-cau-ha-tang-dong-bo-158544.html