Hồ Ta Đăng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

Nhiều năm nay, ông Hồ Ta Đăng (sinh năm 1947), người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Khối 6, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa luôn đi đầu trong việc tuyên truyền, vận động người dân đoàn kết phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững, xây dựng đời sống mới ở khu dân cư, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn...Vì thế, ông được nhiều người dân nơi đây tin tưởng và quý mến.

 Ông Hồ Ta Đăng (ngoài cùng, bên trái) luôn động viên thế hệ trẻ phải giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình - Ảnh: K.S

Ông Hồ Ta Đăng (ngoài cùng, bên trái) luôn động viên thế hệ trẻ phải giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình - Ảnh: K.S

Sinh ra và lớn lên ở xã A Dơi, năm 11 tuổi, Hồ Ta Đăng tham gia làm liên lạc cho cán bộ cách mạng nằm vùng. Từ năm 1959 - 1963, ông làm giao liên và du kích địa phương. Năm 1963 - 1971 ông được đưa ra Bắc học văn hóa và học lái xe phục vụ chiến trường Quân khu Bình - Trị - Thiên. Sau ngày miền Nam được giải phóng, thống nhất đất nước, ông được điều động đến công tác tại bộ phận chuyên về xây dựng đường, cầu cống thuộc Đội Giao thông vận tải Huế. Năm 1977, trong một lần đang làm nhiệm vụ lái xe tải chở vật liệu xây dựng đoạn đi ngang đèo Hải Vân thì không may ông bị tai nạn. Sau khi điều trị vết thương, nhận thấy không còn đủ sức khỏe để lái xe phục vụ các công trình xây dựng, ông xin nghỉ việc trở về quê hương. Tại đây, ông được nhận vào làm cán bộ tài chính xã A Dơi. Là người năng nổ, nhiệt tình và có trách nhiệm với nhiệm vụ được giao, năm 1985 ông được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho đến khi nghỉ hưu theo chế độ vào năm 2008.

Về hưu chỉ một thời gian ngắn, ông Đăng được tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh, ít năm sau ông tiếp tục được bầu làm người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Khối 6, thị trấn Khe Sanh cho đến nay. Với vai trò mới của mình, ông thường xuyên tuyên truyền, vận động hội viên, người dân trong khối thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là các chính sách về dân tộc mà đồng bào được thụ hưởng; quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần, sức khỏe của hội viên và những trường hợp đặc biệt khó khăn. Nhờ có kinh nghiệm nhiều năm làm cán bộ hội nông dân huyện, ông đi đến từng nhà hội viên, người dân trong khối để tuyên truyền, vận động họ không nên sử dụng phương thức sản xuất lạc hậu mà phải học hỏi, tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất kinh doanh, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với thời tiết và thổ nhưỡng nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Đối với những hộ khó hiểu về lý thuyết sản xuất, chăn nuôi, ông không nề hà, sẵn sàng “cầm tay chỉ việc” giúp họ làm quen với kỹ thuật nuôi trồng cũng như xây dựng các mô hình kinh tế mới. Nhờ vậy, ở khối ngày càng xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả như chăn nuôi bò, dê, lợn, gà, trồng cây ăn quả, trồng rừng, rau sạch…., giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Bên cạnh đó, ông Đăng còn vận động hội viên, người dân tích cực tham gia các hoạt động, phong trào thi đua yêu nước; loại bỏ những hủ tục như tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, chữa bệnh theo hướng mê tín dị đoan, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang…; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số như xây dựng mô hình dệt thổ cẩm, duy trì câu lạc bộ cồng chiêng, các làn điệu dân ca Vân Kiều, Pa Kô, đan lát, chế tác nhạc cụ truyền thống; vận động người dân tạo mọi điều kiện cho con em đến trường học chữ; đoàn kết khắc phục hậu quả của thiên tai, chung tay phòng chống COVID-19… Đối với những trường hợp khó khăn về nhà ở hay ốm đau, ông Đăng quan tâm phối hợp với các tổ chức, đoàn thể vận động kinh phí để tặng quà, hỗ trợ xây dựng nhà. Điển hình như bà Kăn Choòng là cựu chiến binh, chồng mất, bản thân bà già yếu, nhà ở xuống cấp; bà Nguyễn Thị Sáu có chồng là người Pa Kô đã mất, nhà ở tạm bợ, thông qua sự kêu gọi, giúp đỡ của ông Đăng mỗi trường hợp được hỗ trợ 50 triệu đồng để sửa chữa, xây dựng nhà ở kiên cố, ổn định cuộc sống. Bà Kăn Choòng chia sẻ: “Tôi già yếu, nhà cửa dột nát mà không có tiền sửa chữa, nhiều hôm mưa gió nằm không dám ngủ. May nhờ có ông Đăng vận động cho 50 triệu đồng để cải tạo lại căn nhà cho kiên cố, thật không biết nói gì hơn. Mỗi lời nói, việc làm của ông Đăng luôn vì lợi ích của cộng đồng nên bà con ai cũng quý trọng”.

Nhờ sự nỗ lực đóng góp của ông Đăng nên đời sống kinh tế - xã hội của Khối 6, thị trấn Khe Sanh ngày càng khởi sắc. Bản thân ông Đăng vinh dự được Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã có nhiều thành tích trong công tác hội nông dân, trong vận động Nhân dân thực hiện phong trào thi đua bảo vệ an ninh Tổ quốc… Chủ tịch UBND thị trấn Khe Sanh Nguyễn Xuân Hữu cho biết: “Nhiều năm qua, ông Hồ Ta Đăng luôn phát huy tốt vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương. Sự nhiệt tình và uy tín của ông đã góp phần xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu; giúp người dân phát huy tiềm năng, lợi thế đất đai, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đặc biệt, ông chính là nòng cốt hòa giải mâu thuẫn, vướng mắc trong đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần giữ vững an ninh trật tự xã hội, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc”.

Kăn Sương

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=158666&title=ho-ta-dang-nguoi-co-uy-tin-trong-dong-bao-dan-toc-thieu-so